Tính từ 12 giờ trưa ngày 27-7 đến 13 giờ chiều ngày 28-7, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu ghi nhận được 12 trận động đất ở các cường độ khác nhau, cao nhất là trận động đất đầu tiên có độ lớn 5,3.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh giải thích: “Sau khi có trận động đất trưa hôm qua có độ lớn 5,3 thì thông thường có thể có địa chấn, dư chấn gây ra những trận động đất tiếp theo. Điều này cũng là chuyện bình thường”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để tìm hiểu xem hoạt động động đất ở khu vực đó nó sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào. Tuy nhiên, hiện tượng dư chấn có thể xảy ra kéo dài có khi cả tháng, hoặc vài tháng”, ông Nguyễn Xuân Anh nói.
Những trận động đất do dư chấn sẽ nhỏ hơn trận động đất ban đầu. Sau trận động đất đầu tiên làm rung lắc nhiều tòa nhà cao tầng ở Hà Nội, ngày 27-7, Mộc Châu, Sơn La ghi nhận thêm năm trận động đất. Và ngày 28-7, tính đến 13 giờ chiều nay đã có thêm sáu trận động đất nữa. Trận động đất gần nhất xảy ra lúc 13 giờ 0 phút 12 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 2,8 xảy ra tại vị trí có tọa độ (20,91 độ vĩ Bắc, 104,751 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 12,1 km.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Mộc Châu, Sơn La nằm trong đới đứt gãy sông Đà, là một trong những đới đứt gãy đang hoạt động. Theo dự đoán, động đất cao nhất ở đây có độ lớn 5,5.
Trước đó, trong tháng 7 này, ở Lai Châu, nằm trong đới đứt gãy thượng sông Đà, cũng liên tiếp hứng chịu bảy trận động đất. Trong sáu tháng đầu năm, nhiều trận động đất với cấp độ nhỏ cũng xảy ra ở một số tỉnh Tây Bắc và lân cận.
Viện trưởng Viện vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh khuyên người dân sống ở những nơi có dư chấn hiện nay cần phải gia cố lại các công trình yếu, học quy tắc phòng chống động đất để bảo đảm an toàn.
Đặc biệt ở khu vực đồi núi như Sơn La khi động đất có thể xảy ra hiện tượng đá lăn sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hiện tượng đá lăn từng làm một xe ô tô bị nát đầu trong ngày hôm qua, 27-7. Rất may không có thiệt hại về người.