Theo chuyên gia Hứa Lợi Bình, Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đều là quốc gia xã hội chủ nghĩa, kiên định sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì độc lập tự chủ, ủng hộ lẫn nhau trong việc tìm kiếm con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện của mỗi nước. Tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam có nhiều tương đồng với mục tiêu phấn đấu “một trăm năm” thứ hai của Trung Quốc, thể hiện sự gần gũi trong mục tiêu chiến lược của hai bên.
Việt Nam là nước có ảnh hưởng quan trọng trong ASEAN, cũng là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
Ông Hứa Lợi Bình, chuyên gia của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước.
Ông Hứa Lợi Bình nhận định, Việt Nam là nước có ảnh hưởng quan trọng trong ASEAN, cũng là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ làm sâu sắc sự tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nước, làm phong phú thêm nội hàm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam, mà còn có lợi cho việc tăng cường sự tin cậy chính trị giữa Trung Quốc với ASEAN, góp phần duy trì hòa bình, ổn định của khu vực.
Đánh giá về quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua, ông Hứa Lợi Bình cho rằng, trong bối cảnh bùng phát đại dịch Covid-19, quan hệ hai Đảng, hai nước không bị ảnh hưởng, mà còn tiếp tục phát triển. Hai bên đã phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chung tay ứng phó dịch bệnh, duy trì hợp tác tốt trên các lĩnh vực vaccine, vật tư phòng dịch, công nghệ chẩn đoán và điều trị.
Ông Hứa Lợi Bình, chuyên gia của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. |
Hiện nay, hai Đảng đã thiết lập cơ chế giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực nghiên cứu lý luận, đào tạo cán bộ, hợp tác giữa cấp ủy các địa phương, góp phần thúc đẩy việc đi sâu trao đổi kinh nghiệm quản trị đất nước, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, tăng cường định hướng dư luận...
Trong lĩnh vực kinh tế, từ năm 2016, thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc đứng đầu trong thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một trong các nước có lượng vốn đầu tư lớn tại Việt Nam.
Ông Hứa Lợi Bình cho rằng, trong tương lai, hai bên có triển vọng hợp tác rộng mở trong các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, điện mặt trời, năng lượng sạch... Đặc biệt, trong bối cảnh hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực, hai nước còn tiềm năng lớn trong thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử, hợp tác xuyên biên giới.
Vị chuyên gia Trung Quốc kỳ vọng hai nước tăng cường kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” và sáng kiến “Vành đai và Con đường”, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kết nối, xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, phát triển kinh tế số... đạt nhiều thành quả mới.