Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã

NDO - Sáng 23/9, phát biểu ý kiến khai mạc Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta có mặt ở đây hôm nay để truyền tải thông điệp của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể (nòng cốt là các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã) là thành phần kinh tế quan trọng. 
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Sáng 23/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề: Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; điểm cầu trực tuyến các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022.

Phát biểu ý kiến khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta có mặt ở đây hôm nay để truyền tải thông điệp của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể (nòng cốt là các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã) là thành phần kinh tế quan trọng. Tinh thần đổi mới bao gồm thay đổi tư duy nhận thức và hành động để thay đổi phương thức hoạt động, quản lý sự thay đổi gắn với chuyển đổi số để tạo ra những giá trị mới, chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực.

Như các quý vị đều biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phù hợp với phẩm chất, năng lực con người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo.

Tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trở thành đòi hòi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.

Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất.

Phát triển khu vực kinh tế tập thể luôn được Đảng, Nhà nước và cả các đối tác phát triển quan tâm. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ quan điểm: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu.

Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế mà một trong những nguyên nhân là chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể.

Chính vì vậy, kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược.

Trên tinh thần đó, Diễn đàn này với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW” để cùng nhau đánh giá những kết quả đạt được trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nói riêng; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, tạo động lực cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững, gắn với việc cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian thì ngắn, các vấn đề thảo luận thì lớn, ý kiến phát biểu thì nhiều. Do vậy, để bảo đảm hiệu quả, đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đủ ý, nêu trực tiếp vấn đề một cách thẳng thắn, chân thành, cởi mở, xây dựng với tinh thần “quyết tâm chuyển đổi số, quyết tâm đổi mới, quyết tâm thay đổi gắn với hiệu quả” mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Thủ tướng gợi mở một số nội dung thảo luận sau:

Thứ nhất là phân tích cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã nói riêng;

Thứ hai là những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và đề xuất giải pháp (đặc biệt là giải pháp thể chế, chính sách) và các giải pháp cụ thể, gắn với từng bộ, ngành cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số tại khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã;

Thứ ba là đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương trao đổi, chia sẻ và giải đáp các đề xuất với tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, hợp tác xã và người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, sau Diễn đàn hôm nay, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Văn phòng Chính phủ ra thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa được những giải pháp đã được thống nhất ngày hôm nay và thực hiện các nhiệm vụ phát triển hợp tác xã gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã ảnh 3
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo báo cáo.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng lưu ý một số quan điểm chính: quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Phải đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác; xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Chuyển đổi số nhằm chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực đòi hỏi sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, các hợp tác xã và người dân. Xây dựng chiến lược phải có tổng thể, tầm nhìn xa, trông rộng, đầu tư phải phân kỳ, trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh xây dựng các hệ thống thông tin và các nền tảng số phục vụ cho chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã, sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, có tính kết nối, liên thông cao.

Phải đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác; xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, thay đổi nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong bối cảnh nền kinh tế số, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và nhân tố cốt lõi gắn với đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của mô hình kinh tế này.

Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về hợp tác xã, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; tập trung xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho hợp tác xã về thông tin thị trường, khoa học công nghệ; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế...

Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững. Các bộ, ngành, địa phương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các quy định còn bất cập, cản trở phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật hợp tác xã năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt nội dung chuyển đổi số phải là một nội dung cốt lõi, làm nền tảng; thể chế hóa Nghị quyết 20 về nội dung chính sách đặc thù cho khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong bối cảnh nền kinh tế số.

Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, các quy định cho việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản bằng công nghệ số để bảo vệ nhà đầu tư chân chính cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ba là, có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho khu vực kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ như xây dựng các chương trình, đề án, dự án chuyển đổi số để hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và đội ngũ tư vấn giúp các hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số.

Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó: có các cơ chế đặc thù cho hợp tác xã; xây dựng và phát triển một số nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung và bước đầu miễn phí; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã về chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng số cho thành viên và người lao động trong hợp tác xã; phát triển hệ thống các sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm áp dụng công nghệ hiện đại từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu.

Trong dài hạn, ngay khi Luật hợp tác xã năm 2012 được sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc và bảo đảm nguồn lực để thực hiện Chương trình. Yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hướng dẫn các tổ chức kinh tế tập thể có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, đề ra định hướng, triển khai cơ chế chính sách tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển tại địa phương. Xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, phù hợp, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số. Lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện ở địa phương để thúc đẩy chuyển đổi số hợp tác xã một cách hiệu quả nhất.

Hợp tác xã với tư cách là các tổ chức kinh tế tự chủ, phải chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước gắn với Tăng cường năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch, chủ động, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới; nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số phù hợp; tăng cường học hỏi kinh nghiệm quý, bài học hay, mô hình chuyển đổi số hiệu quả.

Hệ thống liên minh hợp tác xã cần tiếp tục đổi mới hoạt động, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể. Bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của hợp tác xã để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền.

Về thúc đẩy chuyển đổi số trong các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã các cấp phải vào cuộc sâu hơn, khảo sát và tư vấn phương án chuyển đổi số phù hợp cho các hợp tác xã; hướng dẫn các thủ tục để giúp các hợp tác xã tăng khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tăng cường truyền thông chính sách tốt hơn nữa. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thực hiện nhiệm vụ liên quan kinh tế hợp tác, hợp tác xã, nhất là trong chuyển đổi số.

* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1.342 hợp tác xã trồng trọt, 74 hợp tác xã chăn nuôi, 74 hợp tác xã thủy sản, 4 hợp tác xã diêm nghiệp, 223 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp. Các hợp tác xã tập trung áp dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực như kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản (1.490 hợp tác xã, chiếm 78,4%); áp dụng công nghệ tự động hóa (151 hợp tác xã, chiếm 12,5%); áp dụng công nghệ sinh học (60 hợp tác xã, chiếm 7,1%); ứng dụng công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp (16 hợp tác xã, chiếm 1%)… Trong tổng số 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 240 hợp tác xã ứng dụng phần mềm quản lý.

Trong số 17.777 hợp tác xã nông nghiệp có 21% hợp tác xã lập kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử; 23% hợp tác xã bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; 21% hợp tác xã tạo một website đơn giản; 7% hợp tác xã có website được xuất hiện hàng đầu trong kết quả tìm kiếm trên Google; 14% hợp tác xã thực hiện livestream; 7% hợp tác xã thực hiện quảng cáo trên Facebook…