Chuyện xúc động từ lễ tốt nghiệp

Khi Nguyễn Hải Bằng, thủ khoa ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường đại học Hoa Sen bước lên bục vinh danh, phía dưới sân khấu của lễ tốt nghiệp rộn ràng tiếng vỗ tay. Bằng chỉ cao 1,2m, mặc bộ lễ phục nhà trường đặt may riêng làm quà kỷ niệm. Hôm nay, chàng trai quê Tiền Giang đã chạm tay vào ước mơ thuở bé của mình: Thủ khoa đầu ra của một trường đại học có tiếng.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ khoa Nguyễn Hải Bằng (đứng giữa) tại lễ tốt nghiệp.
Thủ khoa Nguyễn Hải Bằng (đứng giữa) tại lễ tốt nghiệp.

Dị tật tuyến yên khi vừa thôi nôi khiến Nguyễn Hải Bằng suốt cả tuổi thơ sống trong ánh mắt thiếu thiện cảm của nhiều người. Hồi vào tiểu học ở quê nhà, Bằng rất buồn khi cứ nghe bạn bè hỏi “Sao không giống ai mà lại đi học?”. Nhìn trong gương, thấy mình nhỏ thó, tay chân không như người ta, suốt ngày bị chọc ghẹo vì khác biệt ngoại hình, Bằng tủi thân lắm. Thế nhưng, lên cấp THPT, những lời chọc ghẹo ấy được Bằng biến thành động lực để cố gắng mỗi ngày. “Lúc ấy em nghĩ, mình đã không giống mọi người thì phải làm gì đó thật khác biệt. Em quyết tâm phải đậu đại học, phải học thật giỏi và sau này phải thành công. Em muốn chứng minh cho mọi người thấy, ai cũng có thể học tốt dù ngoại hình, thể chất thế nào. Và hôm nay, khi được vinh danh thủ khoa, em hạnh phúc vì mình đã đạt được cột mốc đầu tiên. Bộ lễ phục nhà trường may tặng là món quà ý nghĩa không chỉ cho riêng em mà cho ba mẹ và chị gái ở nhà nữa. Tất cả đều mong chờ ngày này của em”, Bằng xúc động cho hay. Chỉ cao 1,2m, Bằng lọt thỏm trong hơn 700 tân khoa có mặt tại lễ tốt nghiệp. Thế nhưng, khi đứng ở bậc vinh danh, chàng tân kỹ sư đã thật sự tỏa sáng với những lời khen mà nhà trường, thầy cô, bạn bè dành tặng. Bằng nói, bước vào giảng đường với thể chất khác biệt nhưng điều ấm lòng là em không bị bạn bè cười chê, chọc ghẹo. Ngược lại, mọi người còn dành cho chàng sinh viên từ quê lên phố sự quan tâm, hỗ trợ khi cần. Lên Thành phố Hồ Chí Minh học đại học, Bằng ở nhờ nhà cô ruột. Ròng rã mấy năm với rất nhiều học bổng xuất sắc, Bằng có được việc làm tại một công ty công nghệ lớn trước khi tốt nghiệp 1,5 năm. Tuần sau, tân thủ khoa sẽ bắt đầu hành trình công việc mới ở một ngân hàng lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy nên, ngay khi hoàn thành lễ tốt nghiệp, Bằng vội vàng ra bắt xe về Cai Lậy, Tiền Giang chia sẻ niềm vui với gia đình.

Là thủ khoa lớn tuổi nhất tại lễ vinh danh, chị Nguyễn Thuận Ánh đã truyền cảm hứng cho nhiều người tham dự. Tốt nghiệp đại học một trường đại học khác, chuyên ngành khác, đi làm 15 năm, một ngày nọ, chị tự hỏi chính mình “Công việc nào sẽ đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình? Đâu là con đường phát triển, đâu là những giá trị mà mình muốn theo đuổi?”. Rồi chị ngưng việc, bước vào giảng đường đại học Hoa Sen với tuổi đời gấp đôi các bạn cùng lớp. Chọn ngành Tâm lý học, Nguyễn Thuận Ánh nỗ lực học tập, tìm tòi, nghiên cứu vì muốn trở thành người đồng hành và chia sẻ với nỗi đau khổ của người khác. Sự cố gắng suốt nhiều năm liền đã mang về “trái ngọt” khi chị trở thành thủ khoa đầu ra của ngành với điểm trung bình học tập 3,81/4,0.

Lấy nhiều nước mắt nhất tại lễ tốt nghiệp lần thứ 39 của Trường đại học Hoa Sen là câu chuyện của tân khoa Trần Lê Khả Ái, ngành Thiết kế đồ họa. Ái không đạt thành tích quá xuất sắc nhưng câu chuyện vượt khó đầy nghị lực của cô gái trẻ câm điếc bẩm sinh cùng tình yêu thương mà gia đình dành tặng em suốt chặng đường dài khiến cả hội trường xúc động. Hôm lễ, ông Trần Khương, ba của Ái đại diện cho tất cả phụ huynh lên phát biểu tri ân. Cuộc trò chuyện vỏn vẹn năm phút liên tục bị đứt quãng vì tiếng khóc của ông. Tiếng khóc hạnh phúc của người cha khi từng ngày thấy con trưởng thành, đạt được những điều chính ông và gia đình không tưởng.

Ái bị câm điếc bẩm sinh, vậy nên chuyện học hòa nhập rất khó khăn. Ngày ngày đưa đón và kèm cặp, thấy con tiến bộ bập bẹ chữ được, chữ mất, nhiều lúc cũng áp lực nhưng chưa bao giờ vợ chồng ông Khương cho phép mình bỏ cuộc. Rồi Ái vào Trường đại học Hoa Sen với học bổng toàn phần và ngay khi tốt nghiệp em được nhà trường giữ lại công tác tại bộ phận truyền thông. Đứng trên sân khấu, giọng ông Khương run run, ánh mắt ông hướng về phía vợ con đang ngồi: “Cả đêm qua gia đình không ai ngủ được. Chúng tôi mừng lắm. Con gái tôi chẳng phải thủ khoa, cũng không có điểm gì nổi bật trong những năm vừa qua nhưng luôn là niềm tự hào của gia đình. Nhớ 5 năm trước khi con trúng tuyển vào trường và được cấp học bổng vượt khó 100%, vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là vì trúng tuyển vào một trường đại học lớn, lo con mình không theo kịp chương trình. Vậy mà từng học kỳ trôi qua, được sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo và bạn bè, con tôi đã từng bước lấy lại tự tin, vượt qua từng học phần, từng học kỳ, hoàn tất đồ án tốt nghiệp và kết thúc chương trình học. Tại buổi lễ tốt nghiệp này, Khả Ái cũng là một thành viên trong ban tổ chức. Từ tận đáy lòng tôi luôn biết ơn những gì đã qua”.

Ông Khương khoe, nay con gái đã có thể tự chạy xe máy đi làm sau nhiều năm liền ngồi sau lưng ba. Mỗi lần thấy ông lo lắng, Ái lại động viên “Con trưởng thành rồi, ba đừng lo”. Từ một đứa trẻ không phản ứng với âm thanh, vượt qua chặng đường dài có gia đình, thầy cô, bạn bè đồng hành, giờ đây, Ái đã có thể nghe được người đối diện nói nhờ chiếc máy trợ thính đặt vào tai. Cố gắng tập nói, ngọng nghịu đến kiệt sức, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc nhưng nhờ ba mẹ, thầy cô chỉnh sửa, tập luyện mỗi ngày, giờ Ái đã có thể trao đổi trực tiếp công việc với đồng nghiệp thay vì dùng thư điện tử. Đồng nghiệp nói, Ái thích nói chuyện và tự tin lắm. Nghe vậy, ông Khương mỉm cười, mắt rưng rưng tự hào. Chỉ mấy năm trước thôi, chưa bao giờ gia đình ông dám nghĩ đến ngày này, ngày thấy con trưởng thành, vững tin bước vào đời.