PGS, TS NGUYỄN HÒA BÌNH
Bí thư T.Ư Ðảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao
Thẩm phán là nghề nghiệp vinh quang nhưng phải chịu nhiều áp lực, khó khăn, vất vả. Nhân dân đòi hỏi ở thẩm phán những phẩm chất cao quý với những đánh giá khắt khe. Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật, phải trở thành biểu tượng của đạo đức thanh liêm. Ðể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Ðảng, Nhà nước và nhân dân, ngày 4-7-2018, Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia ban hành "Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán". Nội dung cốt lõi của Bộ quy tắc này bao gồm:
1. Tính độc lập
"Xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" vừa là yêu cầu, vừa là nguyên tắc không thể thiếu của hoạt động xét xử, là chuẩn mực mà mỗi thẩm phán phải tuyệt đối tuân thủ khi thực thi nhiệm vụ.
Hoạt động tố tụng là quá trình xác minh, điều tra, tái hiện lại các tình tiết, sự thật khách quan xảy ra trong quá khứ. Quá trình đó phải trải qua nhiều giai đoạn, với sự tham gia của nhiều chủ thể. Từ vị trí tố tụng của mình, mỗi chủ thể có những điều kiện khác nhau trong việc tiếp cận chứng cứ và từ đó có thể có quan điểm khác nhau về những vấn đề cụ thể trong vụ án. Do đó, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật phải trở thành yêu cầu bắt buộc đối với hoạt động xét xử. Phán quyết của tòa án liên quan trực tiếp đến những quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người. Vì vậy, không ai được phép áp đặt hay can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán. Thẩm phán có quyền và có nghĩa vụ xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình.
Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo đảm cho thẩm phán một môi trường không có bất cứ sự can thiệp nào. Sự chi phối duy nhất đối với thẩm phán chỉ là tuân theo pháp luật. Với mỗi thẩm phán phải không ngừng rèn luyện để hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao. "Xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" phải trở thành đạo đức, tác phong của mỗi thẩm phán. Thẩm phán phải luôn giữ gìn bản lĩnh nghề nghiệp để không thể bị tác động bởi bất cứ sự can thiệp nào. Khi giải quyết vụ việc, thẩm phán phải tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về toàn bộ quá trình kiểm tra chứng cứ, tranh tụng công khai tại phiên tòa và chỉ tuân theo pháp luật để làm nên những bản án mà xã hội và người dân mong chờ.
2. Sự liêm chính
Xét xử là công việc rất khó khăn, vất vả, bởi đó là quá trình đi tìm sự thật đã được che giấu một cách tinh vi và trong nhiều trường hợp rất chuyên nghiệp. Trên con đường đó, người thẩm phán gặp cả rủi ro, nguy hiểm, cám dỗ. Nếu không rèn cho mình bản lĩnh vững vàng, sự liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực, thẩm phán sẽ không thể hoàn thành được trọng trách của mình.
Sự nghiệp bảo vệ lẽ phải đòi hỏi thẩm phán phải có cái tâm trong sáng, có lòng tự trọng nghề nghiệp, có tình yêu nghề nghiệp và đức hy sinh cho nghề nghiệp. Ðặc thù của công việc xét xử đòi hỏi thẩm phán phải luôn nghiêm khắc với chính mình. Không cho phép bản thân và các thành viên trong gia đình mình tham lam, vụ lợi, không bàng quan, vô cảm trước các tiêu cực xảy ra ở môi trường công tác của mình. Thấy sai phải đấu tranh kiên quyết, thấy đúng phải bảo vệ quyết liệt.
Sự nghiệp đi tìm lẽ phải không có chỗ đứng cho những người thiếu liêm chính, không trung thực. Mỗi thẩm phán phải là tấm gương về sự lao động hết mình, thanh liêm, chính trực; từ đó mới góp phần xây dựng được niềm tin, sự kính trọng của người dân và xã hội đối với tòa án và thẩm phán.
3. Sự công bằng, bình đẳng
Tiến trình phát triển của tư pháp tiến bộ đã tiếp cận "công bằng, bình đẳng trong xét xử" là quyền cơ bản của con người; vi phạm nguyên tắc này là vi phạm quyền con người đã được Hiến định. Trong quá trình tố tụng, người buộc tội, người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền, có nhu cầu cung cấp chứng cứ, tranh luận, phản biện lý lẽ của phía bên kia. Ðây là nhu cầu khách quan, chính đáng của họ, đòi hỏi phải được ghi nhận trong pháp luật và bảo đảm trên thực tế.
Mỗi thẩm phán khi thực thi nhiệm vụ phải quán triệt đầy đủ yêu cầu này, phải bảo đảm công bằng trong từng thủ tục tố tụng và công bằng trong phán quyết vụ việc. Thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ luật định; tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để các bên cung cấp chứng cứ, tranh luận, trình bày ý kiến trước tòa án. Thẩm phán phải tôn trọng và lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bên, không được thiên lệch về bên nào. Thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm cho mọi cá nhân, tổ chức đều bình đẳng trước tòa án; không cho phép bất cứ hành vi nào phân biệt đối xử.
4. Sự vô tư, khách quan
Trong toàn bộ tiến trình tố tụng, chỉ duy nhất tòa án được quyền nhân danh Nhà nước ra phán quyết. Phán quyết của tòa án liên quan đến những giá trị xã hội cơ bản nhất, đến công lý, sự công bằng, lẽ phải. Trọng trách này đặt ra yêu cầu với mỗi thẩm phán khi được phân công nhiệm vụ, tuyệt đối không được có nhu cầu nào khác ngoài nhu cầu làm sáng tỏ sự thật vụ án. Phải hết sức, hết lòng để tìm đến sự thật một cách chính xác nhất, khẩn trương nhất.
Khi thực hiện nhiệm vụ, thẩm phán phải thật sự công tâm và trách nhiệm, phải gạt bỏ mọi ấn tượng, định kiến cũng như cảm tình để giải quyết vụ việc một cách khách quan. Thẩm phán phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét công khai tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc của pháp luật, của án lệ, lẽ công bằng để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ việc. Ðồng thời, không được phép có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.
5. Sự đúng mực
Hoạt động xét xử là hoạt động "với con người" và "vì con người", do đó đòi hỏi thẩm phán phải hành xử một cách đúng mực, đúng pháp luật, tôn trọng con người. Phán quyết của tòa án nhân danh quyền lực nhà nước, vừa tạo ra chuẩn mực pháp lý, vừa tạo ra chuẩn mực đạo đức cho xã hội. Vì vậy, thẩm phán phải xem xét, đánh giá sự việc một cách cẩn trọng, đặt ra trong từng hoàn cảnh cụ thể trên nền tảng đạo đức xã hội để ra bản án thấu tình, đạt lý, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.
Trong quá trình xét xử, thẩm phán phải có thái độ, tác phong đúng mực, lịch thiệp, thận trọng, tạo cho những người tham gia tố tụng sự cảm nhận về một phiên tòa nghiêm minh, công bằng, có văn hóa ứng xử cao và mọi người đều được hội đồng xét xử tôn trọng. Việc xét hỏi phải khách quan, toàn diện. Ngôn ngữ sử dụng phải trong sáng, dễ hiểu. Thẩm phán phải luôn thể hiện thái độ chú ý lắng nghe để từ đó khuyến khích những người tham gia tố tụng yên tâm, tin tưởng, trình bày cặn kẽ sự việc. Tại phiên tòa, phiên họp hoặc trong các văn bản tố tụng, thẩm phán tuyệt đối không được đưa ra bất cứ nhận định nào gây xúc phạm người khác. Thẩm phán có trách nhiệm duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong suốt quá trình xét xử.
6. Sự tận tụy và không chậm trễ
Ðặc thù của hoạt động xét xử đòi hỏi người thẩm phán phải hết lòng vì nhiệm vụ, tận tụy với công việc, cống hiến hết mình cho công việc. Có tận tụy với công việc, thẩm phán mới tích lũy và xây dựng được cho mình kỹ năng phương pháp, kinh nghiệm giải quyết công việc một cách chính xác; mới đề xuất được các sáng kiến hữu ích; mới có thể nắm bắt được đầy đủ vụ án, phát hiện được những mâu thuẫn, chỉ ra được những vấn đề mấu chốt còn đang tiềm ẩn để đi đến cùng sự thật. Nhiệm vụ đặt ra cho đội ngũ những người làm công tác xét xử phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tận tâm với công việc một cách vô điều kiện, với tinh thần "làm hết việc, không làm hết giờ". Chỉ có như vậy mới có thể vượt qua được những khó khăn, thách thức, mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
7. Năng lực và sự chuyên cần
Công tác xét xử thời gian qua ghi nhận những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình vi phạm, tội phạm; đặt ra nhiệm vụ cho mỗi thẩm phán phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện. Thẩm phán phải giỏi về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh, sự liêm chính, thông thạo các kỹ năng nghề nghiệp và có tính chuyên nghiệp cao. Bản án, quyết định của tòa án phải phản ánh đúng tinh thần pháp luật và ý nguyện của nhân dân; do đó đòi hỏi thẩm phán phải nắm vững pháp luật, thường xuyên cập nhật, nghiên cứu sự thay đổi của hệ thống pháp luật để áp dụng chính xác. Thực tiễn cũng cho thấy, tội phạm, vi phạm xảy ra ở mọi lĩnh vực, từ đó đòi hỏi thẩm phán không chỉ nắm vững pháp luật, mà còn phải trang bị cho mình những hiểu biết nhất định về nhiều chuyên ngành khác. Ðồng thời, phải chủ động nắm bắt đầy đủ các thông tin quan trọng của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế để hỗ trợ việc áp dụng pháp luật đúng đắn nhất.
Bằng toàn bộ công việc và các hành vi ứng xử, ở bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào, thẩm phán đều phải nỗ lực rèn luyện và soi vào các chuẩn mực của "Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán" để có được niềm tin của công chúng vào sự thanh liêm, tài năng và đức độ của mình.