Trong Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai được tổ chức tại tại Hà Nội, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường địa chính trị, địa kinh tế thế giới đã tiếp tục tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Tuy vậy, với sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Đặc biệt, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 5/2024 chuyển biến tốt, tính chung 5 tháng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại thị trường tăng cao hơn so với doanh nghiệp phá sản.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tích cực so cùng kỳ; giá trị hàng hóa ước xuất siêu hơn 8 tỷ USD... Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 5 tháng đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 2% so cùng kỳ, trong đó vốn đăng ký mới đạt hơn 7,94 tỷ USD, tăng 50,8%; vốn thực hiện đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8%.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công cũng đạt kết quả đáng khích lệ với khối lượng giải ngân 5 tháng đạt hơn 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, qua đó đã đưa được một lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.
Dựa trên những kết quả đạt được và đánh giá xu hướng thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024, đúng như mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội được Quốc hội quyết nghị, để chủ động trong công tác điều hành.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý, mặc dù xu hướng phục hồi là tích cực nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, khu vực và cả vấn đề nội tại của nền kinh tế.
“Khó bên ngoài khó cả bên trong, nên sức ép điều hành kinh tế là rất lớn. Với một nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài như Việt Nam, điều hành thế nào, ứng biến ra sao trước mỗi biến động của thị trường là điều không đơn giản.
Yêu cầu đặt ra là cần theo dõi sát, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, dự báo sớm để điều chỉnh, phản ứng chính sách kịp thời, thích ứng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Nghĩa là chúng ta phải biết cách “ứng biến trong vạn biến”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Thông tin tại Diễn đàn, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, đồng tình với nhận định của Bộ Kế hoạch Đầu tư về dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 và đánh giá đà phục hồi kinh tế sẽ tốt hơn trong năm 2025.
Theo chuyên gia này, lạm phát đang có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm và có thể tiếp tục nhích lên nhưng dự kiến sẽ dịu hơn trong quý III và lạm phát cả năm 2024 sẽ ở mức 3,5-4%, cơ bản trong tầm kiểm soát Quốc hội cho phép.
Với hai phiên thảo luận chuyên sâu, các diễn giả tham dự Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam năm 2024 tập trung thảo luận về các kịch bản kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng; các cơ hội, tỷ trọng các tài sản đầu tư nhằm đạt hiệu quả trong danh mục và chuyên sâu về danh mục cổ phiếu… Chủ đề của Diễn đàn năm nay là Ứng biến trong vạn biến.
Diễn đàn do Báo Đầu tư phối hợp Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức, thu hút 300 khách tham dự trực tiếp gồm đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế tài chính, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết...