Bố của chị T. - ông Ngô Văn Thu cho biết, em trai của N.T.L.T năm nay 17 tuổi, bị chứng giãn cơ tim bẩm sinh, từ khi 14 tuổi cháu đã đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tìm cơ hội chữa trị. Không chỉ tim mà phổi của cậu bé cũng tổn thương, cần phải ghép đồng thời tim, phổi.
Gia đình đã đăng ký nhận tạng hiến tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhưng cậu bé đã không chờ đợi được do không có tạng hiến phù hợp nên đã mất 2 tháng trước vì viêm phổi.
Chỉ sau 2 tháng phải buông tay cậu con trai nhỏ, ngày 9/2, người con gái lớn là chị N.T.L.T lại bị tai nạn giao thông. Các bác sĩ chẩn đoán chấn thương sọ não nặng, xuất huyết dưới nhện, Glasgow 3-4 điểm, chấn thương thận trái độ III.
Bố mẹ của chị T. là ông Ngô Văn Thu và bà Nguyễn Thị Hà có nguyện vọng và đồng thuận đăng ký hiến tặng tạng của con gái để cứu sống những bệnh nhân khác đang chờ tạng hiến.
Tôi biết ở bên kia thế giới, con gái tôi sẽ mỉm cười đồng ý hiến tạng cứu người và con gái bé bỏng của T., năm nay mới 5 tuổi nhưng sau này cháu lớn cháu sẽ hiểu và tự hào về mẹ.
Ông Ngô Văn Thu, bố chị T.
Từ tạng hiến của chị T., lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép tim-thận cho 1 bệnh nhân, 37 tuổi, ở Tây Nguyên, bị mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim và rối loạn nhịp nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo liên tục trong 5-6 năm nay và thường xuyên điều trị cấp cứu ở các trung tâm tim mạch lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và Huế do các cơn nhịp nhanh cấp tính.
Mẹ và con gái của chị T. nghẹn ngào trong phút giây sắp phải chia xa chị. |
Do tất cả các biện pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả, sau khi đánh giá kỹ, hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã thống nhất chỉ định thực hiện ghép đồng thời cả tim và thận cho bệnh nhân với nguồn tạng hiến từ người cho chết não. Ca ghép tim-thận đồng thời cho bệnh nhân Q. được thực hiện vào ngày 15/2 và kéo dài 10 tiếng đồng hồ.
Sau ghép, các chức năng của tim và thận của bệnh nhân Q. đã phục hồi gần như bình thường, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, ăn uống, đi lại và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp. Một cuộc sống mới lại bắt đầu. Vài ngày nữa, anh Q. sẽ được xuất viện trở về quê nhà, đoàn tụ với gia đình mang theo trái tim của cô gái Hà Nội.
PGS,TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh viện đã triển khai ghép tạng từ những năm đầu thế kỷ XXI và hiện là trung tâm hàng đầu trong lĩnh vực ghép tạng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 1.500 ca ghép thận, 110 ca ghép gan, 49 ca ghép tim, 6 ca ghép phổi. Các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hoàn toàn làm chủ các kỹ thuật ghép tạng với trình độ chuyên môn cao, ghép thận chỉ còn khoảng 2-3 giờ, ghép gan từ 4-5 giờ, ghép tim trở thành thường quy, tiệm cận với thời gian của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trình độ ghép tạng của Việt Nam tương đương với các trung tâm ghép tạng lớn trên thế giới. Các bác sĩ hy vọng ngày càng có nhiều người sẵn sàng hiến tạng nếu không may mất đi để giúp những người chờ ghép tạng thêm cơ hội sống.