Đình Tú Thị nằm yên bình ngay đầu con phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Đình Tú Thị nằm yên bình ngay đầu con phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

“Chuyện Đình trong phố” - không gian xưa và nay

NDO - Nhằm góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và những nét đẹp truyền thống của khu phố cổ Hà Nội, Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm đã mang đến cho du khách triển lãm “Chuyện Đình trong phố”.

Triển lãm “Chuyện Đình trong phố” được tổ chức tại đình Hà Vĩ và đình Tú Thị (thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) với các hoạt động trưng bày, tương tác trong không gian đình, kể những câu chuyện về sự độc đáo của những nghề truyền thống như sơn ta, thêu tay, múa rối nước,...

Phường Hàng Gai là một trong 10 phường thuộc phố cổ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), có nhiều di tích tích lịch sử, văn hóa và di tích cách mạng - kháng chiến đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long xưa và nay.

“Chuyện Đình trong phố” - không gian xưa và nay ảnh 1
Đình Tú Thị nằm yên bình trong phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Tại đình Tú Thị, Ban tổ chức trưng bày các tác phẩm tranh lụa kết hợp kỹ thuật thêu tay của nghệ nhân tại khu giếng trời. Đồng thời, tại đây cũng trưng bày một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các thương hiệu nổi tiếng trên phố Hàng Gai.

Đình Tú Thị là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là nơi thờ ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606-1661), người có nhiều công lao trong việc sáng tạo và phát triển nghề thêu ở nước ta. Ông là người làng Quất Động, huyện Thường Tín, có công trong việc sáng tạo và phát triển nghề thêu của Việt Nam.

“Chuyện Đình trong phố” - không gian xưa và nay ảnh 2
Những tác phẩm mang màu sắc trẻ trung nhưng vẫn gắn với nét văn hóa lịch sử.

Những người thợ thủ công làng Quất Động đã di cư vào Thăng Long và đến định cư tại làng Yên Thái xưa để lập nghiệp với nghề thêu cổ truyền do tổ tiên để lại. Tại đây, người ta đã xây dựng ngôi đình để thờ ông tổ nghề thêu - Lê Công Hành vào năm 1891.

Trong thời gian rất ngắn, không gian triển lãm với nhiều tác phẩm mới mẻ đã được tổ chức, hoàn thiện và đưa đến khán giả.

“Chuyện Đình trong phố” - không gian xưa và nay ảnh 3

Nét giản đơn mà thanh lịch trong những sản phẩm thêu được trưng bày.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ trong ngày khai mạc sự kiện, triển lãm là cơ hội để kết nối cộng đồng người dân với du khách, góp phần thực hiện tốt Đề án số 19 của Quận ủy về “Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, mở rộng hợp tác quốc tế giai đoạn 2020-2025".

Hoạt động trưng bày triển lãm các sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo sẽ tạo nên câu chuyện phố nghề của Hà Nội 36 phố phường.

“Chuyện Đình trong phố” - không gian xưa và nay ảnh 4

Chị Trần Thị Hội, sinh viên khoa Hội họa, chuyên ngành Lụa, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, tác giả của sản phẩm triển lãm tại đình Tú Thị.

Còn tại đình Hà Vĩ, triển lãm mang đến những câu chuyện của nghề sơn ta, trưng bày những sản phẩm sơn mài mỹ nghệ, các tác phẩm hội họa tranh sơn mài của các họa sĩ trẻ kết hợp với hệ thống đèn chiếu.

Đình Hà Vĩ nằm tại số 11 phố Hàng Hòm, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư (1470-1540), người làng Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Ngôi đình được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 19 do những người dân làng Hà Vĩ, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông có nghề cổ truyền làm sơn di cư ra Hà Nội đến lập nghiệp ở phố Hàng Hòm. Đình đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố.

“Chuyện Đình trong phố” - không gian xưa và nay ảnh 5

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch phường Hàng Gai đón tiếp các vị khách tới thăm không gian đình Hà Vĩ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, cho biết: "Với các sự kiện về văn hóa nói chung và đặc biệt là với chương trình triển lãm tại hai đình lần này, chúng tôi đã đẩy mạnh thông tin tới người dân, truyền thông trên nhiều hình thức mạng xã hội, cổng thông tin điện tử...để có thể mang lại sự lan tỏa lớn nhất cho chương trình".

Là một đơn vị cấp phường, nguồn lực có hạn trong khi chương trình tổ chức hướng tới kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn, cần chỉnh chu, chuyên nghiệp nên chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức, cùng với nguồn lực xã hội hóa từ địa phương đã giúp cho chương trình được triển khai thuận lợi, bà Huyền cho biết thêm.

Là một du khách đam mê lịch sử và sự giao thoa văn hóa giữa các thế hệ, chị Ora đến từ Romania chia sẻ, những gì được chiêm ngưỡng tại triển lãm rất cảm xúc và rung động. Việc giữ gìn những gì thuộc về quá khứ, lịch sử là rất quan trọng bởi dù cuộc sống thay đổi như thế nào, chính những nét văn hóa xưa sẽ là điều định hình mỗi chúng ta.

“Chuyện Đình trong phố” - không gian xưa và nay ảnh 6
Tận mắt chiêm ngưỡng và trải nghiệm những dụng cụ, sản phẩm truyền thống là điều mới mẻ với các bạn trẻ.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là một trong các nhiệm vụ luôn được địa phương chú trọng, tập trung bảo tồn và phát huy.

Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai đã xây dựng bộ nhận diện mới về đình Hà Vĩ và đình Tú Thị với các ấn phẩm như: Logo, bản giới thiệu về các đình (song ngữ tiếng Việt/tiếng Anh) và trên bao lì xì của các đình.

“Chuyện Đình trong phố” - không gian xưa và nay ảnh 7
Các sản phẩm trưng bày tại đình Hà Vĩ.

Địa phương cũng đã nhanh chóng đổi mới, ứng dụng các hỗ trợ từ công nghệ như tạo mã QR tích hợp với website: https://www.hoankiem360.vn và bản đồ chỉ dẫn đến các địa điểm di tích, chuẩn hóa cách truyền đạt bằng các ngôn ngữ để tiếp cận đến cả khách du lịch quốc tế…

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm Chào mừng kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, chào mừng khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu vực phố cổ Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội công nhận “Khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội là khu du lịch cấp Thành phố.

“Chuyện Đình trong phố” - không gian xưa và nay ảnh 8
Không gian đình vừa cổ kính vừa tươi mới với những gam màu sắc của những tác phẩm trưng bày.

Đồng thời, địa phương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động Lễ hội tại các di tích, qua đó thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, góp phần quan trọng làm nên bản sắc Thăng Long - Hà Nội.

“Chuyện Đình trong phố” - không gian xưa và nay ảnh 9
Những giá trị văn hóa xưa được thể hiện theo những cách thức mới, thu hút các thế hệ nối tiếp trong việc tiếp cận và thấu hiểu những nét văn hóa, lịch sử.

Triển lãm “Chuyện Đình trong phố” hy vọng sẽ góp phần tăng cường quảng bá và giới thiệu thêm về các sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo, góp phần tạo dựng nên câu chuyện phố nghề của Hà Nội 36 Phố Phường.

Bên cạnh đó, chương trình hướng đến kết nối hơn nữa với cộng đồng người dân và du khách, góp phần dần hình thành một bản đồ nghệ thuật đầy sức sống nơi phố cổ.

back to top