Những ngày cuối năm, đi vào ngõ chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội) sâu hun hút, tôi tìm gặp cô Phạm Thị Ngọc Yến (53 tuổi) tại nhà riêng. Cô Yến chính là nhân vật trong bức ảnh Cảnh sát giao thông cứu một phụ nữ bất tỉnh nằm trên đường, phía đầu máu chảy lênh láng.
Chưa thể quên được giây phút sinh tử của cuộc đời mình, cô Yến kể rằng, một sáng sớm trung tuần tháng 7- 2020, như thường lệ, cô có thói quen đạp xe đạp thể dục chung quanh khu vực hồ Tây để nâng cao sức khỏe. “Sau khi thể dục xong, khoảng hơn 6 giờ sáng, tôi đạp xe đi vào chợ Long Biên mua đồ sinh hoạt, lúc này tinh thần, đầu óc tôi vẫn còn rất tỉnh táo”, cô Yến nhớ lại.
Thế nhưng, bất ngờ khi đang đi trên đường Yên Phụ, một số người dân thấy người phụ nữ đạp xe đạp cứ thế ngã vật xuống đường bất tỉnh. Cú ngã mạnh khiến vùng đầu bị chấn thương, máu chảy đỏ cả một khoảng đường. Đến chiều cùng ngày, khi tỉnh lại, mở mắt ra, cô Yến thấy mình đã nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện, bên cạnh là những người thân trong gia đình với ánh mắt đầy lo lắng.
Lúc này, bản thân cô Yến cũng chưa nhớ được ai đã đưa mình vào bệnh viện, người nhà chỉ thông tin cho cô rằng có một người đàn ông gọi điện báo tin nên cả gia đình cứ thế vào bệnh viện. “Lúc vừa tỉnh lại, đang nằm nghỉ ngơi, tôi nhận được một cuộc điện thoại giọng nam giới hỏi thăm xem tình hình sức khỏe đã ổn định chưa, nghĩ rằng người thân biết được chuyện tôi gặp nạn gọi điện hỏi thăm nên tôi trả lời “mình đã ổn” rồi cúp máy. Cho đến buổi tối, một người bạn bất ngờ gửi cho tôi một bức hình về một chiến sĩ Cảnh sát giao thông đang ngồi bên cạnh một người phụ nữ ngã xuống đường, tôi mới giật mình hiểu ra “ân nhân” đã giúp mình vượt qua phút sinh tử là người Cảnh sát trẻ trong tấm ảnh mà một người đi đường chụp lại đăng lên mạng xã hội và được nhiều người chia sẻ”, cô Yến kể.
Chính lúc này, cô Yến cũng nhận ra “người lạ” gọi điện hỏi thăm sức khỏe của mình chính là người Cảnh sát đã cứu mình lúc gặp nạn vào buổi sáng. Khi gọi điện lại vào số điện thoại của chiến sĩ Cảnh sát, cô Yến định hỏi tên tuổi địa chỉ để tới cảm ơn nhưng chiến sĩ Cảnh sát này chỉ hỏi thăm lại sức khỏe của cô và nói rằng đó là trách nhiệm của họ, không có gì to tát cả.
“Nhìn bức ảnh tôi mới thấy rõ được bản thân lúc bị ngã xuống đường nguy kịch tới mức nào, các bác sĩ tại bệnh viện cũng cho biết, may mắn thời điểm đó đồng chí Cảnh sát giao thông đã xử lý đúng cách, kịp thời nên mới không nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vậy, nếu không gặp được trực tiếp người giúp mình tôi thật sự áy náy. Qua thông tin trên mạng xã hội, tôi tìm được tên tuổi của người cảnh sát trẻ cứu mình là Đại úy Nguyễn Văn Bình, làm việc tại Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội), nên đã tìm tới tận trụ sở của Đội”, cô Yến cho biết. Tuy nhiên, lần đầu đến Đội Cảnh sát giao thông số 2, Cô Yến không gặp được Đại úy Bình vì anh đang đi làm nhiệm vụ, tới lần thứ hai tới trụ sở, cô Yến gặp được “ân nhân” của mình trong niềm xúc động vô cùng to lớn.
Kể lại cho phóng viên nghe câu chuyện cứu người, Đại úy Nguyễn Văn Bình cho hay, vào 6 giờ 30 phút ngày 17-7, anh khi đang làm nhiệm vụ tuần tra lưu động khu vực đường Yên Phụ (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội), có người dân báo gần ngã tư Hàng Than - Yên Phụ hướng về chợ Long Biên có một người phụ nữ đi xe đạp ngã nằm bất động trên đường.
"Ngay lập tức, tôi có mặt hiện trường vụ việc, nhìn xuống phía đầu người phụ nữ máu vẫn đang chảy thành vũng, một người đi đường định bế người phụ nữ này dậy, tôi đã kịp thời ngăn lại và bảo để chị ấy nằm yên, đồng thời lấy điện thoại gọi cấp cứu 115 đến đưa chị vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu”, Đại úy Bình nói.
Anh Bình cũng chia sẻ, sở dĩ mình có kinh nghiệm xử lý tình huống vì trong gia đình của anh có ông bà cũng đều là người cao tuổi hay gặp vấn đề về sức khỏe, có thời gian anh thường phải trông nom, chăm sóc nên một số kiến thức cơ bản sơ cứu trong trường hợp người đột quỵ hoặc tai biến anh đều nắm được. Đại úy Bình cũng tâm sự rằng, thực ra việc hỗ trợ, cứu giúp người dân là việc bình thường mỗi Cảnh sát giao thông khi phát hiện đều làm, nhiều lần khi làm nhiệm vụ tại chốt mỗi khi có tin báo, anh cùng đồng đội đều nhanh chóng tới hiện trường để xử lý, nhất là khi xảy ra tai nạn, việc quan trọng đầu tiên là bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho người dân.
Hành động tích cực cứu người của Đại úy Nguyễn Văn Bình khiến người nhà nạn nhân vô cùng cảm kích và đã được "cư dân mạng" chia sẻ và nhận được nhiều lời ngợi khen, cảm phục. Đồng thời, thể hiện tinh thần luôn sẵn sàng “Vì nhân dân phục vụ” và góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát giao thông trong lòng người dân người dân Thủ đô.