Cơ chế giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp

NDO - Ngày 23/11, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu về cơ chế giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì có ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. Tham dự có 70 chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, bảo đảm liêm chính tư pháp là đòi hỏi cơ bản của mọi quốc gia về một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, với đội ngũ cán bộ tư pháp liêm khiết, dấn thân cho việc duy trì, bảo vệ lẽ phải và công lý. Để bảo đảm sự tuân thủ liêm chính tư pháp thì một trong những cơ chế không thể thiếu là cơ chế giám sát đối với các hoạt động tư pháp. Ở Việt Nam, thực tiễn sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước từ khi thành lập đến nay đã khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, thiết yếu của công tác lãnh đạo; như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo”.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”. Văn kiện Đại hội lần này cũng xác định: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”. Trong đó, giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp là một loại giám sát có tính đặc thù trong tổng thể cơ chế giám sát đối với quyền lực nhà nước nói chung, phù hợp với các nguyên tắc, yêu cầu của Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước Việt Nam xây dựng và ban hành Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, những nội dung mà chúng ta nghiên cứu, trao đổi, thảo luận tại Hội thảo hôm nay về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, giúp cho Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan có thêm nhiều thông tin, phục vụ công tác tham mưu, hoạch định chính sách và hướng dẫn thực hiện cụ thể các vấn đề liên quan đến định hướng xây dựng một nền tư pháp liêm chính.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận đã tập trung phân tích kinh nghiệm thực hiện cơ chế giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp của một số nước như Australia, Singapore, Đan Mạch; thực trạng pháp luật và thực tiễn thực thi cơ chế giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp đối với các chức danh tư pháp tại Việt Nam.

Qua các ý kiến trao đổi cho thấy, các quốc gia đều đòi hỏi đội ngũ cán bộ tư pháp cần có sự liêm chính, chính trực; tính chuyên cần; sự tuân thủ pháp luật; bảo đảm tính độc lập, khách quan, vô tư, công bằng; không lợi dụng vị trí công tác của mình vào mục đích cá nhân,... Chính vì vậy, cần có những cơ chế giám sát cả bên trong và bên ngoài của các thiết chế nhà nước, xã hội và người dân đối với hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp.

Cần nâng cao nhận thức của nhân dân, cán bộ, công chức, đảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ tư pháp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát đối với hoạt động tư pháp nói chung và giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp nói riêng. Tổ chức hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác giám sát đối với hoạt động tư pháp và bảo đảm liêm chính tư pháp.

Phải coi công tác giám sát đối với hoạt động tư pháp là một nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng quy trình, quy chuẩn một cách đồng bộ và có tính hệ thống. Công tác này phải được tiến hành một cách thường xuyên và đồng bộ từ trên xuống dưới, tránh tình trạng thực hiện qua loa, chiếu lệ hoặc coi nhẹ.

Phải nhấn mạnh đến yếu tố con người theo đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lựa chọn cán bộ sai thì sẽ dẫn đến việc thực hiện đường lối, chính sách cũng sai.

Cán bộ làm công tác giám sát nói chung và trong lĩnh vực tư pháp nói riêng phải là những con người ưu tú, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải tinh tế, nhạy bén, vì lợi ích chung.

Cần hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan dân cử theo hướng tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật của các chức danh tư pháp; giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp; giám sát các cơ quan trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; xác định rõ trách nhiệm của các đối tượng được giám sát trong việc thực hiện các kết luận giám sát; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tư pháp; trách nhiệm giải trình của các chủ thể liên quan trước cơ quan dân cử về hoạt động của các cơ quan tư pháp; có chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm;...

Tăng cường năng lực giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc đối với các hoạt động tố tụng, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc; hoàn thiện cơ chế phối hợp đồng bộ giữa Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát các chức danh tư pháp.

Tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong hành nghề, đặc biệt là việc tuân thủ pháp luật, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật hành nghề; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để luật sư có thể tham gia tốt hơn trong các hoạt động tố tụng vì sự tham gia này chính là kênh kiểm soát hiệu quả đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, các cán bộ tư pháp.

Thực hiện tốt chế độ công khai thông tin và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhân dân trong lĩnh vực tư pháp. Đây là đòi hỏi khách quan và là yếu tố quan trọng để nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thực thi trên thực tế. Đồng thời, có giải pháp thiết thực nhằm phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong việc đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Các ý kiến trao đổi được Ban Tổ chức hội thảo đánh giá cao, tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để làm cơ sở cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp tại Việt Nam thời gian tới.