Chuyên nghiệp hóa nghề giám tuyển nghệ thuật

Chưa có trường lớp đào tạo chính thống, cũng chưa có tên trong danh mục nghề nghiệp, nghề giám tuyển nghệ thuật ở Việt Nam phát triển tự phát và nghiệp dư. Người thực hành và người yêu thích nghệ thuật rất bỡ ngỡ, mông lung trong nhận biết về vai trò của giám tuyển.
0:00 / 0:00
0:00
Triển lãm nhiếp ảnh tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA).
Triển lãm nhiếp ảnh tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA).

Trong bối cảnh các hoạt động sáng tạo nghệ thuật ở lĩnh vực hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh… diễn ra sôi nổi, nhu cầu thụ hưởng các tác phẩm nghệ thuật chất lượng nâng cao, vai trò của người giám tuyển nghệ thuật trong việc dẫn dắt, kết nối nghệ thuật với công chúng được quan tâm hơn. Nhưng do chưa được đào tạo bài bản cho nên công việc này ở Việt Nam đang bị nhìn nhận một cách dễ dãi, chỉ mới ở mức độ giám sát, tuyển chọn tranh, ảnh cho triển lãm. Sự thiếu hiểu biết về chuyên môn dẫn đến cái nhìn sai lệch về giám tuyển.

Thực hiện giám tuyển gần 20 bộ sưu tập, giám tuyển độc lập, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Công việc giám tuyển được hiểu là người chăm sóc và diễn giải bộ sưu tập. Người làm giám tuyển phải rất hiểu nghệ sĩ, hiểu nghệ thuật, có khả năng kết nối nhiều lĩnh vực như cơ quan quản lý, nhà tổ chức, truyền thông, bảo tàng...

Để diễn giải được bộ sưu tập, giám tuyển phải có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm cá nhân và sự thực hành nghệ thuật. Giám tuyển còn là người đưa ra sách lược cho một cuộc triển lãm, tạo ra câu chuyện cho triển lãm. Người giám tuyển được ví như huấn luyện viên, đưa ra chiến thuật, chiến lược cho từng bộ sưu tập.

Giám tuyển nghệ thuật là người tạo ra sự kết nối giữa các tác phẩm nghệ thuật, từ đó tạo ra một bộ sưu tập có giá trị hơn nhiều so với sự kết hợp tự thân rời rạc của từng tác phẩm. Giám tuyển chọn lựa những bức tranh và mang lại ý nghĩa cho một bộ sưu tập cho nên họ giống như một người viết kịch bản kiêm đạo diễn cho bộ sưu tập ấy trưng ra công chúng. Và “giám tuyển” không chỉ bao gồm tranh hay các tác phẩm nghệ thuật mà còn thuộc nhiều lĩnh vực khác như sách, rượu, hoa… Tuy nhiên, ở Việt Nam, công việc này chưa có cái nhìn cụ thể, tầm quan trọng của người đứng ra dẫn dắt một cuộc triển lãm chưa được đề cao.

Thuộc thế hệ 9X, tốt nghiệp cử nhân chính trị tại Đại học York (Canada) và thạc sĩ ngành văn hóa và sáng tạo tại Trường King’s College London (Anh), Lê Thuận Uyên đang là Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm Nghệ thuật The Outpost - một tổ chức hoạt động theo mô hình bảo tàng tư nhân thu nhỏ tại Hà Nội.

Từng có thời gian làm việc tại bảo tàng quốc gia và trung tâm nghệ thuật Barbican, vương quốc Anh; hợp tác cùng nhiều không gian nghệ thuật ở các vai trò khác nhau như hỗ trợ về tổ chức, xây dựng chương trình, hiện tại Uyên cũng đang hoạt động trong vai trò là một giám tuyển độc lập. Ghi dấu ấn với vai trò giám tuyển trong Triển lãm “Vụn thời đại” được tổ chức tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost, Lê Thuận Uyên cho rằng giám tuyển là người chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc bộ sưu tập.

Người giám tuyển phải hiểu tác phẩm, hiểu nghệ sĩ, tham gia sâu vào quá trình sáng tạo của nghệ sĩ, hiểu ý đồ nghệ thuật của nghệ sĩ từ đó đề xuất ý tưởng, định hướng không gian trưng bày phù hợp. Bắt tay thực hiện Triển lãm “Vụn thời đại”, cô bắt đầu từ việc lên ý tưởng, định hướng chương trình, tham gia trao đổi, đối thoại cùng nghệ sĩ. Đôi khi cô đặt ra câu hỏi cho nghệ sĩ, nhưng đôi khi lại cung cấp thêm tư liệu để nghệ sĩ tham chiếu từ những lĩnh vực khác nhau nhằm tìm ra thông điệp, tư tưởng cho triển lãm.

Ở góc độ khác, giám tuyển lại là một người lắng nghe, tìm hiểu quá trình sáng tác của nghệ sĩ, giúp nghệ sĩ gọi tên những băn khoăn, bối rối, những ngổn ngang trong quá trình sáng tác. Đằng sau sự thành công của mỗi triển lãm là câu chuyện “bếp núc”, hậu kỳ vô cùng tiểu tiết, vụn vặt không thể thiếu vai trò của những người giám tuyển nghệ thuật.

Xoay quanh Triển lãm “Vụn thời đại”, ngoài tính toán, xử lý không gian trưng bày, lựa chọn thiết bị ánh sáng, các yếu tố kỹ thuật…, Lê Thuận Uyên còn tổ chức chuỗi chương trình vệ tinh qua những buổi trò chuyện, thảo luận, chiếu phim, kể chuyện nghệ thuật, dẫn các tour tham quan nghệ thuật, cung cấp thông tin triển lãm, xây dựng bảng định nghĩa thuật ngữ, hướng dẫn xem triển lãm… để khán giả không lạc vào mớ hỗn độn, mông lung của ngôn ngữ nghệ thuật. Trong thực hành giám tuyển, Lê Thuận Uyên hướng tới việc hợp tác chặt chẽ với nghệ sĩ, cô coi thực hành giám tuyển là cầu nối để nhiều người biết đến nghệ thuật hơn là câu chuyện kiến tạo ra cơ hội và nguồn lực để kiến thiết triển lãm.

Thực tế cho thấy, hoạt động nghệ thuật nở rộ tạo nên lực đẩy cho nghệ thuật lan tỏa trong đời sống, trong đó có câu chuyện của giám tuyển. Với bối cảnh văn hóa khác nhau, khái niệm “giám tuyển nghệ thuật” cũng thay đổi để thích nghi. Nghề giám tuyển không cố định ở một công việc và vai trò của người giám tuyển cũng được mở rộng.

Nhưng do chưa có chuyên ngành đào tạo nghề giám tuyển thực thụ, mỗi người giám tuyển lại thực hành theo quan điểm và cách làm riêng, dù công việc này đòi hỏi sự am hiểu về văn hóa nghệ thuật, sự thực hành, khả năng quan sát, kinh nghiệm và mối quan hệ cá nhân. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết: Để phát triển nền nghệ thuật chuyên nghiệp bắt buộc phải có vị trí giám tuyển nghệ thuật vì họ là người quyết định “linh hồn của mỗi bộ sưu tập” và tính hấp dẫn của các triển lãm. Nghề giám tuyển vốn xuất phát từ các bảo tàng, nhưng trong danh mục nghề nghiệp tại Việt Nam hiện nay lại chưa có vị trí “giám tuyển nghệ thuật”, và rất hiếm bảo tàng ở Việt Nam có vị trí này.

Trên thực tế, giám tuyển nghệ thuật chỉ tập trung ở các không gian nghệ thuật đương đại, các quỹ văn hóa, các triển lãm mang tính thương mại. Họ đa phần là nghệ sĩ, có quá trình học tập, thực hành sáng tạo nghệ thuật ở nước ngoài, có quá trình tích lũy kinh nghiệm, tham gia công việc giám tuyển nghệ thuật ở các lĩnh vực nhiếp ảnh, hội họa, điện ảnh… bằng hiểu biết, kinh nghiệm, sự thực hành thông qua các dự án nghệ thuật, quá trình tự học, lăn lộn trong nghề, và được nhiều nghệ sĩ tin tưởng lựa chọn.

Một số nhà giám tuyển ghi dấu ấn cá nhân qua các dự án nghệ thuật, các triển lãm hay các workshop thảo luận, thực hành… (như: Ace Lê, Lê Thuận Uyên, Đỗ Tường Linh, Nguyễn Thế Sơn, Lê Nguyễn Duy Phương...). Không sáng tác nên tác phẩm nhưng giám tuyển là người góp phần kiến tạo nên môi trường nghệ thuật, điều phối nguồn lực, xây dựng các dự án đồng hành cùng nghệ sĩ.

Sản phẩm của nghệ sĩ là tác phẩm thì sản phẩm của giám tuyển là sự thành công của triển lãm. Bởi vậy đào tạo giám tuyển chuyên nghiệp vừa là nhu cầu, vừa là sự cấp thiết nhằm góp phần thúc đẩy nghệ thuật phát triển. Cho đến khi vị trí giám tuyển được đào tạo chính thức, chuyên nghiệp, những quỹ văn hóa, trung tâm nghệ thuật uy tín như Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas), The Outpost… sẽ vẫn là những không gian thiết lập các tiêu chuẩn về công việc giám tuyển nghệ thuật, góp phần hỗ trợ các nhà giám tuyển trong nước hoạt động ngày càng chuyên nghiệp.