Vụ việc điển hình nhất chính là hành trình cứu nạn 303 người quốc tịch Sri Lanka trôi dạt trên vùng biển quần đảo Trường Sa vào tháng 11/2022.
Vụ việc điển hình nhất chính là hành trình cứu nạn 303 người quốc tịch Sri Lanka trôi dạt trên vùng biển quần đảo Trường Sa vào tháng 11/2022.

Một năm dấu ấn của ngành cứu nạn hàng hải Việt Nam

NDO - “Chúng tôi có một năm cứu nạn trên biển không thể quên với những vụ đặc biệt nhất từ trước đến nay, cứu nạn số lượng người gặp nạn nước ngoài trên vùng biển Việt Nam lớn nhất”, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Việt Nam (MRCC) Vũ Việt Hùng chia sẻ.

Chuyến đi cứu nạn thương tâm nhất trong nhiều năm qua

Các chiến sĩ cứu nạn vùng 3 ở Vũng Tàu không bao giờ quên được chuyến đi cứu nạn tàu Wu Zhou 8 vào một ngày cuối tháng 9/2022 sau khi tiếp nhận cuộc gọi điện xin cứu trợ khẩn cấp của tàu hàng chở 21 thuyền viên quốc tịch Trung Quốc đang trên hành trình chở hơn 50 nghìn tấn khoai, sắn lát từ Thái Lan sang Trung Quốc phát hiện 18 thuyền viên bị ngộ độc thực phẩm. Thuyền trưởng trong tình trạng sức khỏe nguy kịch nhất.

“Chúng tôi không loại trừ khả năng các nạn nhân bị nạn do khí độc bên trong tàu”, ông Vũ Việt Hùng, Phó Giám đốc MRCC nói.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Trung Quốc (China MRCC), nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã yêu cầu Đài thông tin duyên hải Thành phố Hồ Chí Minh kết nối tư vấn y tế và đề xuất ngay phương án đưa trực thăng cùng bác sĩ ra cấp cứu người bị nạn.

Dưới sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ Giao thông vận tải; Cục Hàng hải Việt Nam; Trung tâm đã phối hợp với China MRCC, chủ tàu, đại lý và các cơ quan liên quan triển khai toàn diện hoạt động cứu nạn thuyền viên tàu bị nạn.

Trung tâm đã phối hợp với công ty TNHH Hoyer Transport Việt Nam (công ty được chỉ định Đại lý cho tàu Wu Zhou 8 tại Việt Nam) điều động 1 máy bay trực thăng cùng đội ngũ y tế khởi hành lúc 12 giờ 15 phút ngày 30/9/2022 từ sân bay Vũng Tàu ra vị trí tàu Wu Zhou 8 sơ tán được 11 thuyền viên lên máy bay đưa về Trung tâm Y tế Quân Dân y huyện Côn Đảo.

Một năm dấu ấn của ngành cứu nạn hàng hải Việt Nam ảnh 1

Vận chuyển thi thể nạn nhân bị ngộ độc của Wu Zhou 8 sang tàu SAR.

Ngay sau đó, Trung tâm đã điều động tàu chuyên dụng tìm kiếm, cứu nạn SAR 272 xuất phát từ Vũng Tàu cùng bác sĩ Bộ đội Biên phòng đi cứu nạn khẩn cấp.

Ông Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III tại Vũng Tàu cho biết, tình huống cứu nạn như tàu Wu Zhou 8 đơn vị chưa từng gặp phải. “Chúng tôi vừa thiếu thông tin và không thể kết nối liên lạc trực tiếp với tàu bị nạn”.

Khi tàu SAR 272 tiếp cận tàu bị nạn, không có sự hỗ trợ từ thuyền viên trên tàu bị nạn và nguy cơ nhiễm độc, đe dọa đến tính mạng của lực lượng cứu nạn rất cao. Bên cạnh đó, đây là con tàu lớn có chiều dài tới 225m, gấp hơn 8 lần tàu cứu nạn SAR 272 và chiều cao mạn khô lên tới 12m, nên việc tiếp cận để lên tàu bị nạn gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi thống nhất phương án sử dụng súng bắn dây bắn qua tàu, sau đó bằng các kĩ năng hàng hải anh em sử dụng thang thoát hiểm kết nối vào dây kéo tàu. Sau khi cố định được dây kéo tàu cũng như thang vào mạn tàu Wu Zhou 8, anh em thuyền viên tàu SAR 272 đã cử một sĩ quan lên nóc tàu SAR 272, đợi khi sóng xô nhẹ vào mạn tàu Wu Zhou, 8 sĩ quan sẽ nhanh chóng nhảy qua thang và đu người lên tàu gặp nạn”, ông Phi kể.

Với Đại phó tàu SAR 272 Trần Văn Vượng, trong 15 năm gắn bó với biển khơi, vụ việc cứu nạn 21 thuyền viên tàu Wu Zhou 8 (quốc tịch Trung Quốc) nghi bị ngộ độc từ ngày 30/9-2/10/2022 khiến anh ngậm ngùi, tiếc nuối và xót xa nhất. Bởi mọi nỗ lực tiếp cận cứu nạn, cũng chỉ có thể đưa thi thể nạn nhân về đất liền.

“Tôi là một trong những người trực tiếp chỉ huy hiện trường đội cứu nạn, khi lên đến tàu sau khi làm công tác khảo sát, báo cáo và được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị và Trung tâm cho phép thuyền viên được vào để làm công tác cứu nạn. Bản thân tôi tiên phong vào, mặc dù rất nguy hiểm nhưng đó là cách để động viên khích lệ anh em tự tin, mạnh dạn hơn.

Khi lên tàu, cảnh tượng rất thương tâm. Toàn bộ thuyền viên còn lại trên tàu đều đã không qua khỏi, nhưng chúng tôi luôn nêu cao khẩu hiệu coi nạn nhân như người thân của mình, bằng mọi cách cứu nạn để đưa họ về đất liền nhanh nhất. Có thể nói trong vụ này, anh em đã làm trên 100% sức lực của mình”, anh Vượng chia sẻ.

Một năm dấu ấn của ngành cứu nạn hàng hải Việt Nam ảnh 2

Bàn giao nạn nhân cho cơ quan chức năng.

Sau khi thống nhất phương án cứu nạn, với sự quyết tâm, lòng quả cảm và sự sáng tạo của đội cứu nạn, chỉ trong vòng 4 giờ công tác tìm kiếm, lực lượng cứu nạn đã tìm kiếm và sơ tán toàn bộ 10 thi thể thuyền viên còn lại trong tàu Wu Zhou 8 sang tàu SAR 272. Sau đó, tàu SAR 272 khẩn trương chuyển hướng về Côn Đảo để tiếp nhận 3 thi thể thuyền viên trước khi hành trình về Vũng Tàu.

“Đây là chuyến cứu nạn thương tâm nhất trong hơn 2 năm qua. Đội cứu nạn tàu SAR 272 đã bị choáng, sốc sau chuyến cứu nạn thương tâm này. Chúng tôi đã hy vọng có phép màu đến với các thuyền viên nhưng mọi nỗ lực đều không thể”, ông Vũ Việt Hùng nói.

Năm đầu tiên ứng cứu số ngư dân nước ngoài lớn nhất

Theo ông Vũ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm MRCC, tình hình tai nạn và sự cố trên biển có xu hướng giảm so với năm 2021. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ báo nạn thật giảm 13,5%, thiệt hại về phương tiện giảm 17,4 %;. Tuy nhiên số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng và số người chết vẫn còn cao, do vậy số lượt điều động tàu chuyên dụng SAR tăng 23,1 %; thiệt hại về người tăng 17,4%.

Trong năm 2022, tổng số thông tin báo nạn nhận được là 288 vụ việc, trong đó, báo nạn xác định 230 vụ, chiếm 79,9%. Số lần điều động phương tiện chuyên dụng của Trung tâm là 48 lượt.

Các vụ việc tìm kiếm cứu nạn xảy ra đối với tàu cá chiếm 74,8%; đối với tàu hàng chiếm 20,9% vụ việc loại khác chiếm 4,3% tổng số các vụ việc. Tổng số người được cứu và hỗ trợ là 1.213 người (trong đó Trung tâm đã cứu, hỗ trợ trực tiếp là 394 người).

Trong năm 2022, công tác phối hợp quốc tế trong hoạt động cứu nạn được các tổ chức tìm kiếm cứu nạn quốc tế đánh giá cao. Trung tâm đã thực hiện nhiều vụ việc phối hợp với các cơ quan tìm kiếm cứu nạn nước ngoài cứu nạn người Việt Nam bị nạn trên vùng biển quốc tế và trực tiếp cứu và hỗ trợ 325 người nước ngoài bị nạn trên vùng biển Việt Nam.

Vụ việc điển hình nhất chính là hành trình cứu nạn 303 người quốc tịch Sri Lanka trôi dạt trên vùng biển quần đảo Trường Sa vào tháng 11/2022.

Ngày 7/11/2022, tàu đánh cá LADY R3, treo cờ Myanmar, chở 303 công dân quốc tịch Sri Lanka từ Myanmar đến Canada, đến vị trí cách mũi Vũng Tàu khoảng 258 hải lý về phía Đông Nam, thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì gặp sự cố nước tràn vào buồng máy.

Một năm dấu ấn của ngành cứu nạn hàng hải Việt Nam ảnh 3

Tàu đánh cá LADY R3, treo cờ Myanmar, chở 303 công dân quốc tịch Sri Lanka từ Myanmar đến Canada bị gặp nạn.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Sri Lanka, Trung tâm đã yêu cầu Đài Thông tin duyên hải Hồ Chí Minh phát thông báo hàng hải khẩn cấp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cứu nạn quốc tế của các nước Sri Lanka, Singapore, Malaysia để xác minh thông tin, lập phương án phối hợp cứu nạn và kêu gọi các tàu thuyền quốc tế hoạt động trong khu vực trợ giúp khẩn cấp.

Nhận thấy quy mô và tính chất phức tạp của vụ việc, Trung tâm đã báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, đề xuất chỉ đạo các lực lượng liên quan như Hải Quân vùng II, Cảnh sát biển vùng 3, chính quyền địa phương khẩn trương huy động phương tiện tham gia cứu nạn.

Lúc 15 giờ 5 phút ngày 7/11/2022, Trung tâm đã phát hiện tàu Helios Leader (Quốc tịch; Nhật Bản, số hiệu: 7JFI) đang hành trình tại khu vực lân cận và yêu cầu tàu chuyển hướng hành trình khẩn cấp đi cứu nạn tàu Lady R3.

Đến 15 giờ 40 phút cùng ngày, tàu Helios Leader đã tiếp cận tàu bị nạn, phát hiện tàu đang thả trôi với rất nhiều người hoảng loạn, dồn về trên boong tàu.

Dưới sự hướng dẫn của Trung tâm, tàu Helios Leader đã tiến hành các biện pháp an toàn cần thiết, đón người bị nạn sang tàu, tiến hành chăm sóc, sơ cứu ban đầu, sau đó đưa toàn bộ 303 người (gồm 264 nam, 19 nữ, 20 trẻ em) về Vũng Tàu.

Tại Vũng Tàu, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan liên quan, điều động tàu SAR 413 tiến hành 2 lượt hành trình, hỗ trợ toàn bộ 303 công dân Sri Lanka từ tàu Helios Leader về cảng Vietsovpetro (Vũng Tàu) bàn giao cho các cơ quan chức năng.

Một năm dấu ấn của ngành cứu nạn hàng hải Việt Nam ảnh 4

Trung tâm đang tiến hành bàn giao 303 nạn nhân cho cơ quan chức năng.

Trong năm qua, Trung tâm cũng đã ứng cứu 9 thuyền viên, tìm thấy 4 thi thể do tai nạn tàu Vandon ACE (thuộc công ty TNHH vận tải biển Hồng Gai có 19 thuyền viên). Tàu trên đường hành trình chở 5.800 m3 gỗ từ cảng Rabaul – Papua New Guinea về Cần Thơ, gặp thời tiết xấu (thời tiết khu vực có gió cấp 6-7, sóng cao 4-5 mét) đã bị hỏng máy, tàu nghiêng 15 độ. Chỉ sau 4 tiếng, tàu bị nước tràn vào, thuyền viên buộc phải bỏ tàu, trôi dạt trên biển. Đến nay vẫn còn 6 thuyền viên mất tích không thể tìm thấy.

Trên đây là 2 vụ việc phức tạp, chưa có tiền lệ xảy ra trên vùng biển Việt Nam về cả quy mô và tính chất.

Ngoài 2 vụ việc nói trên, còn rất nhiều vụ việc cũng có tính chất khó khăn khác như: Huy động tàu hàng Mathilde Maersk, quốc tịch Đan Mạch, trọng tải hơn 2 vạn tấn kịp thời cứu nạn 18 thuyền viên của tàu Narumoto Maru rời tàu, trôi dạt trên phao bè tại vùng biển Bình Thuận ngày 1/12/2021; Cứu nạn 5 thuyền viên tàu cá BTh 99458 TS bị chìm trên vùng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 3/3/2022..., trong quá trình thực hiện các vụ việc này, nhờ có ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin được viện trợ như SAROPS, Seavision, có sự trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ, liên tục giữa Trung tâm với các lực lượng nước ngoài liên quan, Trung tâm đã triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả và được sự ghi nhận của cơ quan các cấp.

Chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh cứu nạn trên biển

Theo ông Vũ Việt Hùng, một tin vui đến với lực lượng cứu nạn đúng dịp cuối năm 2022, đó là sự kiện đặt ky và đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng có chiều dài 62m, chịu được gió cấp 9, cấp 10, hoạt động được trong điều kiện thời tiết xấu.

Tàu có đầy đủ thiết bị cứu nạn chuyên dụng, có khả năng đi biển được 3.000 hải lý, hoạt động trên biển dài ngày. “Tàu có thể lênh đênh 2-3 tuần trên biển, giải quyết nhiều chuyến đi cứu nạn dài ngày. Đây là một tin rất vui và chúng tôi đã mong có được một chiếc tàu cứu nạn hiện đại để làm tốt hơn nữa công tác cứu nạn dài ngày trên biển”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, anh em ngành cứu nạn vẫn còn đó nhiều tâm tư. Mức thu nhập hiện nay của các chiến sĩ cứu nạn thấp hơn nhiều so với mặt bằng lương của thuyền viên làm việc trên tàu biển. Anh em thuyền viên vẫn cố gắng trang trải cuộc sống, nhưng nếu sắp tới Nhà nước cải cách chính sách tiền lương, không còn cơ chế đặc thù như hiện tại, thu nhập giảm nhiều thì không biết anh em còn nhiệt huyết nữa hay không.

Một năm dấu ấn của ngành cứu nạn hàng hải Việt Nam ảnh 5

Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang và lãnh đạo MRCC hỏi thăm thuyền viên được cứu kịp thời từ tàu Vân Đồn ACE.

Ngoài ra , Trung tâm cũng mong muốn Cục Hàng hải Việt Nam trình cấp thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ định mức chi thường xuyên đối với các nhiệm vụ mang tính đặc thù trên cơ sở các định mức kinh tế-kỹ thuật hiện hành hoặc cho phép kéo dài mức chi thường xuyên đối với các nhiệm vụ mang tính đặc thù trong giai đoạn 2023-2025 như đã được Thủ tướng cho phép tại các văn bản số 848/TTg-KTTH ngày 4/7/2020 và 302/TTg-KTTH ngày 7/4/2022.

Để bảo đảm tính sẵn sàng trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải, đặc biệt đối với kế hoạch chi ngân sách năm 2023, Trung tâm cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét, ưu tiên bố trí các nguồn kinh phí phục vụ đóng mới, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các tàu tìm kiếm cứu nạn và cơ sở hậu cần của Trung tâm.

back to top