Những cơ hội...
TS Vũ Đức Đam nói: “Cơ hội bao giờ cũng đan xen thách thức. Có thể ví CNTT Việt Nam như một cậu thanh niên 17 tuổi, vẫn cần sự chỉ bảo của cha mẹ, nhưng với chí tiến thủ và tính sáng tạo của mình, hoàn toàn có thể làm được những việc lớn mà người lớn có thể yên tâm được. Vì cậu bé đó trước khi bơi ra biển đã được bơi trong những chiếc hồ lớn như AFTA, ASEAN…”
Còn TS Nguyễn Thành Phúc - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bưu chính Viễn thông & Công nghệ thông tin thuộc Bộ BCVT khẳng định, cơ hội sẽ đến khá nhiều ở ba lĩnh vực: hàng hóa CNTT, dịch vụ CNTT và dịch vụ viễn thông. Hàng hóa CNTT và dịch vụ CNTT được dự đoán sẽ có điều kiện mở rộng thị trường của mình hơn, khả năng thu hút vốn đầu tư FDI của các quốc gia, các tập đoàn viễn thông lớn như Nhật Bản, Intel sẽ ngày càng nhiều hơn. CNTT-TT thế giới đang có xu hướng thuê gia công phần mềm, lắp ráp điện tử và triển khai nghiên cứu phát triển (R&D) tại các nước đang phát triển. Việt Nam đang có nhiều cơ hội được các công ty đa quốc gia lựa chọn làm cơ sở thứ hai để dự phòng cho các thị trường ưu tiên hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ.
Đề cập vấn đề thương mại điện tử (TMĐT), ông Trần Thanh Hải - Phó Vụ trưởng Vụ TMĐT - Bộ Thương mại cho rằng, TMĐT khi gia nhập WTO sẽ giải quyết, điều chỉnh ba lĩnh vực lớn gồm: hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại.
Ông Hải đưa ra những cơ hội: Cạnh tranh sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm tới TMĐT để tồn tại và vươn lên, từ đó tăng cường khả năng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài; Cơ hội lựa chọn phương thức kinh doanh, mua sắm cũng nhiều hơn; Đặc biệt, sẽ có thêm nhiều khả năng cắt giảm chi phí, hợp lý hóa quy trình sản xuất...
Các doanh nghiệp CNTT-TT lo ngại...
Với sự tham gia của đông đảo đại diện các doanh nghiệp CNTT lớn trong và ngoài nước, nửa buổi sau của diễn đàn trở thành nơi “bộc bạch” những lo ngại của các doanh nghiệp trước ngưỡng cửa WTO về vấn đề nhân lực, bản quyền, cũng như khả năng cạnh tranh.
Đại diện cho tập đoàn VNPT, ông Bùi Quốc Việt, GĐ Trung tâm thông tin Bưu điện nói: Đối với VNPT, thuận lợi lớn nhất là thị phần lớn, chiếm tới 80%, trải rộng mọi miền tổ quốc. Nhưng thách thức của VNPT cũng không nhỏ, gia nhập WTO sẽ không còn sự độc quyền. Ông Việt cho biết, VNPT hiện có 9 vạn lao động nhưng lực lượng không đồng đều, vì thế khi chuyển đổi sang môi trường mới sẽ rất khó thích nghi, mà việc cho nhân viên nghỉ việc thì không thể cứ như các doanh nghiệp nước ngoài được, vì còn có đoàn thể, công đoàn.
Giám đốc CMC Group Nguyễn Trung Chính thừa nhận, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, CMC hiện vẫn thiếu tầm nhìn chiến lược trong hoạt động của mình, nhân lực ít, vốn lại nhỏ, năng lực cạnh tranh về công nghiệp, kỹ thuật và dịch vụ còn rất yếu. “Chúng tôi không huyễn hoặc với năng lực của chính mình”, ông nói.
Ông Chính cho rằng, thị trường CNTT Việt Nam đang rất bó hẹp, có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân, thể hiện cụ thể nhất ở việc cho phép hay không cho phép hoạt động ở một số lĩnh vực. Ông đề nghị Nhà nước nên có sự khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào cạnh tranh. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta thực sự mong manh trước cơ hội hội nhập”.
Về nguồn nhân lực, ông Chính nhận xét, nói chung nhân viên các doanh nghiệp CNTT thiếu tính chuyên nghiệp, năng suất lao động thấp. Thế mạnh của một tập đoàn lớn gồm 9 vạn lao động như VNPT sẽ trở thành gánh nặng khi gia nhập WTO nếu lao động không có trình độ và năng lực.
Ông Chính mong muốn Nhà nước giúp các doanh nghiệp biết được những thách thức mà họ sẽ gặp phải, hiểu rõ hơn về chính bản thân mình để từ đó đề ra chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trước hội nhập. Đây cũng là ý kiến của đông đảo giới doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam.
Ông Thân Trọng Phúc. |
Theo ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Intel Việt Nam, nếu như trước đây Intel chỉ có một mối quan tâm là phát triển thị trường thì giờ đây, đã có thêm hai mối quan tâm khác, đó là sau khi xây dựng nhà máy sản xuất chip, làm thế nào để nhà máy vận hành tốt, và mối quan tâm lớn nhất là đầu tư mạo hiểm vào thị trường Việt Nam. Mới đây nhất, Intel Capital đã tham gia đầu tư vào công ty FPT, và trực tiếp quan tâm tới những xu hướng phát triển, đầu tư, hoạt động của nền công nghiệp CNTT Việt Nam. Ông Phúc cho rằng, để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư gián tiếp vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn, Việt Nam cần phát triển thị trường chứng khoán và khuyến khích các doanh nghiệp CNTT tham gia thị trường chứng khoán.
Về khó khăn của CNTT khi hội nhập WTO, đại diện Microsoft lại đề cập đến vấn đề vi phạm bản quyền. Theo vị đại diện này, Việt Nam có nhiều biến chuyển trong việc thực thi vấn đề bản quyền. Tuy nhiên, con số vi phạm này vẫn còn cao, giảm từ 96% năm 2003 xuống 90% năm 2005. Vị đại diện này cho rằng, khi gia nhập WTO, một trong những yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh đó là vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền không chỉ trong lĩnh vực phần mềm mà còn trong âm nhạc, giải trí.
Thứ trưởng BCVT Vũ Đức Đam: Hội nhập phải bảo đảm lợi ích quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp Bên lề diễn đàn, TS Vũ Đức Đam, Thứ trưởng BCVT cho biết, định hướng của Bộ BCVT cho các doanh nghiệp CNTT-TT khi gia nhập WTO là phải bảo đảm lợi ích quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp. Ông nói: - Chúng tôi đang xây dựng môi trường chính sách trên tinh thần thuận lợi nhất để tất cả các thành phần kinh tế cùng phát triển. Theo đó, hội nhập đồng thời phải bảo đảm ba lợi ích. Thứ nhất, lợi ích chung cho quốc gia, vì CNTT và TT không chỉ là một ngành kinh tế mà là một công cụ quan trọng cho tất cả các ngành, kể cả bộ máy quản lý hành chính nhà nước phát huy tốt hiệu quả của mình. Thứ hai, phải bảo vệ lợi ích cộng đồng, vì CNTT còn là yếu tố đầu vào quan trọng cho nền sản xuất và là công cụ thiết yếu cho mọi người dân. Thứ ba, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tất cả mọi thành phần kinh tế cùng phát triển. Chúng ta mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và trở thành một thành phần kinh tế của Việt Nam. Đặc điểm của doanh nghiệp CNTT là có những tập đoàn đa quốc gia nắm những công nghệ nguồn chủ chốt. Những tập đoàn này chi phối những chiến lược phát triển CNTT chung trên toàn cầu. Vì thế, chúng ta phải làm thế nào để trở thành một mắt xích trong hệ thống đa quốc gia ấy. Đó là một trong những mục tiêu chúng ta phải thực hiện trong những năm đầu gia nhập WTO. - Ông đánh giá như thế nào về việc FPT bán cổ phiếu trị giá 35,6 triệu USD cho hai nhà đầu tư lớn là Quỹ đầu tư Texas Pacific Group (TPG) và Intel Capital, một tổ chức đầu tư của Tập đoàn Intel? - TPG là một trong những tập đoàn đầu tư hàng đầu thế giới. Khi một nhà doanh nghiệp đầu tư gián tiếp có nghĩa là họ đặt niềm tin vào một doanh nghiệp cụ thể ở Việt Nam. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, bằng những tên tuổi của các đối tác của mình, nâng cao thương hiệu cũng như giá trị vô hình, tạo ra một cú hích trong các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. - Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp CNTT-TT thu hút được đầu tư gián tiếp? - Một trong những đặc điểm của đầu tư gián tiếp là đối tác tin tưởng các doanh nghiệp Việt Nam và giao hẳn vốn cho doanh nghiệp Việt Nam quản lý. Nhưng mặt khác, nguồn vốn đầu tư gián tiếp lưu chuyển rất nhanh, họ có thể đổ vào rất nhiều nhưng nếu không thuận lợi họ lại rút ra ồ ạt. Vì thế, việc tạo môi trường để hút vốn vào đã là quan trọng, nhưng giữ được nó và phát triển được nó còn quan trọng hơn nhiều. Tôi tin rằng trong tương lai, khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam không hy vọng những bước đi ồ ạt, nhưng với sự phát triển đúng đắn sẽ có những nguồn đầu tư đáng kể. - Khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải giảm thuế suất nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp, trong đó có máy tính, các thiết bị kỹ thuật số và linh kiện điện tử xuống 0%. Điều này có ảnh hưởng đến việc sản xuất máy tính trong nước không, thưa ông? - Đương nhiên đó là một thách thức nhưng sẽ không lớn vì hiện nay việc hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất máy tính trong nước với các nhà sản xuất linh kiện nguồn đã rất khăng khít và khi thuế suất linh kiện giảm sẽ tạo điều kiện cho đầu vào giảm. Tôi nghĩ rằng đó là điều kiện thuận lợi chứ không phải thách thức. - Xin cảm ơn ông! |