Chị là Nguyễn Thị Ngọc Loan, 28 tuổi; anh là Trần Phước Lộc, 34 tuổi, quê xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Mối tình công nhân nơi xứ lạ Bình Dương của họ đã kết quả ngọt là cháu Trần Nguyễn Ngọc Hân.
Chỉ còn vài tuần nữa, gia đình sẽ thêm một công chúa. Vậy mà dịch bệnh đã thay đổi mọi thứ trong cuộc đời họ. Trên chuyến xe trở về quê hương của gia đình nhỏ bé “4 trong 1” này, tôi đã chứng kiến nỗi đau, sự khắc khoải, và rồi niềm tin chợt nhóm lên...
7 giờ sáng, xe của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Bình Dương đưa gia đình chị sang địa phận giáp ranh TP Hồ Chí Minh. Ngước mắt nhìn lại phòng trọ từng lưu dấu những tháng ngày hạnh phúc, chị Loan không cầm được nước mắt.
Trên chuyến xe về quê lần này, họ đã kiệt quệ sau những lần dịch bệnh chà đi xát lại. Tài sản còn lại của nữ công nhân là cái thai gần ngày sinh và những mẫu test nhanh “âm tính”, điều kiện tiên quyết để về quê. Xe của Bình Dương chỉ đưa đến đây, cũng là rất quý, trong tình hình dịch quá căng thẳng.
8 giờ sáng, tôi và Nguyễn Duy Linh (tình nguyện viên Hội CTĐ TP Hồ Chí Minh) cũng với những tờ test nhanh “âm tính” tương tự, đón gia đình chị Loan ngay địa giới hành chính của hai địa phương. Xe phía Bình Dương đến trễ hơn dự kiến nửa giờ do bị chặn lại trên đường Tân Vạn - Mỹ Phước vì “không có lý do gì bà bầu và em bé đi xuyên hai vùng dịch”. Mãi đến khi Hội CTĐ Bình Dương (chuyển tiếp thai phụ), Hội CTĐ TP Hồ Chí Minh (đưa về quê) cùng trưng ra biên bản “Chấp thuận tiếp nhận về quê sinh con và phải cách ly tập trung…” trên ứng dụng Zalo do phía Đồng Tháp (nơi tiếp nhận) gửi lên, gia đình chị mới được tiếp tục hành trình…
8 giờ 30 phút, xe vượt qua điểm đầu cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương sau khi được kiểm tra giấy test nhanh, giấy đi dường do Hội CTĐ cấp. Đường cao tốc mùa này vắng rợn người, chỉ có xe cấp cứu thi thoảng vượt qua. Trên xe, cháu bé nôn liên tục vì say, mẹ nó cũng không khá gì hơn khi phải trải qua những tháng ngày quá kinh hoảng trong tâm dịch, chứng kiến cảnh đồng nghiệp người mất, kẻ phải cách ly; nhất là phải làm bao nhiêu loại giấy tờ, biên bản nhằm lý giải lý do “về quê” chính đáng. Cũng may mà chúng tôi đã xác minh kỹ, rõ, báo cáo chính quyền các địa phương. May mắn hơn là nhờ công nghệ nên các văn bản gửi qua ứng dụng Zalo, Viber, Gmail… cũng được chấp thuận trong mùa dịch.
Đến 10 giờ, để phá tan không khí nặng nề vì liên tục tải app, khai báo y tế, trình bày lý do khi qua địa bàn từng tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… tôi mở Facebook của anh Trần Phước Lộc ra xem. Chị Loan bảo chồng mình là người yêu thương gia đình. Là con trai một, là trụ cột chính nên mỗi tháng anh chị kiếm được 15 triệu đồng thì anh gửi về cho cha mẹ ở quê 3 triệu đồng. Còn bao nhiêu, Lộc chỉ chi dùng cho vợ con, thuê phòng, sinh hoạt. Anh tuyệt nhiên chưa bao giờ mắng bé Hân và định đặt tên cho cháu bé sắp chào đời là Trần Nguyễn Ngọc Lan. Trên trang Facebook của Lộc, tôi nhẩm có đến 4 lần anh thay ảnh đại diện, đều lấy hình vợ con.
11 giờ, xe chúng tôi vào địa phận Đồng Tháp. Điểm chốt phòng, chống dịch xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh sau phần kiểm tra còn “hậu kiểm” khi phải báo cáo cấp trên trường hợp về quê kỳ lạ này, vì trên xe thực tế ghi nhận 6 người, nhưng giấy tờ xác nhận chỉ dành cho 4. Cực điểm tranh luận đến trước khi bế tắc, một sĩ quan an ninh hàm thượng tá sau khi nghe trình bày lý do thực tế, đã xúc động mời tôi chai nước ướp lạnh. Đáp lại, tôi tặng anh tờ báo mới, kết bạn Zalo để gửi biên bản khẩn mà địa phương “tiếp nhận về” gửi cho đơn vị “vận chuyển người”.
Tình hình khó khăn hơn khi xe đến TP Cao Lãnh, huyện Thanh Bình, huyện Tam Nông, TP Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự… Suốt từ 13 giờ đến 14 giờ, chúng tôi thực hiện khai báo bằng nhiều ứng dụng khác nhau tại từng chốt phòng, chống dịch của mỗi địa phương cấp huyện, thuộc tỉnh Đồng Tháp. Đói lả vì không có hàng quán dọc đường, cũng không thể dừng lại vệ sinh cá nhân… thì tôi còn chịu được, nhưng cảm giác chị Loan và cháu bé cứ nôn ói, ho sặc làm cho người dũng cảm cũng phải ngại ngần… biến thể Delta. Lại thêm quy định đo nhiệt độ rất cần thiết phải chấp hành từng nơi, khi chúng tôi là đối tượng từ “tâm dịch” đến địa phương.
14 giờ 30 phút, cái khó không phải dừng lại khi bản đồ Google báo “hết đường” (trên thực tế, chúng tôi đã vào khu vực biên giới) nhưng để về quê chồng của chị Loan, chúng tôi phải “mượn đường” ngang qua TP Hồng Ngự vì các tuyến khác đã bị “căng dây”. Cách làm của địa phương là dán tem niêm phong cả… 4 cửa xe, thông báo với lái xe “niêm phong sẽ được tháo khi ra khỏi địa bàn TP Hồng Ngự”. Ngặt một nỗi khi đến địa giới huyện Hồng Ngự (kề bên TP Hồng Ngự), chính quyền huyện thông báo khu cách ly Trung tâm Y tế huyện đã đầy, nên chúng tôi phải vòng qua một điểm khác, mở cửa trao đổi cùng cán bộ y tế. Cũng vì lý do “mở cửa rách tem” này mà một cảnh sát trẻ thông báo: “Sẽ xử lý lái xe và buộc mọi người đi cách ly tập trung” theo quy định. Đến khi biết rõ ngọn nguồn, anh xúc động vẫy tay, quay đi.
15 giờ, chúng tôi đến điểm cách ly tập trung khác được trưng dụng từ nhà lồng chợ. Chị Loan khóc nức nở vì biết mình sẽ an toàn và con gái nhỏ của chị sẽ bình an ở quê nhà. Trải qua bao vất vả vì phải di chuyển trong tình cảnh như vậy, trong dịch dã nguy hiểm chừng ấy, tôi và tình nguyện viên lái xe Nguyễn Duy Linh được phun xịt khuẩn, được cán bộ quân sự ở đây phát cho hai ly mì tôm và đã ăn ngon lành như sơn hào hải vị. Đoạn đường 200 km không quá xa, nhưng những gì mà đại dịch mang đến khiến chúng tôi cảm thấy như hành trình về quê dài vô tận. Doanh nhân bất động sản như Linh (Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh và phát triển nhà An Phú), giờ là tay lái xe tình nguyện đói lả, tay cầm ly mì quý giá mà run run, húp gần cạn nước.
Tôi và Linh chia tay gia đình “4 trong 1” khi tia nắng cuối ngày đã trùm xuống khu cách ly vùng biên viễn. Hy vọng với nỗ lực của những tình nguyện viên bé nhỏ như chúng tôi sẽ góp chung vào những hành động lớn của cả nước, từng bước giảm đi những câu chuyện đau lòng vì đại dịch.
Gia đình nhỏ của họ đưa nhau vào bên trong. Tôi đã nhìn thấy cảnh họ bên nhau như những ngày xưa, cùng vượt qua những thử thách, sinh ly sắp tới. Gia đình “4 trong 1” giờ đã hòa vào nhau, khi người thiếu phụ tay trái bồng con, trong bụng mang thêm một đứa con, tay phải cầm… hũ cốt chồng, khắc tên Trần Phước Lộc, mất tháng 8/2021 do mắc Covid-19. Chị đã hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của anh: Về quê!