CIEM dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6,95%

NDO - Việt Nam đã nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Kết quả là tăng trưởng GDP thực tế đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo. Ảnh THANH LAN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh THANH LAN

Ngày 9/7 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng".

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, từ đầu năm 2024, Việt Nam đã nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Cách tiếp cận toàn diện này đã cho thấy những kết quả kinh tế-xã hội khá ấn tượng trong 6 tháng đầu năm: Tăng trưởng kinh tế đạt tới 6,42%, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,5%, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng ở cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tổng vốn đăng ký, và vốn thực hiện.

“Quan trọng hơn, Việt Nam đang được coi là điểm sáng của cải cách và hội nhập kinh tế. Các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển vùng, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động song hành với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang trở thành những ưu tiên chính sách quan trọng”, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh nói.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,42% so cùng kỳ, trong đó quý I đạt mức 5,87%, quý II đạt mức 6,93%. Theo CIEM, kết quả này cho thấy tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II của năm 2024.

Các cấu phần của tổng cầu (xuất khẩu, tiêu dùng, tích lũy tài sản) đều có tăng trưởng tương đối tích cực. Ngành công nghiệp và xây dựng phục hồi, đóng góp tới 44,28% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng ở mức hai con số.

Năng suất lao động cũng đạt được một số kết quả tích cực. Tính theo giá hiện hành, GDP bình quân lao động có việc làm đã tăng khoảng 10,2% so cùng kỳ; tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Lạm phát có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Diễn biến lạm phát trong 6 tháng đầu năm có nguyên nhân từ cả các yếu tố tăng tổng cầu và tăng chi phí sản xuất kinh doanh.

Tỷ giá VND/USD đã tăng tương đối nhanh trong 6 tháng đầu năm 2024. Tại thời điểm ngày 28/6/2024, tỷ giá trung tâm ở mức 24.260, tăng 1,07% so thời điểm cuối tháng 3/2024 và tăng 1,65% so cuối năm 2023.

Dù vậy, tỷ giá VND/USD nhìn chung ổn định hơn so với chỉ số USD Index. Trung bình 6 tháng đầu năm 2024, mức độ biến động của tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do tương ứng bằng 59,2% và 73,1% so với chỉ số USD Index.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (theo giá hiện hành) ước đạt hơn 1.45 nghìn tỷ đồng, tương đương 27,7% GDP, tăng 6,8% (nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, mức tăng đạt 2,6%).

Tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng là một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam với tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7%, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư khoảng 11,63 tỷ USD.

Từ tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, CIEM đã đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024.

Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55; CPI bình quân tăng 4,31%. Trong kịch bản này, xuất khẩu cả năm dự kiến tăng 9,54%%, cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.

Kịch bản 2: Tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95%; CPI bình quân tăng 4,12%. Trong kịch bản này, xuất khẩu cả năm tăng 11,64%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.