Phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ổn định, bền vững

Những năm gần đây, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phát triển tích cực, thể hiện qua các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; qua hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và quan hệ kinh tế-thương mại mở rộng, đạt hiệu quả cao.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên họp của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác Việt Nam-Trung Quốc năm 2022. (Ảnh TTXVN)
Phiên họp của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác Việt Nam-Trung Quốc năm 2022. (Ảnh TTXVN)

Trải qua 72 năm, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc được các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định, quan hệ hữu nghị, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Trong bối cảnh môi trường hợp tác toàn cầu chịu nhiều tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột và đại dịch, những cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao Việt Nam-Trung Quốc diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt đã giúp thúc đẩy tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nhà nước.

Quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Trung Quốc giữ vững đà phát triển ổn định. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Lũy kế đến giữa năm 2022, Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 22,31 tỷ USD. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt được nhiều tiến triển nổi bật, trong đó chanh leo Việt Nam được thí điểm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc kể từ tháng 7/2022 và sầu riêng tươi xuất khẩu từ Việt Nam cũng đã chính thức thông quan những chuyến xe đầu tiên trong tháng 9/2022.

Năm 2022, hai bên cũng tiến tới ký kết nhiều văn bản hợp tác, gồm: Hiệp định Hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc cho tài khóa 2020; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; hay Thỏa thuận hợp tác về Dự án nghiên cứu so sánh môi trường địa chất và tai biến địa chất biển khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang…

Hội thảo trao đổi kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo Việt Nam-Trung Quốc được Bộ Ngoại giao và một số địa phương của Việt Nam phối hợp Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chính quyền tỉnh Vân Nam và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức cũng đã trở thành cầu nối hiệu quả để các địa phương hai bên chia sẻ kinh nghiệm, triển khai các dự án hợp tác xóa đói, giảm nghèo, chia sẻ kinh nghiệm trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư; triển khai các dự án cải thiện dân sinh, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Trên tinh thần tăng cường hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, các phiên họp hằng năm của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc cũng đã phát huy hiệu quả trong việc điều phối tổng thể các lĩnh vực hợp tác, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất giữa hai nước tiếp tục phát triển ổn định, cân bằng, bền vững. Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Trung Quốc tích cực phối hợp, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, đặc biệt là tại diễn đàn ASEAN và Liên hợp quốc.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX diễn ra vào thời điểm Trung Quốc bước tới chặng đường mới, hướng tới mục tiêu phấn đấu trăm năm thứ hai trên cơ sở những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được trong 73 năm thành lập nước. Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đi sâu hợp tác trên các lĩnh vực, giúp quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.