Phát động chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi xanh năm 2025

NDO - Chuỗi sự kiện gồm các chương trình tọa đàm, hội thảo liên quan tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chuyển đổi năng lượng tái tạo; giao thông xanh; xuất khẩu xanh…, qua đó đề xuất kiến nghị nhằm tháo gỡ rào cản chính sách, tìm ra giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Ngày chuyển đổi xanh năm 2025.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Ngày chuyển đổi xanh năm 2025.

Nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế xanh, bền vững

Sáng 28/3, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Lao động phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức phát động chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi xanh năm 2025 với chủ đề “Chuyển đổi xanh - Chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững”.

Sự kiện nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh, bền vững, đồng thời kêu gọi sự chung tay của các tổ chức xã hội trong việc chuyển đổi xanh.

Đây cũng là diễn đàn để cơ quan quản lý, giới chuyên gia, doanh nghiệp… cùng nhau thảo luận, phân tích và đề xuất các giải pháp nhằm gỡ vướng những rào cản cho doanh nghiệp, hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các thách thức về ô nhiễm môi trường, chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh trở thành yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đang là mô hình được nhiều quốc gia lựa chọn. Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết với toàn thế giới rằng Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Phát động chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi xanh năm 2025 ảnh 1

Các đại biểu tham dự lễ phát động.

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức khi nằm trong top 10 quốc gia có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất ở châu Á và đứng thứ 36 trong tổng số 177 quốc gia về mức độ ô nhiễm không khí. Nồng độ bụi mịn tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần ngưỡng cho phép, đặc biệt ở các thành phố lớn, nơi mức độ ô nhiễm không khí đang ở mức nghiêm trọng.

Chuyển đổi xanh cũng sẽ là một thử thách lớn đối với các doanh nghiệp, khi quy mô nền kinh tế xanh hiện tại của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% GDP, trong khi phần lớn nền kinh tế vẫn dựa vào mô hình phát triển truyền thống (kinh tế nâu).

Nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động, chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi xanh năm 2025 được phát động hôm nay được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu quan trọng. Tiếp nối là các hội thảo chuyên sâu diễn ra trong tháng 3, 4 và tháng 5/2025 liên quan các lĩnh vực: Tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chuyển đổi năng lượng tái tạo; giao thông xanh; xuất khẩu xanh…

Tại các sự kiện, chuyên gia, cơ quan quản lý và doanh nghiệp sẽ chia sẻ, đề xuất kiến nghị nhằm tháo gỡ rào cản chính sách, tìm ra giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

Ngày chuyển đổi xanh sẽ được phát triển theo hướng trở thành chương trình thường niên, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, kết nối cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền cùng chung tay hành động vì một tương lai xanh.

Chuyển đổi xanh là yêu cầu cấp thiết

Phát động chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi xanh năm 2025 ảnh 2

Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu.

Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, chuyển đổi xanh hiện không còn là một lựa chọn hay xu hướng đơn lẻ, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Những yếu tố này đang tác động trực tiếp đến đời sống người dân và định hướng phát triển bền vững của quốc gia.

“Chúng ta thấy rõ nhiều doanh nghiệp đã coi kinh doanh xanh là chiến lược cạnh tranh, đặc biệt là các tập đoàn lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tích cực chuyển đổi sang mô hình kinh tế carbon thấp. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn lúng túng, thậm chí chưa hiểu rõ bản chất và vai trò của chuyển đổi xanh”, ông Thành nhận định.

Dẫn lại quan điểm tại Đại hội XIII của Đảng, ông cho biết, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số được xác định là hai yếu tố mang tính nền tảng để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, hùng cường và thịnh vượng vào năm 2045.

Chính phủ đã và đang đẩy mạnh hành động với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cùng các kế hoạch hành động cụ thể. Gần đây nhất là Chỉ thị 44/CT-TTg ngày 9/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng trưởng xanh. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đóng vai trò chủ lực trong bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, hoàn thiện các cơ chế về tín chỉ carbon, tiêu chí môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Một dấu mốc quan trọng khác là Quyết định 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025, phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Mục tiêu là thúc đẩy cắt giảm phát thải khí nhà kính với chi phí tối ưu, đồng thời tạo nguồn tài chính mới cho các hoạt động phát triển xanh, tiến tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Phát động chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi xanh năm 2025 ảnh 3

Các chuyên gia, diễn giả tham dự tọa đàm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi xanh năm 2025.

Ông Thành cũng cho biết thêm, các bộ ngành liên quan đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon trước tháng 6/2025, đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước, năng lực tham gia thị trường của doanh nghiệp và cộng đồng.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập hiện nay trong hệ thống tiêu chí xanh tại Việt Nam, như nhiều danh mục dự án xanh mới chỉ mang tính chất tham khảo, thiếu cơ sở phân loại theo các tiêu chí sàng lọc hoặc chuẩn mực quốc tế. Các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi cấp vốn cho các dự án thân thiện với môi trường vì chưa có bộ tiêu chí rõ ràng.

Trước thực tế đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định ban hành tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh, làm cơ sở pháp lý để đánh giá, xác nhận và thúc đẩy phát triển các dự án có lợi ích môi trường rõ ràng, minh bạch.

“Chuyển đổi xanh không phải là vấn đề của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội”, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, với quyết tâm từ Chính phủ và sự đồng lòng của toàn xã hội, chuyển đổi xanh sẽ không chỉ là xu hướng mà sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới, giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025 và hướng tới mức tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.

Phát động chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi xanh năm 2025 ảnh 4

Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động phát biểu.

Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động cũng nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không còn là xu hướng mà là yêu cầu cấp thiết để hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để Việt Nam bứt phá, phát triển kinh tế xanh, nâng cao chất lượng sống và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Thực tế, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường, khi nằm trong top 10 quốc gia có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất châu Á. Theo ông Thành, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp mới như năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, mở ra cơ hội việc làm và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội nhận định, trong thời kỳ đầy thách thức khi ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc.

Phát động chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi xanh năm 2025 ảnh 5

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa phát biểu.

Dưới góc độ của địa phương, ông Hoa cho rằng, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cần thay đổi tư duy từ "khai thác" sang "bảo vệ", tức phải bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các hoạt động trồng cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường, và phân loại, tái chế rác thải là những hành động cụ thể mà mỗi người dân có thể thực hiện.

Theo ông Hoa, thành phố Hà Nội, với vị thế là Thủ đô của cả nước, đang thể hiện vai trò đầu tàu với nhiều hành động thiết thực nhằm đạt mục tiêu Net Zero, bảo đảm an ninh năng lượng, cải thiện sức khoẻ cộng đồng, và thúc đẩy phát triển bền vững.

Thành phố xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm: Thúc đẩy giao thông xanh, xây dựng vùng phát thải thấp, cải thiện chất lượng không khí, tăng cường hợp tác quốc tế để đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh, thành công của chương trình “Chuyển đổi xanh” không chỉ dựa vào nỗ lực của chính quyền mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Theo đó, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một Hà Nội xanh vì một Việt Nam xanh, sạch và phát triển bền vững.