Cuộc đua tiếp sức giữa các thành phần kinh tế
Chuyển đổi xanh là lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế chung của quá trình hội nhập thương mại-đầu tư toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mục tiêu Net Zero (đạt mức phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn khi Đảng, Chính phủ quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo động lực tăng trưởng mới kết hợp việc bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết Net Zero.
“Đây không còn là vấn đề nhìn nhận, do dự mà là bắt buộc, thích ứng chuyển đổi, hay nói cách khác là cuộc đua của các doanh nghiệp. Tôi cho rằng đây không phải cuộc đua cạnh tranh, mà đây là cuộc đua tiếp sức giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp khác nhau trong chuỗi giá trị”, ông Việt nhận định.
![]() |
TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Theo TS Việt, việc chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao sản xuất, giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu, thương hiệu, sản phẩm được chứng nhận xanh, vượt qua rào cản thuế quan…
Ngoài ra, nếu tận dụng những cơ hội, hiểu rõ về cơ chế chính sách và thể chế toàn cầu lẫn trong nước, doanh nghiệp sẽ nhận được những hỗ trợ tích cực từ phía nhà nước, nhà đầu tư hoặc được tiếp cận các nguồn vốn từ nước ngoài.
Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện các yêu cầu tuân thủ cũng như trách nhiệm giải trình trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn xanh.
Chia sẻ thực tiễn và thách thức mà doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ đang gặp, ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, yêu cầu về xanh và bền vững hiện không còn là xu hướng mà đã trở thành điều kiện bắt buộc ở nhiều thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và châu Đại Dương. Đặc biệt trong ngành gỗ, những tiêu chuẩn này được áp dụng xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm - từ nguyên liệu đầu vào đến phương thức sản xuất và sản phẩm hoàn thiện.
![]() |
Ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ. |
Cụ thể, nhiều khách hàng quốc tế yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững, đồng thời phải chứng minh rằng quá trình khai thác không gây phá rừng, mất rừng phù hợp với các quy định hiện tại và sắp được áp dụng trong thời gian tới như của Liên minh châu Âu (EU).
Trong quá trình sản xuất, các tiêu chuẩn cũng được siết chặt với yêu cầu áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, không phát thải độc hại. Bên cạnh đó, yếu tố lao động cũng là một phần trong chuỗi yêu cầu xanh, khi doanh nghiệp phải bảo đảm các chế độ phúc lợi, điều kiện làm việc theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các thông lệ quốc tế.
Ở khâu sản phẩm, xu hướng “xanh hóa” vật liệu cũng ngày càng rõ rệt. Ông Kiên dẫn chứng, nhiều nhóm sản phẩm buộc phải thay thế chất liệu bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, thí dụ như bộ dụng cụ ăn uống dùng một lần bằng tre, giấy thay cho nhựa…
“Việc thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất và thiết kế sản phẩm làm tăng đáng kể giá thành sản phẩm, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong cạnh tranh, nhất là ở những thị trường vẫn còn nới lỏng các yêu cầu về môi trường”, ông Kiên phân tích.
Một trong những bất cập mà ông Kiên cũng đề cập là sự thiếu hụt chính sách hỗ trợ nội địa. Tại Việt Nam, nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn chưa nhận được sự ưu tiên về tiêu thụ vì chưa có quy định cụ thể về lộ trình hạn chế hoặc cấm sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm như túi nilon, ly nhựa, đồ dùng nhựa một lần...
Từ thực tiễn hoạt động, đại diện Công ty Kẻ Gỗ đề xuất Chính phủ sớm ban hành lộ trình và thời hạn cụ thể đối với việc cấm hoặc hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường, thay vì chỉ dừng lại ở các chiến dịch kêu gọi tự nguyện.
Bên cạnh đó, ông Kiên cũng kiến nghị cần ưu tiên mua sắm công đối với hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp đã có đầu tư bài bản trong chuyển đổi xanh, đồng thời rà soát, thống nhất các quy định về quản lý nguồn gốc gỗ và lâm sản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chứng minh tính hợp pháp và bền vững của nguyên liệu đầu vào.
![]() |
TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường. |
Với góc nhìn từ cơ quan quản lý trong lĩnh vực môi trường, TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, doanh nghiệp cần nhận thức rõ yêu cầu bắt buộc từ thị trường về chuyển đổi xanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, các tiêu chí về môi trường và xã hội ngày càng khắt khe hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chủ động và có tầm nhìn xa trong việc đổi mới công nghệ. Chính sách thị trường có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và nếu không có sự chuẩn bị trước, doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bị động. Việc đầu tư công nghệ đòi hỏi chi phí lớn, nhưng nếu không chuyển đổi sớm, doanh nghiệp có thể mất đi cơ hội cạnh tranh.
Ngoài ra, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường cần được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Nếu vẫn lạm dụng hóa chất và tài nguyên thiên nhiên, doanh nghiệp không chỉ làm tổn hại môi trường mà còn hủy hoại chính mình. Các giải pháp sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, như Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao với phát thải thấp, là những hướng đi thiết thực cần được nhân rộng.
Phát huy nội lực để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh
![]() |
TS Lại Văn Mạnh - Trưởng Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường. |
Nhấn mạnh vai trò cấp thiết của việc phát huy năng lực từ các doanh nghiệp tư vấn và viện nghiên cứu trong nước nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các rào cản chuyển đổi xanh, TS Lại Văn Mạnh - Trưởng Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, trực thuộc Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe liên quan đến phát triển bền vững, dù các tiêu chuẩn này hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển bền vững nhưng cũng tạo ra áp lực không nhỏ, đặc biệt là về chi phí chứng nhận và thẩm định.
Từ thực trạng đó, ông Mạnh kiến nghị cần sớm phát triển hệ sinh thái tư vấn và đánh giá chất lượng trong nước, bao gồm việc nâng cao năng lực cho các viện nghiên cứu, tổ chức chuyên môn và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn xanh, qua đó giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và thúc đẩy chủ động trong việc tiếp cận và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Liên quan chính sách tín dụng hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế tài chính của Chính phủ, đặc biệt là các chính sách về bảo lãnh tín dụng và huy động vốn là yếu tố then chốt để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo ông Việt, để chính sách thực sự hiệu quả, cần bắt đầu từ việc phân loại đặc điểm và mô hình của các dự án, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng.
![]() |
Các chuyên gia, diễn giả chia sẻ quan điểm tại tọa đàm trong khuôn khổ lễ phát động chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi xanh năm 2025. |
TS Việt nhấn mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Việc đồng bộ hóa từ Trung ương tới địa phương sẽ tạo nên hành lang thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các dự án xanh.
Đặc biệt, ông cho rằng, việc phân loại nhu cầu và mô hình doanh nghiệp theo từng ngành hàng, quy mô hoạt động là yếu tố quan trọng để thiết kế chính sách “đúng và trúng”, không thể áp dụng một chính sách chung cho mọi doanh nghiệp trong bối cảnh đặc thù và điều kiện tài chính khác nhau.
“Chính sách bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ vốn cần xây dựng dựa trên sự phân loại rõ ràng. Đồng thời, cũng cần các giải pháp cụ thể về phòng ngừa rủi ro tỷ giá, các công cụ tài chính phù hợp và sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan chức năng để tạo đà cho doanh nghiệp Việt chuyển đổi xanh thành công và phát triển bền vững”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Phát động chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi xanh năm 2025
Khẳng định yếu tố con người cũng đóng vai trò quan trọng, TS Trần Công Thắng cho rằng, để giúp doanh nghiệp thích ứng với yêu cầu chuyển đổi xanh, bản thân doanh nghiệp cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng mới, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh.
Ông Thắng nhấn mạnh, chuyển từ một nền kinh tế nâu sang xanh đòi hỏi thay đổi cả trong tư duy và cách làm, nhằm khai thác tài nguyên hiệu quả hơn và để lại giá trị bền vững cho thế hệ sau.
“Việc chuyển đổi xanh chỉ thực sự hiệu quả khi thấm sâu vào nhận thức của từng doanh nghiệp, từng người lao động. Đây là một quá trình cần sự đồng hành từ các cấp chính quyền, các tổ chức hỗ trợ và chính bản thân doanh nghiệp. Khi có những chính sách hỗ trợ phù hợp, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để mạnh dạn chuyển đổi và phát triển bền vững”, TS Thắng nêu rõ.