Nhiều doanh nghiệp Bình Dương thực hiện "ba tại chỗ"

NDO -

Bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đã khẩn trương thực hiện phương án “ba tại chỗ” và "một cung đường, hai địa điểm" để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất.

Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) thực hiện “ba tại chỗ” để hoạt động sản xuất và phòng, chống dịch.
Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) thực hiện “ba tại chỗ” để hoạt động sản xuất và phòng, chống dịch.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 lây lan nhanh trong cộng đồng, tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện hai phương án: "ba tại chỗ" với việc ăn tại chỗ, ở tại chỗ và sản xuất tại chỗ và phương án "một cung đường, hai địa điểm" với một địa điểm là khách sạn, ký túc xá, chỗ ở tập trung của công nhân và một địa điểm là nhà máy sản xuất.

Nếu không thực hiện hai phương án này, để xảy ra dịch bệnh, cơ quan chức năng sẽ buộc doanh nghiệp tạm dừng sản xuất.

Trước yêu cầu đặt ra, trong những ngày qua, các doanh nghiệp đã khẩn trương áp dụng hai biện pháp phòng vệ trên để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất.

Tại Công ty TNHH Yazaki Eds, thành phố Dĩ An, để bảo đảm sản xuất không đứt gãy, kịp thời cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng đã ký kết, trong hai ngày 17 và 18/7, công ty đã gấp rút hoàn thành các điều kiện về chỗ ăn, chỗ ở cho công nhân lao động để đón 400 lao động vào công ty, bảo đảm hoạt động sản xuất trong ngày 19/7 theo phương án "ba tại chỗ".

Tại Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, Khu công nghiệp Mỹ Phước II, thị xã Bến Cát, thực hiện phương án tổ chức sản xuất an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 tại nhà máy, khi các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch và phương án bố trí sản xuất tại chỗ, công ty đã bố trí cho khoảng 400 nhân viên ở lại cùng làm, cùng ăn, cùng ngủ tại công ty theo phương châm tạo điều kiện tốt nhất có thể cho người lao động ở lại sinh hoạt.

Ngoài việc chăm lo ăn ở cho người lao động, công ty còn áp dụng chính sách phụ cấp thêm cho mỗi lao động 100 nghìn đồng/ngày, đồng thời tăng mức lương lên 200% cho công nhân làm việc vào các ngày thứ bảy và chủ nhật.

Ông Yang Jin Han, Giám đốc Nhà máy Orion Mỹ Phước cho biết, “Trong quá trình chuẩn bị, công ty nhận được sự quan tâm hướng dẫn tận tình từ tỉnh Bình Dương nên công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức cho công nhân ở lại ăn, ở làm việc tại nhà máy đã  được tiến hành thuận lợi, đạt yêu cầu từ hướng dẫn của cơ quan chức năng. Nhờ đó, công ty có thể hoàn thành sớm việc triển khai phương án “ba tại chỗ”, vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa an tâm phòng, chống dịch”.

Với 2.045 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương có số lượng gần 486 nghìn công nhân lao động, tính đến sáng ngày 19/7, đã có 615 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đăng ký sản xuất theo phương án “ba tại chỗ” và phương án “một cung đường, hai địa điểm” với 90.365 công nhân lao động, góp phần thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

sx3.jpeg -0
Công ty TNHH Nhựa Nhị Bình (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 2) bố trí cho công nhân ở lại nhà máy.

Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Trung cho biết, hiện các doanh nghiệp đang tiếp tục đăng ký thực hiện phương án “ba tại chỗ” và phương án “một cung đường, hai địa điểm. Ban Quản lý phối hợp các đơn vị, địa phương tiếp tục thông báo, kiểm tra, rà soát để việc thực hiện các phương án của doanh nghiệp bảo đảm đúng yêu cầu theo quy định.

Tại Bình Dương, thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, nhất là việc toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian 14 ngày, kể từ 0 giờ ngày 19/7, theo Chỉ thị 16 và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhiều công ty trong và ngoài các khu công nghiệp đã cấp tốc bố trí lại các khu vực tại nhà xưởng, mua sắm mùng, mền và sắp xếp để giành riêng chỗ ở cho người lao động vào nhằm thực hiện "ba tại chỗ".

Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore Đặng Thị Kim Chi cho biết, trong những ngày qua, các doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore đã ráo riết triển khai phương án "ba tại chỗ" và phương án “một cung đường, hai địa điểm”. Hỗ trợ cho doanh nghiệp, công đoàn đã hướng dẫn thêm cho các đơn vị nhằm nắm rõ và thực hiện.

Làm việc với các địa phương và kiểm tra việc thực hiện phương án “ba tại chỗ” nhằm phòng, chống dịch trong những ngày vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần lấy những mô hình điểm trong thực hiện tốt phương án “ba tại chỗ” để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và hướng dẫn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện.

Kiểm tra điều kiện ăn, ở của công nhân tại doanh nghiệp và lắng nghe việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân đang ở lại nhà máy thực hiện “ba tại chỗ” ở một số doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã biểu dương, động viên doanh nghiệp và người lao động tiếp tục cố gắng, an tâm ở lại làm việc, góp phần cùng địa phương thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế của địa phương.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan