Sau khi sinh con trai đầu lòng vào năm 2013, chị Lê Ngọc Anh tạm hoãn một thời gian sinh con thứ hai để phát triển kinh tế. Năm 2017, cô quyết định sinh thêm con nhưng không thể mang thai. 7 năm trời Ngọc Anh cùng chồng ngược xuôi lên Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị hỗ trợ sinh sản.
Hai lần bơm tinh trùng vào tử cung (phương pháp IUI), một lần điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở 2 bệnh viện khác nhau đều thất bại. Lần đầu làm IVF, Ngọc Anh thu được 14 noãn nhưng chỉ tạo được 3 phôi ngày 3. Nuôi lên ngày 6 chỉ còn 1 phôi loại 3. Kết quả chuyển phôi thất bại.
Vợ chồng Ngọc Anh tìm đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh (IVFTA-HCMC) được bác sĩ Lê Xuân Nguyên khám, siêu âm kỹ lưỡng, phát hiện bất thường ở tử cung dẫn đến khó đậu thai.
Bác sĩ Lê Xuân Nguyên cho biết, bệnh nhân vô sinh thứ phát lâu năm, vòng kinh không đều. 1 năm chỉ có khoảng 2-3 lần kinh nguyệt, do đó xác suất để tinh trùng và noãn thụ tinh là rất thấp. Đặc biệt là bệnh nhân có tình trạng ứ dịch sẹo mổ lấy thai, và tử cung dính chặt lên thành bụng, không lơ lửng như ở phụ nữ bình thường khác.
Đây là những biến chứng liên quan cuộc mổ lấy thai trước đây, dẫn đến những hạn chế trong khảo sát bất thường liên quan tới khả năng sinh sản, giảm tỷ lệ thành công của các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Ngoài ra, tiền căn tạo phôi kém cũng khiến bệnh nhân khó mang thai thành công.
Em bé sinh đủ tháng vào đầu tháng 4/2023, nặng 3,8 kg. |
Tại IVFTA-HCMC, Ngọc Anh được xây dựng phác đồ điều trị từng bước. Tử cung dính chặt thành bụng khiến siêu âm ngả âm đạo không có hiệu quả, bác sĩ Nguyên thực hiện siêu âm bằng đầu dò ở ngả bụng cho hiệu quả cao hơn. Cô được kích trứng 1 lần, được 24 noãn, tạo được 12 phôi ngày 3. Các bác sĩ tiếp tục nuôi được 8 phôi ngày 5, chọn lọc được 3 phôi loại 1 và 2 phôi loại 3.
Trước khi chuyển phôi, bác sĩ Nguyên giúp bệnh nhân thực hiện thủ thuật hút dịch ứ tại sẹo mổ cũ, giúp buồng tử cung đủ điều kiện để phôi bám dính tốt, em bé phát triển khỏe mạnh.
Ngay sau lần chuyển phôi đầu tiên, Ngọc Anh mang thai. Thai nhi khỏe mạnh, sinh đủ tháng vào đầu tháng 4/2023, nặng 3,8 kg.
Theo bác sĩ Nguyên, ngoài sự kiên trì quyết tâm của vợ chồng bệnh nhân thì việc tầm soát tìm ra các nguyên nhân gây hiếm muộn, phác đồ cá thể hóa đặc biệt là phác đồ chuẩn bị niêm mạc với tử cung có ứ dịch sẹo mổ lấy thai, lab hiện đại cùng hệ thống nuôi cấy phôi tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) giúp đánh giá phôi chính xác đã tăng tỷ lệ IVF thành công, giúp bệnh nhân đón con khỏe mạnh chào đời.
Ghi nhận tại IVFTA-HCMC, nhiều trường hợp vô sinh thứ phát có tiền căn biến chứng do sẹo mổ lấy thai.
"Chưa có thống kê chính xác về tỷ lệ sản phụ gặp phải biến chứng này, tuy nhiên có những trường hợp khi khâu phúc mạc và cơ bị dính lên thành bụng, hoặc vết khâu có khả năng ứ dịch. Bản chất của sẹo mổ là vĩnh viễn. Đường đi của kinh nguyệt thường qua vết mổ cũ để ra âm đạo, do đó, mỗi tháng những trường hợp trên đều có nguy cơ bị ứ dịch ở vết mổ cũ", bác sĩ Nguyên cho hay.
Phương pháp tầm soát cần thiết là siêu âm, đánh giá mức độ là hở sẹo hay khuyết sẹo mổ lấy thai. Tùy vào mức độ, bác sĩ sẽ tham vấn cho bệnh nhân phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.