Đối với một đời người, ai cũng mong muốn ghi dấu ấn với nghề, với công việc mình theo đuổi, bởi đó là thành quả, dấu mốc khẳng định sự trưởng thành của bản thân, cũng để tự khẳng định mình. Đối với cô giáo Bích Nguyện cũng thế, điều cô mong mỏi là góp chút công sức nhỏ bé cho sự nghiệp giáo dục còn nhiều gian truân, gian khó. Tháng 3 -2014, tại Thủ đô Hà Nội, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã trao bằng chứng nhận và Huy chương vàng cho phần mềm tiếng Việt độc quyền "Từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa" do chị và các cộng sự nghiên cứu. Nói về kỷ niệm đẹp này, cô giáo Nguyện tủm tỉm cười ngại ngùng và nói: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng, xây dựng một đề tài khoa học để được nhận một phần thưởng nào đó, chỉ nghĩ đơn giản rằng, để việc giảng dạy và học tập của thầy và trò bớt đi khó khăn, có sự tương tác tốt hơn”.
Ý tưởng làm phần mềm "Từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa" xuất hiện từ năm 2011 khi trong quá trình giảng dạy và tiếp xúc với học sinh chị thấy một điều bất cập là dùng từ không rõ nghĩa, không đúng hoàn cảnh giao tiếp, vốn từ nghèo nàn. Chị trăn trở tìm nguyên nhân và thấy rằng, giáo viên thường ít để ý đến việc trau dồi vốn từ cho học sinh. Lý do thứ hai, ở những vùng quê nghèo học sinh không có tiền mua từ điển, nếu có từ điển thì cũng cồng kềnh, khó tra cứu. Từ đó, chị suy nghĩ phải có phần mềm cập nhật trên cùng một giao diện, có từ tiếng Việt đồng âm, đồng nghĩa và trái nghĩa để học sinh dễ nhớ, dễ tìm hiểu và tiết kiệm chi phí.
Ý tưởng đã có nhưng về công nghệ thông tin Bích Nguyện chưa thể nắm sâu được, do đó chị mời một người cháu học chuyên Tin cùng tham gia. Rất nhiều khó khăn gặp phải trong xây dựng phần mềm từ điển tiếng Việt, đó là phải cất công tìm kiếm, chọn lựa những cuốn từ điển của các giáo sư, tiến sĩ uy tín trên cả nước rồi cập nhật từng từ vào phần mềm tra cứu. Ban ngày Nguyện dành thời gian làm việc ở trường, chiều tối về nhà lo công việc gia đình, chị thường dành thời gian từ 21 giờ đến 2-3 giờ sáng hôm sau để xây dựng phần mềm từ điển tiếng Việt. Tính ra, mỗi ngày chị chỉ nhập được khoảng 30 đến 40 từ đồng âm, đồng nghĩa và trái nghĩa.
Sau hơn một năm, phần mềm từ điển với khoảng 24 nghìn từ hoàn thành nhưng khi chạy thử lại rất chậm. Nguyện lại cùng cháu gái tiếp tục chỉnh sửa, nâng cấp cho tốc độ nhanh hơn. Để phần mềm áp dụng nhanh trong thực tiễn giảng dạy, Bích Nguyện đã sáng tạo ra trò chơi "Triệu phú ngôn ngữ" tổ chức ngay tại trường bắt đầu từ năm 2012, rồi mở rộng quy mô toàn huyện Quỳnh Phụ năm 2013. Các hoạt động trong trò chơi là điền từ, giải nghĩa từ, thi hùng biện bằng tiếng Việt và tiếng Anh trong tiết sinh hoạt, chào cờ hay vào giờ ngoại khóa buổi chiều.
Ngay trong năm học 2012-2013, Phòng Giáo dục huyện Quỳnh Phụ đã ủng hộ chị ứng dụng phần mềm này bằng việc tổ chức hội nghị chuyên đề cho lãnh đạo các trường, giáo viên Ngữ Văn và tiếng Anh trên địa bàn, nhằm nắm bắt, khai thác những ưu điểm nổi trội của phần mềm tiếng Việt đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa.
Chưa dừng lại tại đây, tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 (năm 2014 - 2015), cô giáo trường làng lại đoạt giải Nhất với đề tài “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục”, đây là phần mềm về theo dõi và đánh giá thi đua đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Cô Nguyện chia sẻ: Từ thực tiễn của người làm công tác giáo dục, cô nhận thấy, những tác động mạnh mẽ của các phong trào thi đua trong việc dạy và học. Tuy nhiên, việc tổ chức các phong trào thi đua còn không ít những tồn tại, hạn chế, một số phong trào chưa thật sự động viên, khuyến khích được người tham gia… Làm gì để cán bộ, giáo viên hăng hái thi đua nâng cao chất lượng dạy và học, không chạy theo thành tích luôn là điều trăn trở với cô. Cũng chính từ đó, cô đã nhen nhóm ý tưởng nghiên cứu “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục”.
Sau ba năm nghiên cứu, phần mềm của cô Nguyện và các cộng sự đã chính thức được áp dụng vào thực tế. Phần mềm bao gồm bộ tiêu chí thi đua với 27 tiêu chí chính trong từng lĩnh vực hoạt động giáo dục, trong mỗi tiêu chí lại có nhiều chỉ số cụ thể để xác định nội hàm cho từng tiêu chí. Với hàng trăm chỉ số cụ thể, bộ tiêu chí đánh giá thi đua không chỉ cụ thể về nội dung, yêu cầu mà còn bảo đảm tính hợp lý, toàn diện, phù hợp với thực tiễn trường học… Bên cạnh đó, phần mềm còn có khả năng áp dụng rộng rãi trong các mô hình nhà trường hoặc các đơn vị phòng, ban, sở, ngành, doanh nghiệp… Vì vậy, ngay sau khi biết về đề tài này, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tìm đến và cô giáo Nguyện không ngại chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu theo dõi, đánh giá thi đua tại đơn vị.
Thực tế, phần mềm của cô Nguyện và các cộng sự đã được áp dụng vào phong trào thi đua của nhà trường, nhờ đó đã đưa Trường THCS An Vũ từ một trường trung bình vươn lên trường có thành tích cao trong phong trào dạy và học của huyện Quỳnh Phụ.
Một lớp học thông minh sử dụng công nghệ thông tin tại Trường THCS An Vũ, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Gần đây, cô giáo Nguyện lại nảy ra ý tưởng xây dựng các lớp học thông minh. Để nắm bắt và ứng dụng những xu hướng và thành tựu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý và dạy học, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của giáo viên, kỹ năng của học sinh, nhà trường đã quyết định đầu tư cơ sở vật chất gồm hệ thống wifi nội bộ; xây dựng hai phòng học thông minh gồm: Ti-vi thông minh, bộ phần mềm điều khiển tích hợp, bộ thu và nhận tín hiệu không dây IQClick USB Receiver; Thiết bị điều khiển từ xa, Máy chiếu đa vật thể VERTEX DS–615…
Lớp học thông minh đã tạo nên sự khác biệt trong phương pháp giảng dạy, các tiết học sinh động, hấp dẫn, tính tương tác cao hơn. Về cơ bản, lớp học thông minh sử dụng màn hình tương tự bảng thông minh có các chức năng như: Giúp tìm kiếm hình ảnh theo chủ đề với các công cụ tìm kiếm trên internet, kéo và thả hình ảnh vào bảng; có thể ghi chú, phóng to, thu nhỏ, viết, vẽ hay tẩy xóa nội dung một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Bên cạnh đó, đưa tập tin dễ dàng, khả năng nhập trực tiếp các tập tin và trình sửa; Khả năng cảm ứng đa điểm của phần mềm cho phép sử dụng cả ngón tay hoặc bút để tương tác, sử dụng thanh công cụ một cách dễ dàng. Giao diện phần mềm bố cục chi tiết, tiện nghi dễ dàng sử dụng, tích hợp hệ thống kiểm tra trắc nghiệm cho kết quả tức thì. Đồng thời thu âm và so sánh phát âm chuẩn, nhất là môn tiếng Anh. Theo cô giáo Nguyện, việc đầu tư cho lớp học thông minh vào khoảng 40 triệu đồng và áp dụng được tại tất cả các khối lớp.
Đã có thời gian tham gia giảng dạy tại lớp học thông minh, cô giáo Phan Thị Thanh Mai, Trường THCS An Vũ cho biết: Có thể nói một cách dễ hiểu, ở lớp học thông minh, giáo viên làm chủ bài giảng của mình bằng hệ thống thiết bị điện tử. Cụ thể, sử dụng máy chiếu, hệ thống âm thanh, ánh sáng để chuyển tải giáo án điện tử của mình lên màn hình hoặc gửi trực tiếp, giao nhiệm vụ đến từng học sinh. Học sinh cũng tương tác với giáo viên bằng cách gửi câu hỏi, câu trả lời, phân tích, bàn luận... Điều này khiến cho bài giảng của giáo viên sống động, nhiều màu sắc, đồng thời được chuyển tải đến học sinh một cách bao quát, triệt để hơn. Còn học sinh tiếp thu một cách hào hứng, chủ động, sáng tạo, giảm sự nhàm chán và áp lực bài vở.
Với việc áp dụng thành công công nghệ thông tin và các đề tài khoa học trong giảng dạy, Trường THCS An Vũ từ một trường yếu kém trước kia, nay vươn lên tốp đầu của huyện Quỳnh Phụ. Với bản thân cô giáo Nguyện, thành quả nhận được là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014, năm 2016; trong năm 2014 cô được bầu chọn là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam; năm 2017 cô được tỉnh Thái Bình chọn là cá nhân tiêu biểu tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Bác Hồ phát động thi đua ái quốc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Cô tâm nguyện, còn thời gian còn nghiên cứu các đề tài khoa học giáo dục, góp phần đổi mới giáo dục với đích đến là tất cả vì học sinh thân yêu.