Sáng kiến được Đan Mạch đề xuất và công bố bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Scotland, nhằm huy động sự ủng hộ giữa các quốc gia cho mục tiêu chung tại Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) – cơ quan hiện đang xem xét các biện pháp cắt giảm khí thải mới trước hạn chót 2023.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ COP26, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết: “Chúng tôi kêu gọi IMO hành động để đưa ra những mục tiêu đầy tham vọng nhằm hướng tới mức phát thải bằng 0 trong hoạt động vận tải biển vào năm 2050”.
“Vận tải biển trung hòa carbon là một yếu tố rất quan trọng để đạt được các mục tiêu khí hậu của chúng ta”, bà Frederiksen cho hay.
Ngoài Mỹ và Đan Mạch, 12 quốc gia khác cũng tham gia ký kết tuyên bố về lĩnh vực hàng hải, gồm Bỉ, Vương quốc Anh, Phần Lan, Pháp, Đức, Honduras, Hungary, Iceland, Quần đảo Marshall, Na Uy, Panama và Thụy Điển.
Theo tuyên bố, các quốc gia cam kết sẽ “nhóm họp tại IMO để thông qua mục tiêu trên, cũng như các mục tiêu cho năm 2030 và 2040, nhằm đưa ngành hàng hải vào lộ trình hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050. Đồng thời, các biện pháp để hiện thực hóa những mục tiêu này cũng sẽ được thảo luận và thông qua”.
IMO đặt ra các quy định về vận chuyển đường biển qua 175 quốc gia thành viên, với các quyết định được đưa ra trên cơ sở sự đồng thuận. Một mục tiêu khí hậu cứng rắn hơn sẽ cần đa số các nước thành viên đồng ý, do đó đặt ra những thách thức về chính trị. Các nước có ngành vận tải biển phát triển gồm Nhật Bản và Hy Lạp đã không ký vào bản tuyên bố.
Người phát ngôn của IMO cho biết cơ quan này sẽ tổ chức các cuộc thảo luận về những đề xuất từ các quốc gia nhằm tiến tới thông qua các biện pháp khí hậu toàn diện hơn vào năm 2023. “IMO sẽ cung cấp diễn đàn toàn cầu để các quốc gia thành viên có thể đưa các đề xuất của mình ra thảo luận”.
Năm 2018, IMO đã thông qua mục tiêu cắt giảm một nửa lượng phát thải trong vận tải biển quốc tế vào giữa thế kỷ này so với mức năm 2008. Tuy nhiên, con số này vẫn “hụt hơi” so với mục tiêu phát thải ròng CO2 bằng 0 – một mục tiêu mà các nhà khoa học cho rằng thế giới bắt buộc phải đạt được vào năm 2050 để tránh những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.
Với khoảng 90% thương mại thế giới được thực hiện thông qua vận tải biển, lĩnh vực này hiện chiếm khoảng 3% lượng phát thải CO2 toàn cầu.
Việc khử cacbon trong ngành vận tải biển sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư lớn để tăng quy mô sản xuất nhiên liệu xanh và hạ thủy các con tàu chạy bằng năng lượng sạch trong thập kỷ này. Hãng tàu container lớn nhất thế giới Maersk (Đan Mạch) dự định sẽ vận hành tàu trung hòa carbon đầu tiên vào năm 2023 bằng cách sử dụng nhiên liệu methanol xanh được sản xuất từ các nguồn tái tạo.
Một số quốc gia cũng đang thúc đẩy vấn đề này với các chính sách nghiêm ngặt hơn. Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước thành viên đang xem xét đề xuất bổ sung vận tải biển vào thị trường carbon của khối, buộc các chủ tàu phải trả phí khi họ gây ô nhiễm.
Theo những tài liệu được Reuters tiết lộ, Vương quốc Anh cũng đang nỗ lực tập hợp một nhóm các nước để đưa ra một tuyên bố tương tự về ngành hàng không tại COP26, nhằm thúc đẩy cơ quan hàng không của Liên hợp quốc đặt ra một mục tiêu giảm phát thải cứng rắn hơn.