Chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững

Bộ chỉ số môi trường-xã hội-quản trị (ESG) đã và đang trở thành xu hướng nổi trội, ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi không chỉ của các doanh nghiệp mà của cả hệ thống chính trị, đặc biệt trong việc hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Agribank là một trong các ngân hàng tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ESG. (Ảnh: Agribank)
Ảnh minh họa: Agribank là một trong các ngân hàng tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ESG. (Ảnh: Agribank)

Ngành ngân hàng Việt Nam có vai trò quan trọng dẫn dắt nền kinh tế khi cung cấp, điều phối nguồn vốn dựa trên quy trình thẩm định rủi ro tín dụng. Chính vì vậy, ngân hàng đóng vai trò tiên phong trong việc thực thi ESG, tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.

Tiên phong thực thi ESG

Bộ chỉ số ESG là một trong những thước đo về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ðối với ngành ngân hàng, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Ðinh Thị Quỳnh Vân cho biết, khi triển khai ESG sẽ cho phép các ngân hàng, tổ chức tài chính không chỉ thúc đẩy chuyển đổi trong ngành này mà còn thúc đẩy áp dụng ESG trong các ngành khác thông qua việc cung cấp tài chính bền vững.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thực thi ESG từ rất sớm. Theo Phó tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Phương, đến ngày 30/11, BIDV đã tài trợ cho hơn 1.500 khách hàng với 1.900 dự án/phương án tín dụng xanh. Tổng dư nợ đạt hơn 73.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% tổng dư nợ của BIDV. Trong đó, chủ yếu là lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm hơn 80%), tiếp đến là lĩnh vực bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai (chiếm khoảng 10%)...

Phát triển bền vững thông qua ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam.

Với nhận thức nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực thi ESG trong lĩnh vực này. Trưởng ban Ðịnh chế tài chính kiêm Phó trưởng ban Thường trực Chỉ đạo ESG Agribank Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, với gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và khách hàng cá nhân, Agribank đã ban hành quy định quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; đưa ESG là một nội dung trong chiến lược kinh doanh; thông qua cam kết về triển khai ESG trong hệ thống; đồng thời có nhiều hoạt động đối với cộng đồng, phát triển tài chính toàn diện.

Trong khi đó, theo đánh giá của Tạp chí Asiamoney, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là một trong những ngân hàng tiên phong thiết lập nền tảng quản lý rủi ro ESG toàn diện và chặt chẽ, mở đầu cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai. SHB đã xây dựng Khung quản trị rủi ro ESG và áp dụng trên phạm vi toàn hệ thống, trong đó, từng cấu phần trong khung này được đánh giá là phù hợp với hướng dẫn và thông lệ quốc tế về quản lý rủi ro ESG.

Có thể nói, phát triển bền vững thông qua ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hùng-Viện Tài chính Kế toán (Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh), việc thực thi ESG đã giúp các ngân hàng thu hút nguồn vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) từ các tổ chức quốc tế và bảo đảm nguồn vốn để hỗ trợ dự án chuyển đổi xanh. Ngoài ra, những nỗ lực trong việc thực hiện ESG đã giúp ngân hàng ở Việt Nam đạt được danh hiệu về tác động tích cực đến môi trường, xã hội và quản trị, góp phần củng cố vị thế là các ngân hàng xanh và bền vững hàng đầu trong nước.

Biến khó khăn thành cơ hội

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú cho biết, việc thực thi ESG trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng để hướng đến toàn diện các mục tiêu ESG tham vọng trong lĩnh vực ngân hàng đang đặt ra rất nhiều thách thức. Việc áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong nước mới chỉ đang ở giai đoạn đầu, với một số cải cách trong quy trình cấp tín dụng, do vậy, sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng phải giải quyết trong quá trình áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh như công tác triển khai, thẩm định những tác động môi trường, các rủi ro liên quan đến danh mục đầu tư, quản trị, đánh giá rủi ro ESG, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm trong các hoạt động ESG,…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, việc tuân thủ chuẩn mực về ESG, phát triển bền vững, ngân hàng xanh sẽ ngày càng phức tạp và nâng cao cho nên các ngân hàng cần xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn; hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan, thành lập bộ phận chuyên trách về phát triển bền vững; hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ ngân hàng xanh; triển khai các hoạt động về tín dụng xanh, hướng tới chuẩn mực quốc tế; cập nhật các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, tiếp thu kinh nghiệm thế giới về tiêu chuẩn, điều kiện ngân hàng xanh nhằm hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế nội bộ; chủ động và áp dụng các điều kiện để phát hành trái phiếu xanh và thu hút nguồn vốn quốc tế xanh...

Trong khi đó, Phó tổng Giám đốc BIDV Trần Phương bày tỏ mong muốn, các khung khổ chính sách, hướng dẫn cho hoạt động huy động vốn và cấp tín dụng xanh, bền vững tiếp tục hoàn thiện; xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để tạo sự khuyến khích; đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường-xã hội. “Bản thân BIDV cũng xác định công nghệ và chuyển đổi số tiếp tục là mũi nhọn, ưu tiên xuyên suốt, hỗ trợ đắc lực trong lộ trình chuyển đổi xanh, bền vững và thực hành ESG của ngân hàng”, ông Trần Phương nhấn mạnh.

Ðề xuất một số giải pháp để các ngân hàng tích cực thực thi ESG trong thời gian tới, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam Michele Wee cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành ở Việt Nam cần tiếp tục đồng hành, phối hợp hài hòa trong xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý cụ thể về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, đặt ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, xây dựng danh mục các ngành, lĩnh vực xanh. Các ngân hàng thương mại có thể sử dụng các tiêu chuẩn này để áp dụng chung nhằm đánh giá khi cấp tín dụng xanh.

Ðể tạo điều kiện cho ngân hàng thực thi ESG, từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đặt ra vấn đề về ESG trong Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng xanh và quản trị rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và mới nhất là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN đã quy định thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dần mang tính pháp lý nhiều hơn để phù hợp với quy định của pháp luật, hướng hoạt động của các tổ chức tín dụng tiệm cận thông lệ quốc tế; ngày càng thể hiện nhiều hơn trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với các vấn đề về xã hội, môi trường. Qua quá trình theo dõi, các tổ chức tín dụng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng

Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)