Chuyện về một nông dân tiêu biểu ở Pa Khen

Sinh ra và lớn lên ở vùng cao nghèo khó, nơi người dân từng bị “khói thuốc phiện” làm khổ, phải nghỉ học giữa chừng ở nhà lấy vợ theo ý bố mẹ... Với quyết tâm vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm, Hàng A Sở, dân tộc H’Mông, tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La đã trở thành “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Hàng A Sở bên vườn mận của gia đình.
Ông Hàng A Sở bên vườn mận của gia đình.

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh Sơn La, chúng tôi tìm về tiểu khu Pa Khen 1. Đón chúng tôi là một người đàn ông hoạt bát, nhanh nhẹn, mặc bộ trang phục đồng bào dân tộc H’Mông. Ông là Hàng A Sở, một trong số 100 người của cả nước được bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.

Đưa chúng tôi thăm khu trồng cam Đường Canh, ông Hàng A Sở bảo: “Khu vực này trước chỉ là đất bạc màu, được người dân trồng cây anh túc hay ngô năng suất thấp, ít ai nghĩ có thể canh tác được cây ăn quả. Những tháng đói giáp hạt, gia đình tôi và bà con trong vùng phải vào rừng đào củ mài, củ nâu mang về ăn thay cơm. Cái đói, cái nghèo cứ thế đeo bám lấy cuộc sống của người dân nơi đây. Tôi đã nung nấu quyết tâm phải cải tạo vùng đất này giúp gia đình và người dân nơi đây thoát nghèo”. Và cơ hội đến khi cây mận hậu bén rễ với cao nguyên Mộc Châu vào năm 1989. Lúc đó ông Hàng A Sở mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nương sang trồng hàng trăm gốc mận. Bởi ngày đó, cây mận hậu được tỉnh, huyện đưa về khuyến khích trồng với mục tiêu giúp đồng bào nơi đây thay thế cây anh túc và nâng cao thu nhập trên mỗi diện tích đất trồng trọt.

Trước khi chuyển đổi sang trồng mận, rất nhiều người trong vùng, thậm chí cả người thân trong gia đình đã khuyên ngăn ông vì chưa ai trồng bao giờ... Ông cùng nhiều người dân trong vùng đã trồng mận hậu trên diện tích đất từng canh tác ngô kém hiệu quả. Thế rồi sau bốn năm, hàng trăm gốc mận của gia đình ông đã cho quả.

Nhưng ngày đó, quả mận ít người thu mua nên thu nhập cũng không được nhiều, không ít hộ đã chặt bỏ mận sang trồng cây khác. Riêng ông Sở không chặt bỏ mà còn trồng thêm; thực hiện tỉa, đốn cành mận theo hướng dẫn của chuyên gia người Pháp thuộc một dự án do Viện Bảo vệ thực vật triển khai. Khi đó rất nhiều hộ không làm theo vì sợ cây mận chết, sinh trưởng kém. Vụ mận năm đó cho thấy hiệu quả rõ rệt khi cây phát triển tốt, sai quả, kích cỡ trái mận to và đẹp hơn, bán được giá hơn. Từ đó, hàng trăm hộ trong vùng làm theo. Gia đình ông Sở có 3 ha mận, bình quân mỗi vụ thu hơn 50 tấn quả, tiền bán mận thu được hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 700 triệu đồng.

Sau những lần được đi thực tế, tham quan các mô hình trồng cây ăn quả tiêu biểu, năm 2013, gia đình ông Sở trồng thêm 1 ha cam Đường Canh. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cam phát triển tốt, năng suất cao. Từ năm 2021 đến nay, gia đình ông Sở bán được hơn 30 tấn cam mỗi vụ với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Từ năm 2019, ông Sở đã quyết định chuyển sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; đầu tư hệ thống tưới nước phun sương tự động cho diện tích cây ăn quả và làm hệ thống lưới bảo vệ diện tích cây ăn quả trước những trận mưa đá.

Ngoài tích cực phát triển kinh tế, ông Hàng A Sở còn là một Chi hội trưởng nông dân gương mẫu, tích cực trong việc vận động, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây ăn quả cho các hộ trong vùng, giúp nhiều hộ hội viên vươn lên xóa nghèo. Trong đó, ông Sở còn tạo việc làm thường xuyên cho năm lao động và việc làm theo mùa vụ cho khoảng 20 lao động là người địa phương, với thu nhập từ 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng.