Chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất

Đến nay đã hoàn thành kết nối vận hành 210/237 huyện thuộc 29/30 tỉnh, thành phố tham gia dự án VILG (Dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai"), trong đó, có 19 tỉnh đã hoàn thành kết nối toàn bộ các huyện tham gia dự án và có 40 quận, huyện, thành phố thuộc 6 tỉnh, thành phố không tham gia dự án kết nối.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Bên cạnh đó, ngày 29/12/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an đã thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước, phục vụ người dân. Trong 305 huyện đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư có 281 huyện của dự án VILG.

Hướng tới phục vụ người dân tốt hơn

Mặc dù đã đạt theo yêu cầu của Quốc hội nhưng kết quả cấp Giấy chứng nhận trên cơ sở bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ còn đạt thấp. Kết quả đo đạc bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận chưa kịp thời đưa vào cơ sở dữ liệu đất đai để quản lý, vận hành và khai thác sử dụng. Công tác đăng ký, thống kê đất đai, đặc biệt là đăng ký biến động chưa được thực hiện nghiêm, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện, cụ thể là: thông tin đăng ký đất đai vẫn chưa hoàn thiện, chủ yếu ở dạng hồ sơ giấy và độ tin cậy thấp; hệ thống thiết bị và đường truyền còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành, khai thác sử dụng thông tin đất đai ở các cấp; phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đang sử dụng ở các địa phương còn chưa thống nhất, gồm nhiều loại phần mềm khác nhau, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng thống nhất cho hệ thống thông tin đất đai quốc gia; còn nhiều tỉnh, huyện, xã chưa triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hoặc đã triển khai nhưng chậm hoàn thành hoặc đã cơ bản hoàn thành (có khoảng 120 đơn vị cấp huyện) nhưng chưa được đưa vào quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả trong quản lý đất đai.

Nguyên nhân chủ yếu do chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, đường truyền để đưa vào quản lý, vận hành, khai thác sử dụng; việc giao dịch bằng điện tử trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai triển khai còn chậm, mới có một số tỉnh thực hiện bước đầu việc giao dịch bằng điện tử trong nội bộ hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai.

Để đáp ứng yêu cầu "Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất", các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững; từng bước hiện đại hóa công tác quản lý đất đai, chuyển đổi số dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.

Một số khuyến nghị

Thực tế này đòi hỏi Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực quản lý và sử dụng đất, như:

Thứ nhất, tiếp tục được tập trung vào việc rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai hiện đại, đa mục tiêu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu công việc của quá trình giải quyết thủ tục hành chính như tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ và giải quyết hồ sơ.

Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính về đất đai; thường xuyên rà soát, cập nhật và công bố công khai bộ thủ tục hành chính về đất đai.

Đặc biệt, Bộ cũng sẽ tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định về thủ tục hành chính về đất đai tại các địa phương; xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm trong việc quy định thêm thủ tục, hồ sơ, không thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính.

Thứ hai, thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyến đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được Nhà nước giao đất nông nghiệp, đối tượng dễ tổn thương; đời sống, việc làm cho người có đất thu hồi; giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.

Vấn đề chúng tôi cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án về chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai dự án VILG đưa vào vận hành có hiệu quả.

Mặt khác, cần tập trung thu thập thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; 100% hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu hoàn toàn dưới dạng điện tử trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng tỷ lệ hồ sơ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên môi trường mạng; bảo đảm an toàn thông tin cho triển khai vận hành Chính phủ số.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Luật Đất đai cần bổ sung thêm quy định thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện trên môi trường điện tử; giá trị pháp lý của việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; rà soát chuẩn hóa tên các thủ tục hành chính về đất đai, bổ sung thủ tục còn thiếu để bảo đảm công khai minh bạch thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Thứ tư, xây dựng nguyên tắc trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai bảo đảm phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, gắn với rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục. Luật Đất đai cần bổ sung quy định nguyên tắc trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai bảo đảm phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc.

Thứ năm, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục khi thực hiện các giao dịch đất đai trên môi trường điện tử, bảo đảm yêu cầu phát triến kinh tế-xã hội và việc thực hiện quyền của người sử dụng đất được thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường gắn với tuyên truyền các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; chủ động thực hiện chuyển đổi số gắn với các mục tiêu nhiệm vụ chính trị của ngành tài nguyên và môi trường.

Hiện 63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, trong đó có 237 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 33,6%) thuộc 63 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành, 117 huyện thuộc 32 tỉnh, thành phố đã đưa vào quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng có hiệu quả trong quản lý đất đai. Một số địa phương đã xây dựng và vận hành hệ thống thông tin đất đai như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Long...