Sắc mới ở Đầm Nại

NDO -

Đầm Nại ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) là 1 trong số 12 đầm phá ven biển nước ta với đặc điểm điển hình của đầm nhiệt đới khô hạn ven biển, giữ vai trò điều hòa ngập lụt, cân bằng nguồn nước ngầm và là “lá phổi” làm sạch môi trường sinh thái cho người dân nơi đây…

Vùng triều Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận trở thành nơi nuôi hàu Thái Bình Dương với kỹ thuật treo dây thả nuôi trong lồng bè đạt hiệu quả cao.
Vùng triều Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận trở thành nơi nuôi hàu Thái Bình Dương với kỹ thuật treo dây thả nuôi trong lồng bè đạt hiệu quả cao.

Sau nhiều năm khôi phục hệ sinh thái từ Dự án trồng mới, phục hồi và kết hợp quản lý bảo vệ rừng chống xâm thực bờ biển thuộc địa bàn huyện Ninh Hải, giai đoạn năm 2015-2020 do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận thực hiện, giờ đây Đầm Nại đang hồi sinh vẻ đẹp vốn có và trở thành vùng nuôi thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao. 

Bức tranh thủy mặc hữu tình

Đầm Nại có diện tích khoảng 1.200 ha, trong đó vùng triều chiếm khoảng 800 ha, trải dài qua các xã Tân Hải, Hộ Hải, Tri Hải, thị trấn Khánh Hải… của huyện Ninh Hải, cách trung tâm TP Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 8 km về phía bắc.

Anh Huỳnh Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy hải sản và thương mại Đầm Nại, lái chiếc ca-nô nhỏ chở chúng tôi len lỏi qua hàng trăm bè nuôi hàu lớn nhỏ để đi sâu vào vùng triều Đầm Nại. Nhìn trời, mây, nhìn mặt nước lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, mọi người dâng trào cảm xúc trước khung cảnh hữu tình, vẻ đẹp độc đáo như bức tranh thủy mặc được thiên nhiên ban tặng.

Đầm Nại là vùng nước tự nhiên nằm sâu trong đất liền, có cửa liên thông với biển qua lạch Ninh Chử và nhận nước ngọt từ các kênh mương hệ thống thủy lợi chung quanh. Hơn chục năm trước, người dân đã chặt phá nhiều diện tích rừng ngập mặn nguyên sinh, lấn chiếm đất để làm đìa nuôi tôm, khiến hàng trăm loài thực vật, động vật nổi, động vật đáy và nhiều loại thủy, hải sản đặc trưng rơi vào nguy cơ bị tận diệt.

Vài năm sau đó, mộng nuôi tôm để trở thành triệu phú, tỷ phú của những người đã từng lấn chiếm đất Đầm Nại thất bại vì môi trường bị ô nhiễm, nhiều người đã bỏ làng để trốn nợ để lại hình ảnh nham nhở của nhiều hồ, ao nuôi tôm.

Năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Trung ương; vốn ODA, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ dự án thực hiện việc khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn; tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản khu vực Đầm Nại. Sở cử cán bộ, kỹ sư bám chốt hơn 3 năm thực hiện sách lược 5 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng trồng, cùng bảo vệ và cùng khai thác) với người dân. Từ đó Đầm Nại dần hồi sinh khi hàng trăm ha rừng ngập mặn tự nhiên còn lại được chăm sóc tốt, trở thành lá chắn bao bọc chắc chắn những điểm xung yếu của vành đai khu vực đầm.

Sắc mới ở Đầm Nại -0
 Hàu được thương lái đến tận bè nuôi mua với giá hàu loại 1 từ 25-35.000 đồng/kg.

Chủ tịch UBND xã Hộ Hải Trương Khắc Sang cho biết, mấy năm nay, môi trường sinh thái tại nơi đây tốt hơn trước rất nhiều. Những tác động tiêu cực đến nguồn lợi thủy, hải sản không còn, nhiều người từng gây hại môi trường vùng đầm thì nay là thành viên tích cực bảo vệ nguồn lợi, sinh thái của đầm và vươn lên khấm khá từ việc nuôi trồng thủy, hải sản đặc thù chỉ có ở Đầm Nại.

Thuận theo tự nhiên để làm giàu

Khi rừng ngập mặn được phục hồi, những đàn chim đã tựu về; các loài hải sản tưởng chừng bị tận diệt cũng xuất hiện và phát triển đàn. Chị Lê Thị Lượm ở thôn Hòn Thiên, xã Hộ Hải, chia sẻ: “Mỗi đêm, với chiếc xuồng nhỏ đi vào đầm giăng câu, thả lưới bén, đặt lờ có thể thu nhập vài trăm nghìn đồng. Nhiều chị em đi bắt ốc trong đầm để bán cho các chủ trại nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm, mỗi ngày thu nhập 100-150 nghìn đồng, đời sống không vất vả như hồi Đầm Nại bị tàn phá”.

Nhiều hộ đầu tư nuôi thương phẩm các loại hải sản có giá trị kinh tế cao nhưng do chưa nắm bắt kỹ thuật, nuôi hàu bằng lốp xe ô-tô khiến cho môi trường rơi vào tình cảnh báo động xấu.

Tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng khuyến cáo người nuôi tuân thủ quy hoạch của tỉnh, vừa bảo đảm sản xuất hiệu quả vừa bảo vệ môi trường tự nhiên cho Đầm Nại. Được vận động, người dân tự tháo dỡ, loại bỏ hoàn toàn cách nuôi hàu “đeo bám” vào lốp xe ô-tô. Bà con đến vùng triều trong Đầm Nại được quy hoạch hơn 35 ha chọn địa điểm nuôi phù hợp rồi làm thủ tục xin phép địa phương cấp giấy phép hoạt động.

Anh Huỳnh Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy hải sản và thương mại Đầm Nại cho biết thêm, nuôi hàu Thái Bình Dương thương phẩm với kỹ thuật treo dây trong lồng bè rất đơn giản, ít bị sóng gió tác động. Chi phí đầu tư ban đầu cho một bè nuôi có diện tích 100 m2 khoảng 35-45 triệu đồng. Người nuôi thả khoảng 2.500-3.000m dây giá thể có cấy hàu giống để treo nuôi. Thức ăn chủ yếu của hàu là tảo đơn bào, chất hữu cơ lơ lửng trong nước, người nuôi chỉ thường xuyên theo dõi và vệ sinh để hạn chế các tác nhân gây ngạt chết, chậm phát triển.

Khi hàu lớn đạt kích cỡ nhất định thì có thể tách ra thả vào lồng nuôi thương phẩm. Sau 4 tháng nuôi có thể thu hoạch để xuất bán, năng suất bình quân đạt từ 4-5 tấn/bè nuôi rộng 100 m2. Hiện, đầu ra rất ổn định nên người nuôi lãi hàng trăm triệu đồng/vụ là chuyện không khó.

Sắc mới ở Đầm Nại -0
 Người nuôi tách hàu từ trong lồng nuôi dưỡng khi hàu đạt kích cỡ nhất định chuyển sang lồng nuôi thương phẩm để hàu sinh trưởng đúng vụ nuôi.

Nghề nuôi hàu thương phẩm tại khu vực Đầm Nại còn giải quyết việc làm cho nhiều người trong khu vực. Chị Trần Thị Thủy ở xã Tri Hải chia sẻ: “Hằng ngày, tôi nhận làm sạch vỏ hàu từ các chủ bè nuôi hàu để giao cho thương lái, tiền công từ 180-200.000 đồng”. Vỏ hàu sau khi được vệ sinh đem phơi nắng rồi xâu thành chuỗi, bán cho các chủ lồng bè với giá 33.000 đồng/xâu.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải Trần Hữu Nhân cho biết, khu vực Đầm Nại có khoảng 100 hộ nuôi hàu với khoảng 400 lồng bè. Trong đó, số hộ nuôi hàu theo kỹ thuật cắm cọc, treo dây để nuôi trong lồng bè đem lại năng suất cao và không gây ô nhiễm môi trường. Đơn vị thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh, kịp thời thông báo cho các hộ nuôi chủ động phòng tránh, đồng thời tham mưu cấp trên xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hàu.

Tỉnh Ninh Thuận đã quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng khu đô thị ven Đầm Nại tạo cú hích thu hút đầu tư phát triển khu lịch sinh thái phù hợp với đặc điểm điển hình của đầm nhiệt đới khô hạn ven biển; tiếp tục hướng dẫn người dân tích cực bảo vệ môi trường và nuôi trồng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao trong vùng đầm để vươn lên thoát nghèo bền vững và tái tạo nguồn lợi thủy sản đặc trưng của Đầm Nại.