Ngư dân Ninh Thuận vượt khó vươn khơi

NDO -

Trong quý I/2022, mặc dù giá nhiên liệu tăng, khiến cho chi phí các chuyến đi biển tăng, nhưng đây là thời điểm khai thác hải sản chính vụ, ngư dân tỉnh Ninh Thuận đã phát huy vai trò các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển, thích ứng với thực tế để vươn khơi.

Các cảng cá ở Ninh Thuận đều vươn khơi khai thác hải sản.
Các cảng cá ở Ninh Thuận đều vươn khơi khai thác hải sản.

Ninh Thuận có 2.254 chiếc tàu lớn nhỏ. Trong đó có 1.325 chiếc tàu có chiều dài từ 15 m đến dưới 30 m. Trong quý I, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 44 tàu đóng mới, cải hoán, nâng tổng số tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác và hoạt động dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa lên 726 tàu (677 tàu khai thác và 49 tàu dịch vụ).

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, từ giữa tháng 2, trên các ngư trường Ninh Thuận, Bình Thuận; các khu vực đảo Côn Sơn (Vũng Tàu), Phúc Quốc (Kiên Giang) xuất hiện nhiều đàn cá cơm, cá liệt… với trữ lượng khá, nên có khoảng 80% tàu cá hoạt động cá nghề vây rút chì, lưới rê nylon, lưới kéo… của ngư dân tỉnh Ninh Thuận bám biển khai thác đạt hơn 20 nghìn tấn hải sản các loại, đạt 18% kế hoạch năm.

Giá cá nục, cá chù, mực ống, ghẹ… từ 50-290.000 đồng/kg, tuy mỗi chuyến đi biển khai thác không lãi cao như trước đây, nhưng ngư dân nỗ lực hạn chế tối đa việc để tàu nằm bờ.

Chi cục trưởng Thủy sản Đặng Văn Tín cho biết: Trong bối cảnh mỗi chuyến biển tăng thêm chi phí nhiên liệu từ 15-20 triệu đồng, đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động và tích cực hỗ trợ mọi điều kiện về chính sách để khuyến khích ngư dân vươn khơi, vì để tàu nằm bờ dài ngày thì người dân càng khó khăn, nên 100% tàu cá đều vươn khơi tùy theo công suất của mỗi tàu và mỗi nghề.

Đơn vị tham mưu UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ bù chi phí cho những tàu cá có chiều dài hơn 15 m hoạt động khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa (dưới 250 hải lý), mỗi chuyến với thời gian 15 ngày theo Quyết định số 48/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm, ngư dân Ninh Thuận được hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng, nên an tâm vươn khơi xa, vừa khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao vừa tham gia tích cực trong bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc.

Hiện tại, hơn 98% tàu cá tại Ninh Thuận đã đầu tư lắp đặt và được tập huấn sử dụng thuần thục các thiết bị vệ tinh, thiết bị hàng hải hiện đại. Hơn 60% tàu cá lắp đặt máy dò ngang. Chi cục đưa ứng dụng thiết bị công nghệ cao vào hoạt động quản lý, cử cán bộ trực 24/24 giờ, giúp ngư dân dùng thiết bị để liên lạc với đất liền về thông tin thời tiết, hỗ trợ nhau dò tìm, khai thác hải sản thuận lợi, giảm chi phí đáng kể cho mỗi chuyến đi biển dài ngày.

Ninh Thuận thành lập hơn 170 Tổ đoàn kết khai thác trên biển (bình quân 5 tàu/tổ), với hơn 1.018 chủ tàu tham gia. Khi vươn khơi, các tổ liên kết với nhau trong việc dò tìm luồng cá, cùng khai thác... rất hiệu quả, giảm nhiều chi phí.

Anh Nguyễn Văn Khoang, lao động trên tàu cá NT 90959 TS ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa chia sẻ: Tham gia các Tổ đoàn kết khai thác trên biển có lợi rất nhiều về chi phí cũng như hiệu quả khai thác. Nếu trước đây, mỗi tàu tự dò tìm luồng cá để khai thác, nay chỉ cần cử 1 hoặc 2 tàu trong tổ sử dụng máy dò ngang để dò tìm luồng cá. Khi phát hiện đàn cá, nhanh chóng thông báo cho các tàu khác thông qua thiết bị vệ tinh để các tàu khác di chuyển tàu theo hướng thông tin và cùng khai thác trọn vẹn luồng cá. Khi các tàu có sản phẩm thì chỉ bố trí 1 tàu chở hải sản của các tàu khác về bờ xuất bán, sau đó sẽ hỗ trợ chi phí tiền dầu cho nhau để vừa cung cấp hải sản kịp thời tươi ngon, vừa tiết kiệm được nhiên liệu cho những tàu còn lại.

Trong thời điểm giá nhiên liệu tăng, thay vì chở hải sản trở lại cảng cá địa phương để xuất bán thì các Tổ đoàn kết khai thác trên biển cử 1 chiếc tàu chở hải sản vào cảng cá của các tỉnh gần vùng khai thác để xuất bán hoặc bán hải sản trực tiếp ngay trên biển cho các tàu dịch vụ và tiếp tục quay ra khơi khai thác, giảm rất nhiều cho chi phí.

Chi cục trưởng Thủy sản Đặn Văn Tín cho biết thêm, hiện nay việc quản lý tàu cá còn tính định mức theo công suất mà chưa tính theo chiều dài đang còn những bất cập nhất định cho lực lượng chức năng thi hành công vụ. 

Ngư dân mong Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ, đồng hành trong việc ổn định đầu ra cho mặt hàng hải sản, hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và cước phí liên lạc trên biển, quan tâm xem xét việc tăng thêm số chuyến biển được hỗ trợ nhiên liệu cho chủ tàu từ 4 chuyến/năm lên 6 chuyến/năm. Bởi, ngư dân xem “thuyền là nhà, biển cả là quê hương”, vươn khơi không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.