Chuyên gia khuyến cáo nguy cơ mắc bệnh đau mắt sau lũ lụt

NDO -

BS Hoàng Cương, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, ở cộng đồng thiếu nước sạch, nhất là miền trung sau khi hứng chịu hơn lũ lụt, mưa nhiều, hai bệnh lý viêm kết mạc và mắt hột sẽ gia tăng.

Chuyên gia khuyến cáo nguy cơ mắc bệnh đau mắt sau lũ lụt

Phổ biến nhất là bệnh viêm kết giác mạc dịch 

Viêm kết mạc dịch là dạng viêm nhiễm nặng nhất do adenovirus. Bệnh thường do virus thuộc type huyết thanh 8 và 19 cho dù các type khác cũng vẫn có thể gặp. Bệnh lây truyền do có sự tiếp xúc gần giữa các cá nhân.

Sau một thời gian ủ bệnh khoảng tám ngày, mắt trở nên đỏ, gỉ mắt lẫn với nước kèm theo cảm giác có dị vật trong mắt.

Người bệnh có thể gặp các dấu hiệu khác như: sưng đau hạch trước tai (có thể thấy ở 50% các trường hợp), kết mạc sụn mi có hột nổi lên. Hai biểu hiện này gợi ý cao độ bệnh nhân bị viêm kết mạc do adenovirus và giúp cho định hướng chẩn đoán lâm sàng.

Lứa tuổi mắc nhiều các bệnh mắt thuộc hai nhóm yếu và nhạy cảm là trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 65 tuổi. Độ ẩm gần như tuyệt đối, nhiệt độ môi trường từ 20 đến 30 độ làm các vi sinh vật ưa gây bệnh cho mắt sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, gây bệnh nhiều hơn trong khi đó nước bẩn sẽ là môi trường lan truyền bệnh dễ dàng nhất.

Do vậy chữa bệnh mắt luôn phải đi kèm với vệ sinh mắt và vệ sinh môi trường.

Viêm kết mạc  luôn kèm theo đỏ mắt và có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác là hơi sợ sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc, cả hai loại giả mạc và mạc thật đều có thể chảy máu khi bóc.

“Hiếm khi có di chứng sẹo kết mạc hay cầu dính kết mạc. Mắt còn lại cũng bị bệnh, thường sẽ xảy ra sau 4-5 ngày kể từ ngày khởi phát,  biểu hiện nhẹ nhàng hơn so với mắt thứ nhất do cơ thể đã bắt đầu có miễn dịch chống lại virus”, BS Cương nói.

Về điều trị, BS Cương cho biết, chủ yếu bệnh này điều trị triệu chứng bằng nhỏ nước muối sinh lý nhiều lần, tra nhỏ kháng sinh hoặc kháng sinh có kèm cortisol trong thời gian ngắn, bệnh có xu hướng giảm dần và khỏi hẳn sau 7-10 ngày.

Nếu kéo dài hơn, kèm theo chói mắt, sợ sáng, nhìn mờ là đồng nghĩa với có biến chứng. Bệnh nhân lúc này nên đi khám và điều trị tại cơ sở chuyên khoa.

Bệnh mắt hột hay viêm kết mạc có hột do chlamydia

Viêm kết mạc có hột, hột đại xuất hiện cả ở kết mạc mi trên và mi dưới. Mắt cương tụ vừa phải nhưng viêm kết mạc thể này có xu hướng dai dẳng, gây cộm và khó chịu mạn tính.

BS Cương cho biết, nếu điều trị không kiên trì  hay sai thuốc các hột viêm sẽ tồn tại đến vào tháng, cuối cùng vỡ đi để lại sẹo trên kết mạc. Di chứng có thể là  khô mắt do sẹo kết mạc, lông quặm lông xiêu.

Ở dạng tái nhiễm liên tục do dùng nước bẩn, khăn mặt bẩn, chậu rửa chung, ruồi muỗi nhiều…viêm kết mạc có hột có tên là bệnh mắt hột, căn bệnh gây mù lòa chủ yếu ở thế kỷ 19. Mù lòa chủ yếu do lông quặm, lông xiêu chọc vào giác mạc gây viêm loét,  hóa sẹo hay loét thủng.

Ở dạng cấp tính như trong đợt bão lụt, không có nước sạch để dùng hay lây nhiễm qua bể bơi công cộng qua đường mắt - mắt hay cơ quan sinh dục - mắt (vi khuẩn còn gây viêm tiết niệu sinh dục cho cả nam và nữ) tổn thương ở mắt điển hình là viêm kết mạc có hột to (hột đại).

Dạng cấp tính ngày nay gặp nhiều hơn và phổ biến hơn trên người trẻ, cũng khá phổ biến đóng góp vào những bệnh nhân “đau mắt đỏ” trong mùa bão lũ.

Về điều trị, BS Cương cho biết, ngoài vệ sinh mắt và kiêng cữ để khỏi tái nhiễm thì vi khuẩn chlamydia nhạy cảm với kháng sinh tra nhỏ hoặc uống thuộc nhóm: phenicol, cycline, sulfamid, macrolite. Bệnh sẽ khỏi sau 4-6 tuần điều trị tra nhỏ tại mắt và uống thuốc.

BS Cương cho biết, trong đợt mưa lũ, người bệnh cũng có thể mắc các bệnh lý về mắt như viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm dị ứng, viêm kích ứng do hóa chất làm sạch nước (chlor nồng độ cao), chắp lẹo… đều có thể gặp do vi sinh vật gây bệnh, chất độc và chất kích ứng… vốn rất dồi dào trong nước mưa, nước bẩn, nước tù đọng hay nước cặn. 

“Nhu cầu tái lập cung cấp nước sạch hay chí ít là nước sạch để rửa mắt, rửa mặt là tối quan trọng để phòng bệnh và chống lây lan bệnh mắt trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, việc rửa tay bằng xà phòng chuyên dụng sát trùng cũng làm người dân tránh xa được rất nhiều bệnh tật. Trong giai đoạn này tốt nhất là kiêng dùng chung khăn, chậu rửa mặt”, BS Cương khuyến cáo.

Mưa lũ nghiêm trọng ở miền trung