Kích hoạt chuyển đổi số trong hợp tác xã

NDO -

Trong bối cảnh mới, chuyển đổi số trong hợp tác xã được coi là một giải pháp tất yếu, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Hợp tác xã Công nghệ cao Huế (Thừa Thiên Huế) ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Hợp tác xã Công nghệ cao Huế (Thừa Thiên Huế) ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thời gian 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, không ít doanh nghiệp, hợp tác xã rơi vào bế tắc. Tuy nhiên bên cạnh đó, lại có những hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu và ứng dụng công nghệ tin học nên vẫn duy trì được hoạt động, không những vậy còn tiếp tục quảng bá chất lượng sản phẩm. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các hợp tác xã đã tiết kiệm được nhiều loại chi phí, giúp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

“Phép thử” độ thích ứng 

Cuối năm 2019, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường ở thôn An Lộc, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) được thành lập với vốn điều lệ 1 tỷ đồng; liên kết với Trường đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thực hiện đề tài nuôi trồng tảo xoắn Spirulina. Theo Giám đốc hợp tác xã Đỗ Biên Nhất, tảo xoắn Spirulina là một sản phẩm rất có giá trị ứng dụng trong y học, nhưng chưa nhiều người dân được tiếp cận, sử dụng bởi sản xuất loại tảo xoắn này gặp khó khăn do công nghệ phức tạp, chi phí đầu tư lớn. 

Điều này đặt ra bài toán khó cho hợp tác xã, vừa phải làm thế nào để sản xuất tảo trong điều kiện nhân tạo theo quy mô công nghiệp nhằm có được sản lượng lớn, giá hợp lý, nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Đại dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, được xem là một “phép thử”, giúp tăng khả năng ứng biến linh hoạt của hợp tác xã. Tháng 1 vừa qua, hợp tác xã đã xây dựng kịch bản ứng phó trước sự khó lường của đại dịch, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành phát triển sản xuất kinh doanh và mở rộng đầu ra cho thành viên. Đi cùng với đó là thực hiện kế toán minh bạch, tạo niềm tin và có kế hoạch phát triển rõ ràng trong cả năm và từng quý, từng tháng”, ông Đỗ Biên Nhất chia sẻ.

Hiện nay, hợp tác xã Vạn Tường đang trở thành “cánh tay nối dài” để kết nối giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp, đồng thời giúp cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, sự giúp đỡ hỗ trợ của Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi đóng vai trò rất quan trọng, giúp hợp tác xã giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm đến với người tiêu dùng, các doanh nghiệp nhiều hơn.

Tương tự, hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) với quy mô toàn xã gồm 2.852 hộ thành viên và 3.566 cổ phần; đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất 170-200 ha giống lúa lai F1 theo chuỗi giá trị, lợi nhuận cao gấp 2,5-3 lần so với sản xuất lúa thương phẩm. Để nâng cao giá trị của sản phẩm từ lúa gạo, hợp tác xã đã đầu tư hệ thống dây chuyền máy chế biến bánh tráng, gạo và phát triển thương hiệu “Bánh tráng Đại lộc, Gạo an toàn Ái Nghĩa” tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 

Được UBND tỉnh chứng nhận “Gạo an toàn Ái Nghĩa đạt OCOP 3 sao”, “Bánh tráng Đại Lộc đạt OCOP 4 sao”, cả 2 sản phẩm đều được tôn vinh trong Top sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc. Đáng chú ý, các sản phẩm này hiện được bán tại các cửa hàng sạch, siêu thị mini, siêu thị BigC Đà Nẵng, BigC Thành phố Hồ Chí Minh và thị trường ngày càng được mở rộng do chất lượng tốt, bao bì mẫu mã đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. 

Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa Trương Cẩm, chính nhờ sớm chủ động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và áp dụng nông nghiệp thông minh đã giúp hợp tác xã vượt qua những tác động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giúp tăng doanh thu cho hợp tác xã và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành viên.

Chuyển đổi số: xu thế tất yếu

Như vậy có thể thấy, chuyển đổi số được xác định là một trong những hướng đi quan trọng thúc đẩy các hợp tác xã phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để các hợp tác xã có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý hiệu quả. 

Theo Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, thống kê cho thấy, trong 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%; trong đó, các hợp tác xã này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng.

Điều này khiến nhiều hợp tác xã nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan đến hệ sinh thái. Do vậy, để tháo gỡ những rào cản này, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng phát triển thị trường thì chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin được xem là giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung và các hợp tác xã nông nghiệp nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa Trương Cẩm cũng cho rằng, thực tế ở nhiều hợp tác xã hiện nay cơ sở vật chất, thiết bị còn lạc hậu, quy mô chưa lớn, chất lượng sản phẩm chưa thực sự ổn định. Hơn nữa, nhận thức của người nông dân và người tiêu dùng còn hạn chế nên việc ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số trong chuỗi giá trị sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Đánh giá về chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, đại diện Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Nam nhìn nhận: Đây là quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử và được Liên minh hợp tác xã tỉnh khuyến khích áp dụng, bước đầu bắt nhịp thị trường. Song số lượng hợp tác xã tham gia tiến trình chuyển đổi số còn ít, chưa quy củ. Nguyên nhân do nhiều đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc này. Hơn nữa, năng lực, trình độ về số hóa, công nghệ thông tin của cán bộ quản lý hợp tác xã hạn chế, hạ tầng liên quan còn lạc hậu.

Tuy nhiên, thực tế đã minh chứng hiệu quả từ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, các hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã cũng xác định ứng dụng chuyển đổi số là xu thế tất yếu để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Do vậy đại diện lãnh đạo Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ tăng cường định hướng, tư vấn và tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên hợp tác xã. Cùng với đó, lựa chọn hợp tác xã hoạt động hiệu quả, nắm bắt nhanh về công nghệ thông tin và cán bộ có năng lực, tâm huyết nhằm xây dựng mô hình điểm ứng dụng công nghệ số gắn với sản phẩm chủ lực để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.

Trong thời gian tới, Liên minh hợp tác xã Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ nhất, gắn với Năm du lịch Quốc gia Quảng Nam-2022 nhằm hướng tới xây dựng hành lang pháp lý, môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực miền Trung-Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững. Đây cũng là cơ hội để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thích ứng với quá trình chuyển đổi số, công nghệ, phương thức sản xuất kinh doanh mới và đẩy mạnh cơ hội giao thương, hợp tác, kết nối thị trường.