Khắc phục kịp thời các phản ánh, kiến nghị về VssID

Trong quá trình triển khai ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số, người dân có phản ánh về thông tin trên ứng dụng chưa chính xác. Đồng thời, ý kiến của người dân về vấn đề này cũng chưa được xử lý, phản hồi đầy đủ, kịp thời. Do vậy, bảo hiểm xã hội các địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai các giải pháp khắc phục vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Khắc phục kịp thời các phản ánh, kiến nghị về VssID

Ngày 8/8, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 2149/BHXH-CNTT gửi các đơn vị trực thuộc, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân về thông tin trên ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số.

Theo đó, VssID-Bảo hiểm xã hội số là ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng thiết bị di động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được Tổng Giám đốc ban hành chính thức tại Quyết định số 2203/QĐ-BHXH ngày 3/8/2022.

Hiện nay, ứng dụng VssID đang cung cấp các thông tin đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Người tham gia bảo hiểm y tế có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Với việc triển khai ứng dụng VssID, toàn ngành đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Đến nay, toàn quốc đã có hơn 26,3 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan bảo hiểm xã hội được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID).
Trong đó, có 737.807 người với 1.354.110 lượt sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Hơn 2 triệu lượt hồ sơ giao dịch điện tử được gửi từ ứng dụng VssID.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ứng dụng VssID, vẫn còn có phản ánh của người dân về việc thông tin trên ứng dụng VssID chưa chính xác. Cụ thể như: quá trình tham gia chưa đầy đủ, thông tin lịch sử khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa chính xác....

Khi người dân phản ánh đến cơ quan bảo hiểm xã hội (qua Tổng đài điện thoại/đường dây nóng, Fanpage trên Facebook, Zalo Official Account trên Zalo, Hệ thống Cổng thông tin điện tử hay trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính) còn chưa được xử lý, phải hồi đầy đủ, kịp thời, dẫn tới bức xúc, không hài lòng cho người dân.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là bảo hiểm xã hội tỉnh) nghiêm túc triển khai một số nội dung sau.

Thứ nhất, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, bảo hiểm xã hội các tỉnh khi tiếp nhận các phản ánh của người dân về thông tin trên ứng dụng VssID chưa chính xác. Thực hiện kiểm tra ngay thông tin do người dân phản ánh trên các phần mềm nghiệp vụ, phối hợp đơn vị quản lý người tham gia để xác minh thông tin; điều chỉnh, xử lý ngay đối với các thông tin sai lệch (nếu đã được xác minh chính xác). Chậm nhất sau 1 giờ làm việc phải trả lời người dân. Trường hợp phức tạp thì phải hẹn thời gian trả lời và chủ động liên hệ lại với người dân.

Trường hợp sau khi đối chiếu, xác minh thông tin mà phát hiện có dấu hiệu trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì thực hiện (hoặc phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện) thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định.

Thứ hai, Ban Quản lý Thu-Sổ, Thẻ; Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế: Cử cán bộ đầu mối, thường trực phối hợp Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng giải đáp nhanh các vấn đề liên quan đến thông tin người tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thứ ba, bảo hiểm xã hội các tỉnh: Yêu cầu cán bộ thu, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, giám định bảo hiểm y tế,... Thực hiện rà soát trên các phần mềm được giao theo dõi, quản lý nhằm bảo đảm việc quản lý thông tin người tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được thực hiện theo đúng quy trình do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định. Tránh việc thiếu quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (do chưa chốt sổ và cộng nối thời gian tham gia ở các đơn vị cũ về đơn vị tham gia hiện tại của người lao động), thiếu thông tin thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, lịch sử khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc thông tin chưa chính xác.

Thứ tư, đối với các trường hợp đã xác minh thông tin người dân phản ánh là chính xác, nhưng bảo hiểm xã hội tỉnh không thể điều chỉnh trên hệ thống phần mềm nghiệp vụ, đề nghị liên hệ về Bảo hiểm xã hội Việt Nam (qua Trung tâm Công nghệ thông tin) để được phối hợp, giải quyết.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh quán triệt đội ngũ công chức, viên chức và lao động hợp đồng của đơn vị nghiêm túc triển khai. Các cán bộ tuyệt đối không đùn đẩy trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân.