Chuyện phong tỏa ở xóm nghèo

NDO -

Có ở trong khu vực bị phong tỏa mới thấu hiểu cảm giác của người đang thực hiện cách ly. Từ một trong rất nhiều khu vực đang thực hiện phong tỏa trong đại dịch Covid-19, tôi nhận thấy mình...thật hạnh phúc khi là công dân Việt Nam.

Người dân trong khu vực phong tỏa xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Người dân trong khu vực phong tỏa xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

19 giờ đêm 2-6-2021, tôi về nhà ở TP Hồ Chí Minh sau chuyến công tác biên giới Tây Ninh. Vệ sinh, sát khuẩn xong, tôi vừa ăn cơm vừa dán mắt vào ti vi. Làm báo, tôi có thói quen phải cập nhật thông tin từ VTV, VOV, TTXVN, Báo Nhân Dân, Báo SGGP... là các kênh chính thống để kiểm chứng.

Thời gian này, ai cũng xúc động khi thấy cán bộ y tế, công an, quân sự, trật tự đô thị… phải căng mình chống dịch. Càng thương hơn, khi đồng nghiệp mình phải trực chiến, đưa tin ở điểm nóng. Bởi thế bữa cơm nhà tôi từ ba mùa dịch đã qua, chủ yếu mua hàng qua điện thoại từ Siêu thị Co.opmart gần nhà cho an toàn và tránh tụ tập.

Lúc 21 giờ đêm, cả xóm tôi giật mình túa ra ngoài, rồi ai nấy giật lùi vào nhà, đeo khẩu trang kín mít, hé cổng quan sát cán bộ y tế, công an, dân quân… kéo barie căng dây phong tỏa con hẻm 639/73/4 mà chúng tôi đang ở, thuộc Khu phố 7, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Đây là con hẻm cụt ngắn chừng 100 mét có tất cả 26 hộ với 115 khẩu sinh sống, mà đại đa số là người lao động, kiếm ăn từng bữa.

Tôi đã ở xóm này gần 20 năm, nên dù sau này có ra sao, thì tôi vẫn muốn sống với bầu không khí lao nhọc ấy, chạy cơm chạy gạo ấy, chạy cả tiền trường cho con cháu và uống ly cà phê cóc tám nghìn đồng, ăn đĩa cơm sườn hai mươi nghìn, quét dọn nhà cửa cho “nhà giàu” ngót trăm nghìn/ngày; vé số mỗi ngày đủ “hai trăm nuôi sắp nhỏ ở quê”…

Xóm nhà tôi thật nghèo, mà tràn đầy tình nghĩa bởi khi “dì Ba mất, có đủ mặt làng xóm”, khi “thím Tư chạy thận, có người lo giữ nhà, quét dọn”; khi dịch bùng lên, ông bí thư chi bộ cũng “gom tiền mua cơm phát cho bà con”… Rồi mỗi mùa đông qua, xóm nghèo hùn tiền mua đèn treo đón Tết. Có nhà nào tang chế, cả hẻm ngậm ngùi đưa, tiền phúng điếu chỉ năm chục, một trăm nghìn…

22 giờ, cán bộ khu phố yêu cầu kê khai, cán bộ phường đi từng nhà, yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó, khai đủ danh sách cư ngụ, mai nộp lại”. Công an và dân quân, bảo vệ khu phố đêm nay bắt đầu lo cho cả xóm tôi yên… ngủ. Đến khi y tế phun sát khuẩn cả khu, tôi hỏi lóm mới hay, anh thanh niên đầu hẻm, là cán bộ y tế tham gia chống dịch, đã bị dương tính trong hoàn cảnh anh giúp xã hội bằng nhiệm vụ và lương tâm của anh. Chúng tôi thẫn thờ, chào anh khi thấy anh xuất hiện trong bộ đồ bảo hộ, vai vác hai ba lô lên xe có còi hụ. Anh không quên vẫy tay “chào bà con nhé, bảo trọng”. Thương anh vô cùng!

24 giờ trong vòng phong tỏa -0
Nhân viên y tế đến từng nhà ngay đêm đầu tiên. 

24 giờ khuya, tôi nhớ đến những gương mặt mình từng gặp, phỏng vấn trong các khu cách ly, các nơi bị phong tỏa, họ đã hốt hoảng như tôi đang hốt hoảng. Và hôm nay họ bình yên, tôi hy vọng mình sẽ bình yên. Ngày mai, chúng tôi sẽ được test miễn phí bằng cách lấy “dịch tỵ hầu”. Đêm nay tôi ngủ mà các anh công an, dân phòng, quân sự, bảo vệ khu phố… phải thức; các cán bộ y tế phải truy vết thâu đêm…

Sau một đêm đầy bàng hoàng khi con hẻm “bị căng dây”, 7 giờ sáng ngày 3-6-2021, nhiều người bỗng nhận được thông tin qua nhóm Zalo. Đây là nhóm do Chi bộ và Khu phố chúng tôi tạo ra để truyền thông nội bộ kịp thời. Thông tin chính xác là một nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm ở một bệnh viện có kết quả dương tính với Covid-19. Người này là nam, trước đó đã tiêm (mũi 1) vaccine AstraZeneca, hằng ngày đi làm việc trong bệnh viện đến tối muộn mới về nhà. Anh hiện ở chung với hai người khác (là em họ) và tiếp xúc gần với một người bạn nữ cách nhà anh hai con hẻm.

Vì vậy, khi anh đi điều trị, cả hai người ở chung được xem là F1, phải cách ly bắt buộc để theo dõi, còn người F1 (bạn nữ) ở gần nhà anh, đang có dấu hiệu sốt, chờ kết quả xét nghiệm và cũng đang cách ly bắt buộc. Tuy nhiên, thông tin tích cực thì người bệnh là nhân viên y tế, chẳng may bị lây nhiễm trong khi đang cùng ngành y chiến đấu với dịch, chứ không hề liên quan đến ổ bệnh từ một nhóm người của một tôn giáo tụ tập cầu nguyện!

Không theo thói quen hằng ngày, tôi ăn tô mì tôm nóng, uống thêm nước gừng và súc miệng bằng nước muối. Trong nhóm Zalo cũng đã có thông tin chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ khu vực bị phong tỏa, nhưng đó là chuyện của ngày hôm sau. Còn tôi, khi đang ăn thì nghe gọi lao xao, hỏi ra thì được biết những người gác trước hẻm đã xin ý kiến lãnh đạo địa phương và cho chú Tư chở vợ đi chạy thận.

Chú thím Tư ở đối diện nhà tôi, là dân cố cựu tại con hẻm này từ khi nó là cái ao rau muống. 5 năm nay, thím Tư bị suy thận và mỗi tuần phải vào viện ba lần để điều trị. Gần hai năm trở lại đây, nỗi lao nhọc của họ càng tăng thêm mỗi khi đến bệnh viện phải làm nhiều thủ tục khai báo để bảo đảm an toàn phòng dịch. Rồi từ đầu mùa dịch thứ tư đến nay, cứ đến viện là thím Tư ngoài khai báo còn phải test nhanh Covid-19. Nhìn dáng hai người già chầm chậm lách qua barie trước hẻm, đưa nhau vào viện một mình, cả xóm nhìn theo, thở dài!

Chưa bao giờ mà mọi thói quen trong hẻm tôi bị đảo lộn hoàn toàn và cũng chưa bao giờ, toàn bộ người dân đều ở lại trong nhà, không ra ngoài. Mà ở nhà thì mọi sinh hoạt bị thay đổi. Trong nhóm zalo, đã xuất hiện nhiều nỗi lo về việc làm đang bỏ dở, buổi hẹn quan trọng phải hủy, thiếu món ăn kiêng, bị cơ quan điểm danh vì vắng mặt…

Trong hẻm tôi, có anh Mẫu kinh doanh gạch men từng tung hoành khắp miền tây, sáng nay phải bán hàng qua điện thoại. Hỏi vậy gửi mẫu như thế nào, anh cho biết sẽ nhờ đồng nghiệp gửi theo xe tải. Lại có anh Cùng đang ở trọ và làm nghề đúc kim loại. Sáng nay anh vật vã vì đã thiếu cà phê vỉa hè, lại còn mớ hàng phế liệu không ai nung, rồi cuối tuần sẽ không có thành phẩm giao khách. Khổ nhất là anh Hai Mập có con bị ung thư máu, vợ làm thuê còn anh chuyên thổi kèn đám ma. Gia đình nhỏ của anh sáng nay ở nhà, mà tiền phòng trọ đã quá hai ngày chưa thanh toán.

Kẹt nhất là chị Hoàng bán cà phê đầu hẻm, có lẽ chị sẽ phải nghỉ bán khá lâu và căn nhà đang xây dở dang của chị, hôm nay vắng ngắt. Thu nhập không có, tiền vật liệu xây dựng thì đã mua, tiền công thợ đã ứng trước, lại thêm tiền phòng trọ thuê ở để chờ cất xong nhà… chắc chắn sẽ kéo dài ra, mẹ con chị Hoàng ắt hẳn sẽ thức trắng nhiều đêm tiếp theo.

Tôi cũng trong tình trạng đó, vì đang có một giao dịch nhà đất bên ngoài đến ngày hẹn đóng thuế thu nhập, thuế trước bạ. Tôi cầm tờ giấy hẹn mà không biết giải thích sao với bên bán, với cán bộ thuế sau này khi gặp họ. Rồi lại sắp đến đám giỗ người em trai tôi, trong khi vợ em đang bị cách ly bắt buộc ở Hóc Môn, tôi phải xử lý làm sao?

24 giờ trong vòng phong tỏa -0
Cán bộ y tế phun xịt khử khuẩn trong con hẻm bị phong tỏa.  

Con hẻm của chúng tôi cũng có nhiều bà con người Hoa làm nghề gia công, buôn bán nhỏ. Sáng nay thấy bà con vừa bịt khẩu trang, vừa đốt nhang, vàng mã và vái tứ phương. Còn tôi thì chẳng biết làm gì ngoài tập thể dục và hít đất. Riêng món này, tôi có thể hít 50-100 cái mỗi lần nhờ khi bé có luyện tập Taekwondo và nhờ “kinh qua” ba mùa dịch trước. Đến giờ cơm, lại điện thoại cho siêu thị Co.opmart gần nhà, rồi ăn xong lại tập thể thao, hít đất… Xem lại trong nhà, thì thấy còn mươi thùng mì tôm, mấy bao gạo mua từ đợt khuyến mãi trước tại siêu thị, tôi dự trù chia cho bốn hộ lân cận thì mình sẽ dư dùng trong 21 ngày sắp tới. Vậy là tạm an tâm.

15 giờ 30 chiều. Nhân viên y tế và UBND phường gọi loa đầu hẻm. Nhìn ra chỉ thấy các anh chị vật vã trong những bộ đồ bảo hộ, dưới cái nóng gay gắt, thật thương. Từng hộ gia đình được gọi tên, nhân viên của phường luôn miệng nhắc giữ khoảng cách, nhân viên y tế lấy mẫu để xét nghiệm gộp “5 trong 1”. Trong tiếng thinh lặng vì lo lắng, bất an, mọi người đều làm theo răm rắp những gì được yêu cầu.

Ban đầu cũng có người ngại xét nghiệm, có ý định tránh né. Nhưng khi được giải thích “đây là nghĩa vụ, phải trung thực và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, thì ai cũng lặng lẽ “một hàng trước, thẳng”. Rồi khi có thông tin từ cán bộ y tế, là “mỗi lần xét nghiệm phải tốn từ 700 nghìn đến vài triệu (tùy theo có BHYT hay không), nay bà con được xét nghiệm miễn phí là rất quý”, thì một trong những người ban đầu có ý né, lại nôn nóng lên tiếng: “Tới lượt tui chưa vậy, tui tên M đó!”.

Thấy A Lũ, một chàng người Hoa béo mập, uốn éo vặn người khi được lấy mẫu, tới lượt mình được gọi tên, tôi không khỏi gồng cứng cơ thể. May mà người cán bộ y tế bảo “anh nín thờ, thả lỏng ra”, nên tôi không có chút cảm giác gì khi chiếc que bông đưa vào mũi mình.

24 giờ trong vòng phong tỏa -0
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong con hẻm bị phong tỏa.

Gần hết nắng chiều. Xóm nhỏ lại yên lặng như tờ. Thím Tư sau buổi chạy thận về, mệt lử. Hai nhân viên y tế xách lỉnh kỉnh dụng cụ đến tận nhà, làm thủ thuật lấy mẫu. Nghe thím Tư than: “Sáng giờ làm hai lần rồi, mệt quá xá”, chị cán bộ mỉm cười thay cho lời an ủi, vì chị cũng rã rời.

Khi tất cả rời đi, barie được kéo lại như cũ, ai nấy cũng về ăn uống tạm thời cho qua cơn, rồi hồi hộp dán mắt vào màn hình ti vi, xem bản tin thời sự lúc 19 giờ. Gia đình tôi và cả con hẻm đang bị phong tỏa đều mừng rơn khi thấy Chính phủ thông tin chi tiết về hơn 120 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ có tại Việt Nam trong năm nay.

Ngoài vaccine AstraZeneca, trong năm nay Việt Nam đã đàm phán để có thêm vaccine của Moderna (5 triệu liều), của Pfizer (31 triệu liều), của Sputnik V (20 triệu liều)… Và Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán tiếp tục để tăng thêm nguồn cung ứng vắc xin cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022.  

Xem ti vi, đọc Báo Nhân Dân điện tử, nhìn thấy cảnh người người, nhà nhà, các doanh nhân, địa phương… đóng góp mua vaccine, mẹ tôi nói “thật tự hào và hạnh phúc vì mình là người Việt Nam”. Mà mẹ tôi nói thì cái gì chẳng… đúng!

23 giờ đêm, tiếng rào rào của chiếc máy phun xịt khử khuẩn lại vang lên. Xóm tôi đêm nay, với ai cũng là một đêm nữa rất dài, vì tất cả đều trông mong vào kết quả xét nghiệm. Ở đất nước này, ở thành phố này, ngay trong con hẻm nhỏ tôi đang ở, rồi mọi người sẽ vượt qua đại dịch như những lần dịch bùng phát trước đây. Đâu đó vẫn có anh bộ đội chịu tang bố từ xa, vẫn còn các em thơ mồ côi đang cách ly một mình, rồi hình ảnh những thiên thần áo blouse trắng kiên cường chống dịch nhưng nước mắt lại rơi khi nhìn con qua màn ảnh nhỏ…

Nhưng sau tất cả, xét nghiệm và vaccine mới là cứu cánh lâu dài cho chúng ta, cho nhân loại trong đại dịch. Tiêm ngừa vaccine thì tôi đã tiêm rồi, lấy mẫu để chờ kết quả xét nghiệm thì chiều nay tôi đã trải qua rồi. Và chắc hẳn rằng, sẽ còn rất nhiều người Việt Nam mong được trải qua cảm giác ấy.

Chắc hẳn rằng qua đêm nay, ngày mai trời lại sáng!