Chi phí hoán cải tăng cao
Tại buổi tọa đàm “Hàng hải Việt Nam-phát triển xanh và bền vững” do Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) phối hợp Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức sáng 11/5, theo đại diện lãnh đạo VIMC, chỉ số đo lượng khí thải thực tế của tàu hằng năm và sau đó phân hạng tàu từ hạng A (tốt nhất) tới hạng E (tệ nhất) sẽ không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi xanh này bởi thực trạng đội tàu biển Việt Nam đa số là tàu cũ, chỉ đạt được hạng D và E.
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc VIMC cho biết, quy định Chỉ số hiệu quả năng lượng đối với tàu hiện có (EEXI) có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 và cường độ carbon (CII) của tàu, trên thực tế, để đạt được chỉ số EEXI theo yêu cầu của Tổ chức IMO, hầu hết các tàu cũ phải giảm công suất máy chính xuống, có tàu giảm tới 50% công suất, dẫn đến việc phải giảm tốc độ tàu, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác và không tốt cho tình trạng kỹ thuật máy chính.
Nhiều tàu cũ không đáp ứng được yêu cầu CII, bắt buộc phải giảm công suất máy xuống rất thấp, tổn hại đến kỹ thuật máy và giảm sâu tốc độ tàu hoặc phải cho tàu dừng hoạt động. Còn muốn đạt được yêu cầu CII hạng C theo yêu cầu trong 3 năm liên tiếp (từ 2023 đến 2026) và những năm tiếp sau, mỗi năm phải giảm phát thải CO2 ít nhất 2%, ngoài việc trang bị thêm thiết bị, các chủ tàu còn phải thực hiện một số biện pháp hoán cải lớn về kết cấu. Hoặc chủ tàu phải đầu tư loại tàu sử dụng nhiên liệu mới thay thế nhiên liệu nặng như khí hóa lỏng (LNG, Methanol,…).
Đại biểu tham luận tại tọa đàm. |
“Các biện pháp này gần như bất khả thi với các chủ tàu Việt Nam và rất nhiều chủ tàu nhỏ của các quốc gia khác trên thế giới do việc hoán cải bị đội chi phí quá lớn và không hiệu quả trong kinh doanh”, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc VIMC đánh giá.
Nhiều tàu cũ không đáp ứng được yêu cầu giảm phát thải carbon, bắt buộc phải giảm công suất máy xuống thấp, gây tổn hại kỹ thuật máy và giảm sâu tốc độ tàu hoặc phải cho tàu dừng hoạt động. Còn muốn đạt được yêu cầu mỗi năm giảm phát thải CO2 ít nhất 2%, ngoài việc trang bị thêm thiết bị, các chủ tàu còn phải hoán cải lớn về kết cấu, hoặc đầu tư loại tàu sử dụng nhiên liệu mới (khí hóa lỏng) thay thế nhiên liệu nặng...
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc VIMC.
Trong phiên họp lần thứ 79 của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) vào tháng 12/2022, nhóm công tác của Tổ chức IMO đã thảo luận và Ủy ban tái khẳng định cam kết ưu tiên thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Chủ trương sửa đổi của Tổ chức IMO về giảm phát thải khí nhà kính từ tàu dự kiến sẽ được thảo luận xem xét trong Phiên họp lần thứ 80 của MEPC được tổ chức vào đầu tháng 7 tới đây. Việc này có thể tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến chủ tàu như chi phí nhiên liệu, chi phí trang bị lắp đặt thêm các thiết bị xử lý,…
Nguy cơ khủng hoảng năng lực vận tải biển
Theo đánh giá của Tổ chức IMO, vận tải biển chiếm khoảng 3% lượng khí thải nhà kính toàn cầu hằng năm, trong khi số lượng tàu vận tải thương mại đường biển thế giới đạt hơn 60 nghìn tàu. Như vậy, lượng khí phát thải trong ngành hàng hải rất nhỏ so với các lĩnh vực khác trên bờ, cũng cần nói thêm lượng phát thải không nhỏ do chiến sự các khu vực trên thế giới đang diễn ra.
Khi thảo luận, nghiên cứu để ban hành áp dụng các quy định mới của Công ước quốc tế, đại diện các hãng tàu đều nhận định đây là các quy định mang xu hướng an toàn, bảo vệ môi trường và luôn được sự quan tâm thảo luận, tìm được lộ trình thực hiện rõ ràng. Tuy nhiên, vận tải biển là lĩnh vực giao thương quốc tế toàn cầu, vì vậy cần được xem xét thận trọng, nhân văn, hài hòa lợi ích cho ngành vận tải trên thế giới và các khu vực khác nhau để bảo đảm giảm thiểu thiệt hại cũng như có chính sách hỗ trợ cho chủ tàu nhỏ ở khu vực các quốc gia kinh tế còn kém phát triển.
Phân tích mối liên hệ của việc đầu tư, trẻ hóa đội tàu đáp ứng các quy định nêu trên của Tổ chức IMO cần chi phí đầu tư rất cao, đại diện lãnh đạo VIMC cho rằng nếu không giải quyết hài hòa vấn đề áp dụng các quy định của Công ước quốc tế và lộ trình khả thi trẻ hóa đội tàu thế giới, sẽ tiềm ẩn nguy cơ khủng khoảng năng lực vận tải biển trên toàn cầu.
Trên cơ sở đó, VIMC kiến nghị Tổ chức IMO nghiên cứu giải pháp gia hạn thời hạn việc kiểm soát chỉ số hiệu quả năng lượng và chỉ số đo lượng khí thải carbon cho một số khu vực khác nhau. Đơn cử, các nước thuộc khối Đông Nam Á, các nước thuộc khu vực kinh tế kém phát triển cần giãn một thời hạn nhất định nào đó phù hợp để có điều kiện, lộ trình chuẩn bị nguồn lực tài chính thay thế dần các tàu không đáp ứng được yêu cầu trên, tránh nguy cơ phá sản và giảm dung tích tổng đội tàu khai thác trên toàn cầu.
Đại diện các chủ tàu nhỏ, các quốc gia nhỏ trong Tổ chức IMO bày tỏ mong muốn, cần được IMO tiếp nhận và có giải pháp phù hợp khi ban hành và thực thi các quy định của Công ước quốc tế.
Ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) dẫn chứng số liệu của Công ty môi giới hàng hải Clarksons cho thấy, tổng chi phí cho các khoản đầu tư cần thiết vào tàu container mới, sản xuất nhiên liệu thay thế và các cơ sở hạ tầng khác có thể lên đến 3.000 tỷ USD trong vài thập niên tới. Như vậy, lộ trình kiểm soát khí thải từ vận tải biển cần có giải pháp toàn cầu cho các loại tàu khác nhau và cho các khu vực trên toàn thế giới.
Ông Kitack Lim, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). |
Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, ông Kitack Lim, Tổng Thư ký Tổ chức IMO ghi nhận các ý kiến của đơn vị vận tải biển và đánh giá cao sự năng động, những bước phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải trong thời gian qua.
Theo ông Kitack Lim, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp từ lợi thế có biển dài, dân số và nền kinh tế phát triển nhanh, tăng trưởng kinh tế tốt. Ông bày tỏ niềm tin các chủ tàu, doanh nghiệp vận tải Việt Nam có thể thực hiện thành công trong công cuộc phát triển hàng hải xanh và bền vững dù nhiều khó khăn, thách thức.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp từ lợi thế có biển dài, dân số và nền kinh tế phát triển nhanh, tăng trưởng kinh tế tốt.
Ông Kitack Lim, Tổng Thư ký Tổ chức IMO
Nhấn mạnh ngành vận tải biển có liên quan chặt chẽ tới việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, theo ông Kitack Lim, IMO cũng phải nâng cao mục tiêu giảm lượng khí thải để bắt kịp xu hướng của cộng đồng quốc tế, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị vận tải, hãng tàu Việt Nam thúc đẩy toàn diện các hoạt động liên quan đến hàng hải cũng như giảm phát thải môi trường.
“Mục tiêu giảm phát thải mà IMO đặt ra là tiến tới phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Chúng ta phải cùng nhau nỗ lực để đạt được mục tiêu, thực hiện từng bước và theo từng giai đoạn", ông Kitack Lim nhấn mạnh.