Chuyển đổi năng lượng điện xanh và sạch

Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Vì thế, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng. Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp bảo đảm một nền kinh tế bền vững.

0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy điện gió Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. (Ảnh Nguyệt Nhi)
Nhà máy điện gió Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. (Ảnh Nguyệt Nhi)

Sự gia tăng các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm bảo đảm nguồn điện đáng tin cậy. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân 9,6%/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52% ở kịch bản cơ sở và 9,36% ở kịch bản cao.

Tăng trưởng nóng về năng lượng điện

Tính đến hết năm 2021, công suất hệ thống điện của Việt Nam đã đạt khoảng 76.620MW; trong đó, thủy điện đạt 22.111MW, nhiệt điện than 25.397MW, nhiệt điện khí 7.398MW, công suất điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 21.100MW. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đủ đáp ứng cho nhu cầu kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển, trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.

Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kW giờ, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Hiện tại, điện than vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu điện của Việt Nam với tỷ trọng lên đến 1/3 tổng sản lượng điện.

Để đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ trọng nhiệt điện than xuống còn khoảng 9,5%, đồng thời thúc đẩy năng lượng điện tái tạo đạt tỷ lệ 32% vào năm 2045. Các nguồn điện carbon thấp được khuyến khích phát triển để giảm phát thải carbon và hỗ trợ cho điện tái tạo.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Hiện nay, Việt Nam đồng thời phải thực hiện giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn về bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện giảm tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.

Điểm yếu của chúng ta là năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế thiết bị; hành lang pháp lý tạo đà cho sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng mới và tái tạo chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ; tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ; thị trường năng lượng cạnh tranh mới ở giai đoạn đầu, chưa đồng bộ…

TS Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng (Bộ Công thương) đánh giá, xu thế chính thời gian tới là sử dụng hiệu quả năng lượng; giảm mạnh sử dụng than và sản phẩm dầu mỏ. Bên cạnh đó, tăng sử dụng khí trong công nghiệp; tăng mạnh sử dụng nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải, nhiên liệu sinh khối trong phát điện và công nghiệp; tăng mạnh năng lượng gió và mặt trời, có tỷ trọng rất cao trong tổng năng lượng sơ cấp.

Ngoài ra có sự tham gia của năng lượng có nguồn gốc hydro từ sau năm 2040. Về cung cấp năng lượng sơ cấp, tại Báo cáo triển vọng năng lượng năm 2021, mức cung năng lượng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gần gấp bốn lần vào năm 2050. Năng lượng gió, mặt trời và thủy điện chiếm khoảng 75% nguồn cung năm 2050, than sẽ bị loại bỏ vào năm 2050… Theo ông Hưng, các khuôn khổ pháp lý được thiết lập vững chắc sẽ là nền tảng để thúc đẩy công nghệ cùng các giải pháp góp phần chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam thành công.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh, tổng đầu tư yêu cầu cho ngành điện từ nay đến năm 2030 dự kiến là 12,9 tỷ USD/năm (chưa kể chi phí cho chuyển đổi năng lượng), trong đó 75% cho nguồn và 25% cho lưới điện. Việc tăng trưởng nhanh chóng nguồn đã gây ra những thách thức cho công tác vận hành hệ thống lưới và giải pháp của EVN để vừa bảo đảm mục tiêu chuyển đổi năng lượng, đồng thời cung cấp đủ điện cho nền kinh tế.

Để chuyển đổi năng lượng thành công, công nghệ và tài chính rất quan trọng. Đối với công nghệ hydrogen hay amoniac, thời gian tới, chúng ta phải có giải pháp để hạ giá thành công nghệ. Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (EVNNLDC) cho biết, một số thách thức hiện nay là tắc nghẽn đường dây truyền tải, quá tải với đường dây 220kV, 110kV ở miền trung và nghẽn mạch ở đường dây truyền tải 500kV bắc-nam. 220 nhà máy điện năng lượng tái tạo chưa được huy động hết do tắc nghẽn cục bộ.

Tỷ lệ thâm nhập năng lượng tái tạo tại khu vực miền trung và miền nam tương đối cao cho nên vào các buổi trưa, máy phát sẽ vượt quá nhu cầu phụ tải, gây quá tải cho đường dây 500kV. Thách thức về vận hành hệ thống điện đã tác động đến quy hoạch thị trường điện, trong đó khó dự báo khả năng tái tạo trong quy hoạch dài hạn.

Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững

Hiện Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với các định hướng chiến lược theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như các cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 2157/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng thời giao tám nhóm nhiệm vụ để triển khai sâu rộng, quyết liệt.

Theo TS Nguyễn Ngọc Hưng, những quyết tâm chuyển đổi ngành năng lượng và mô hình sử dụng năng lượng của nền kinh tế cần đáp ứng các cam kết quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn; thu hút mối quan tâm đầu tư vào thị trường năng lượng và khả năng tiếp cận công nghệ, nguồn vốn trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, tham gia chuỗi giá trị năng lượng toàn cầu.

Chuyển đổi năng lượng điện xanh và sạch -0 Công nhân Điện mặt trời áp mái tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống (Hà Nội). (Ảnh QUỐC TUẤN)

Đề xuất về các trụ cột đối với chuyển dịch năng lượng, ông Nguyễn Ngọc Hưng nhấn mạnh, phát triển năng lượng tái tạo phải bao gồm: năng lượng mặt trời (điện mặt trời mặt đất, mái nhà, lòng hồ; nước nóng năng lượng mặt trời); năng lượng gió (điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi); nhiên liệu sinh học (sinh khối rắn, nhiên liệu sinh học lỏng); năng lượng tái tạo khác: nhiên liệu hydro và nhiên liệu dựa trên hydro (amoniac, nhiên liệu tổng hợp...). Đặc biệt, cần thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon ở các cơ sở công nghiệp, nhà máy điện, khí hóa than...

Trong khi đó, TS Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đề xuất, hiện nay tỷ lệ huy động nguồn điện năng lượng tái tạo lên lưới còn thấp do quy mô lưới truyền tải hạn chế, cho nên phải xây dựng hệ thống lưu trữ điện năng nhằm tích trữ năng lượng vào thời điểm nhu cầu phụ tải thấp và phát lên hệ thống khi nhu cầu phụ tải cao.

Với vai trò là cơ quan quản lý ngành năng lượng, những năm qua, Bộ Công thương đã tham mưu, tư vấn xây dựng cơ chế chính sách về phát triển năng lượng, điện lực trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, đồng thời chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp ở lĩnh vực năng lượng bảo đảm năng lượng nói chung và điện năng nói riêng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bộ Công thương đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình kế hoạch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm hiệu quả; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Hoàng Tiến Dũng khẳng định, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh, sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp bảo đảm một nền kinh tế bền vững.

Đến nay, chúng ta đã đạt được kết quả nhất định trong việc gia tăng tỷ lệ nguồn điện tái tạo trong cơ cấu công suất hệ thống điện, đồng thời có kế hoạch phát triển các nguồn điện ít phát thải hơn và chuyển đổi nhiên liệu trong thời gian tới theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm mạnh sử dụng các nguyên liệu hóa thạch không tái tạo như than và sản phẩm dầu mỏ.