Đây là tài liệu quốc tế quan trọng về việc thúc đẩy một nền tư pháp khách quan và minh bạch. Hướng dẫn được xuất bản trước đó bằng tiếng Anh vào tháng 12-2011, sau khi Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) ra Nghị quyết xác nhận Nguyên tắc ứng xử tư pháp Bangalore và yêu cầu Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) triệu tập một nhóm chuyên gia liên chính phủ, hợp tác với nhóm tư pháp về tăng cường liêm chính tư pháp và các diễn đàn khu vực, quốc tế, phát triển một hướng dẫn kỹ thuật về về các phương pháp cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực và liêm chính tư pháp.
Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam hỗ trợ công tác dịch sách hướng dẫn này thông qua chương trình Đối tác tư pháp, với sự tài trợ của Chính phủ Đan Mạch và Thụy Điển.
Giám đốc quốc gia của UNODC tại Việt Nam Zhuldyz Akisheva hy vọng hướng dẫn sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích, kịp thời đối với hệ thống tư pháp ở Việt Nam, bởi trong đó có những thông lệ và bài học tốt từ nhiều quốc gia để Việt Nam có thể lựa chọn ra những thông lệ và bài học phù hợp nhất với bối cảnh của mình.
Hướng dẫn cung cấp những thông tin thực tế về cách thức xây dựng và duy trì một nền tư pháp khách quan, minh bạch và hiệu quả, đồng thời giới thiệu những biện pháp hiệu quả nhằm tăng cường hệ thống tư pháp đã được nhiều nước áp dụng. Cuốn sách cũng đưa ra những khuyến nghị, những ý tưởng và các nghiên cứu điển hình về các chiến lược cải cách và việc thực hiện kế hoạch hành động.
Mục đích của Hướng dẫn nhằm hỗ trợ và cung cấp thông tin cho những người có vai trò trong công tác cải cách và tăng cường hệ thống tư pháp quốc gia cũng như cho các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, các nhà cung cấp hỗ trợ kỹ thuật khác, là đối tượng hỗ trợ cho quá trình này.
Hướng dẫn nêu ra các ý tưởng, đề xuất và chiến lược được chuyên gia về cải cách và tư pháp xây dựng và bao gồm việc tham khảo các biện pháp thành công được thực hiện tại nhiều nước nhằm giải quyết những thách thức trong việc tăng cường hệ thống xét xử. Bảy lĩnh vực cải cách chính được đề cập trong hướng dẫn là: Tuyển dụng tư pháp; Nhân sự tòa án; Quản lý tòa án và vụ việc; Tiếp cận công lý và các dịch vụ pháp lý; Tính minh bạch của tòa án; Đánh giá hoạt động của tòa án; Bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kỷ luật.