Chuyển đổi số hiệu quả với lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục lọt vào nhóm bộ, ngành dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đối số. Cơ quan này luôn đi đầu trong việc tham gia, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn người lao động cài đặt VssID (Ảnh: VSS)
Hướng dẫn người lao động cài đặt VssID (Ảnh: VSS)

Nỗ lực vào nhóm bộ, ngành dẫn đầu về chuyển đổi số

Ngày 10/8, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị chuyển đổi số quý II năm 2022.

Chuyển đổi số hiệu quả với lĩnh vực bảo hiểm xã hội ảnh 1

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VSS).

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số - đánh giá, công tác chuyển đổi số của ngành đang đi đúng hướng. Điều này được thể hiện qua việc ngành bảo hiểm xã hội liên tục được đánh giá là một trong những bộ, ngành dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đứng thứ ba trong Bảng xếp hạng và đứng đầu trong khối cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ. Trong xếp hạng Chuyển đổi số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiều chỉ số chính đạt thứ hạng cao. Đó là: Nhân lực số xếp thứ 1, Hoạt động chuyển đổi số xếp hạng thứ 2 và Nhận thức số xếp hạng thứ 3
(Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh)

Với kết quả này, đồng chí Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chịu khó nắm bắt những vấn đề mới, làm tốt, triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ. Đặc biệt, cơ quan này luôn đi đầu trong tham gia, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành. Trong đó, nổi bật là việc triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Các nhiệm vụ luôn được ngành thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hoàn thành trước thời hạn.

Tuy nhiên, chuyển đổi số là một công tác mới, phức tạp, đòi hỏi ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam phải tiếp tục nắm bắt kịp thời xu thế, liên tục đổi mới, quyết liệt thực hiện trong toàn hệ thống mới có thể thành công.

Xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm

Kết quả công tác chuyển đổi số 7 tháng đầu năm cho thấy, về xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ, bổ sung các trường thông tin.

Triển khai ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số, đến thời điểm 31/7/2022, cả nước đã có hơn 26,3 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID). Trong đó, có 737.807 người với 1.354.110 lượt sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Đến cuối tháng 7, 16 đơn vị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng đề án chuyển đổi số. Về cơ bản, đề án của các đơn vị đã đáp ứng yêu cầu. Nội dung đã có cơ sở pháp lý, đánh giá hiện trạng, nhiệm vụ, giải pháp và dự kiến sản phẩm đạt được.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa triển khai tích hợp tiện ích trên ứng dụng VNEID của Bộ Công an để thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy khi đi khám chữa bệnh, tương tự như ứng dụng VssID. Đồng thời, triển khai thành công dịch vụ công giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình khi gia hạn tham gia, dịch vụ công chi trả trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng phối hợp các bộ, ngành liên quan để thống nhất quy trình triển khai 2 dịch vụ công liên thông. Đó là: “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi”; “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí”.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu, các đơn vị nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, đặc biệt là triển khai các dự án. Cần đánh giá, phân loại, xem dự án nào cần ưu tiên làm trước, bảo đảm hiệu quả, không dàn trải, bám sát tình hình, đòi hỏi thực tế của ngành. Các đơn vị liên quan tiếp tục truyền thông, nêu bật những cố gắng, sự quyết liệt, kết quả đã đạt được về bảo hiểm xã hội trong lĩnh vực chuyển đổi số. Qua đó, thấy rõ quyết tâm của toàn hệ thống trong nỗ lực chuyển đổi số để phục vụ, người dân, người tham gia thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày một tốt hơn.

Đến ngày 31/7/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội trên toàn quốc đạt gần 16,9 triệu, chiếm khoảng 34,1% lực lượng lao động.

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt hơn 15,2 triệu người, tăng 451.024 người so với cuối năm 2021. Hiện có hơn 91,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 87,6% dân số.

Về giải quyết chế độ-chính sách, 7 tháng đầu năm, số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là 7.622.562 lượt người, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể: Giải quyết chế độ ốm đau cho hơn 6 triệu lượt người; thai sản cho gần 688 nghìn lượt người; chi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hơn 78,2 triệu lượt người.