Sáng 15/8, Đoàn Công tác của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh làm Trưởng đoàn đã kiểm tra và giám sát hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện và giám sát việc xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Dẹp "lộn xộn" tại khu khám chữa bệnh
Phát biểu tại buổi làm việc về triển khai thực hiện Thông tư 43/2015/TT-BYT ngày 26/11/2015 của Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh đánh giá cao hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phòng Công tác xã hội được thành lập từ tháng 4/2015, chịu trách nhiệm trước Giám đốc bệnh viện về công tác hỗ trợ người bệnh, truyền thông-sự kiện và từ thiện, quản lý nhà truyền thống.
Hiện phòng có 30 cán bộ, trên 100 cộng tác viên tại các khoa, phòng. Phòng đã xây dựng 16 quy trình, 1 quy chế và 49 biểu mẫu để hoạt động công tác xã hội hiệu quả, công tác từ thiện minh bạch và đúng đối tượng.
Theo đánh giá của đoàn công tác, trước đây khi chưa có Phòng Công tác xã hội, hoạt động ở khu vực khoa khám bệnh còn tình trạng “lộn xộn” và thiếu chuyên nghiệp.
Ngay sau khi thành lập Phòng Công tác xã hội đã thiết lập bộ phận hỗ trợ người bệnh từ 6 thành viên ban đầu và hiện nay có 22 thành viên, làm việc tại các vị trí quầy có lưu lượng bệnh nhân lớn và nhu cầu tìm kiếm thông tin cao.
Phòng thực hiện tư vấn, hỗ trợ, phân luồng trung bình từ 8.000-10.000 lượt người bệnh/người nhà người bệnh đến khám, điều trị tại bệnh viện về các thủ tục hành chính, đăng ký khám chữa bệnh, tư vấn, giải thích về quyền lợi người bệnh; tham gia hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong trường hợp cần thiết,…
Bên cạnh đó, Phòng Công tác xã hội còn triển khai tổng đài trực tuyến đa kênh 19001902 giải đáp thắc mắc và tư vấn thủ tục hành chính cho người bệnh. Phòng còn thực hiện hỗ trợ người bệnh sử dụng bảo lãnh viện phí, tổ chức khám, sức khỏe; tiến hành khảo sát nội viện và ngoại viện về nhu cầu sử dụng dịch vụ và sự hài lòng của người bệnh…Năm 2022, Phòng Công tác xã hội đã tiếp nhận trên 30.000 cuộc gọi và có trên 10.000 lượt đặt lịch khám, chữa bệnh.
Trong 8 năm hoạt động, Phòng Công tác xã hội đã huy động và hỗ trợ cho gần 10.000 người bệnh có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị trên 73 tỷ đồng.
Công tác truyền thông của bệnh viện được thực hiện trên 6 kênh truyền thông là website; Fanpage; Youtube; Zalo, Tiktok và Lotus và có sự phối hợp thường xuyên với các cơ quan báo chí trong cung cấp các thông tin về các hoạt động của bệnh viện…
Để làm tốt hơn các hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đề nghị bệnh viện tăng cường công tác đào tạo, đặc biệt là xây dựng, đạo tạo đội ngũ cộng tác viên; xem xét phối hợp với trường Cao đẳng Thiết bị y tế Việt Đức đào tạo sinh viên hỗ trợ thêm các khoa, phòng trong bệnh viện.
Bên cạnh đó, bệnh viện cần quan tâm đến đời sống và quyền lợi của cán bộ Phòng Công tác xã hội.
Bệnh viện cần xây dựng mới 1.462 quy trình kỹ thuật
Thực hiện Quyết định số 1537/QĐ-BYT ngày 24/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và Quyết định số 2685/QĐ-BYT ngày 27/6/2023 về giao nhiệm vụ bệnh viện, viện làm đầu mối xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức giám sát xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Công tác xây dựng quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế-kỹ thuật rất quan trọng, là cơ sở để các bệnh viện, Viện thực hiện quy trình chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và làm căn cứ xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, công tác xây dựng quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế-kỹ thuật rất quan trọng, là cơ sở để các bệnh viện, Viện thực hiện quy trình chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và làm căn cứ xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê đề nghị bệnh viện xác định và đưa nhiệm vụ xây dựng quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai, đáp ứng yêu cầu.
Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đã thành lập các Hội đồng thẩm định định mức kinh tế-kỹ thuật; xây dựng kế hoạch thực hiện… trong đó, phân công cụ thể trách nhiệm của các khoa, phòng trong bệnh viện.
Qua rà soát quy trình kỹ thuật, bệnh viện đã có 713 quy trình kỹ thuật được ban hành (đúng tên kỹ thuật) trên tổng số 2.175 quy trình kỹ thuật được giao. Bệnh viện cần xây dựng mới 1.462. Hiện tại, bệnh viện xây dựng được khoảng 600 quy trình kỹ thuật.
Về xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật, bệnh viện đang triển khai theo hướng dẫn của Bộ Y tế là dựa trên thực tế dịch vụ kỹ thuật triển khai, trên hồ sơ bệnh án của bệnh nhân cụ thể.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bệnh viện cũng gặp một số khó khăn như có hơn 178 kỹ thuật với số lượt thực hiện kỹ thuật chỉ là 1 hoặc 2 lượt/năm không đủ cơ sở để xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật. Bệnh viện cũng đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn về việc này.
Bên cạnh đó, việc lấy dữ liệu trên hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được can thiệp một kỹ thuật để xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật sẽ chính xác hơn, đơn giản hơn với trường hợp một bệnh nhân được can thiệp 2 hoặc 3 thậm chí đến 4, 5 kỹ thuật (trên cùng 1 người bệnh) rất khó xác định định mức kinh tế-kỹ thuật của từng trường hợp cụ thể….
Đoàn công tác ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của bệnh viện trong xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật và đề nghị bệnh viện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện định mức kinh tế-kỹ thuật. Những khó khăn và kiến nghị của bệnh viện sẽ được tổng hợp, báo cáo và phối hợp với các đơn vị liên quan để cùng tháo gỡ.