Bắt nhịp cho những giấc mơ quanh mình
Vũ Bích Hồng sinh ra và lớn lên tại 1 vùng quê nghèo tỉnh Thanh Hoá. Vì vậy, chính bản thân Hồng và những đứa trẻ nơi quê nhà có sự thấu hiểu chung, đồng thời chia sẻ những nỗi vất vả, khó khăn tương đồng trong cuộc sống. Bởi thế, Bích Hồng hiểu rằng, mặc dù rất nhiều em mang trong mình suy nghĩ độc đáo, sự sáng tạo trong học tập hay những hoạt động… nhưng để truyền tải những điều ấy tới xã hội thì không có nhiều cơ hội.
Sau khi tốt nghiệp ngành Nhân học (Anthology) Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, năm 2011 - Bích Hồng có cơ hội tham gia dự án “ForestClim” với vai trò là Giám đốc sáng tạo, một dự án về bảo tồn và phát triển Hệ sinh thái Rừng của Liên minh châu Âu. Đây chính là cơ hội để Hồng “mở mang tầm mắt”, học hỏi những điều ở tầm quốc tế. Và đến năm 2013, dự án “My day - Ngày của em” đã được ra đời từ nguồn cảm hứng này.
Sau khi tốt nghiệp ngành Nhân học (Anthropology) - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, năm 2011, Bích Hồng có cơ hội tham gia dự án “ForestClim” - dự án về bảo tồn và phát triển Hệ sinh thái Rừng của châu Âu, với vai trò là Giám đốc sáng tạo. Đây chính là cơ hội để Hồng “mở mang tầm mắt”, học hỏi những điều ở tầm quốc tế.
Bích Hồng chia sẻ: “Mình may mắn được tham gia một dự án của Liên minh châu Âu và tại đây mình đã được học cách thiết kế một dự án cộng đồng. Khi đó, những câu hỏi về tầm nhìn cũng như mục tiêu, sứ mệnh cuộc đời đã được khơi gợi ra. Đó cũng chính là lúc mình ở nơi đất khách và nghĩ về quê hương Việt Nam”. Từ đây, Bích Hồng bắt tay vào thành lập “My Day - Ngày Của Em”, một dự án giáo dục phi lợi nhuận, cùng các em nhỏ “Kể chuyện qua ảnh”.
Đây là chương trình học ngoại khóa, trang bị kỹ năng chụp hình cơ bản và những kỹ năng mềm cần thiết cho trẻ em thế kỷ 21, gồm: kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, và sáng tạo cho học sinh dưới 15 tuổi khu vực nông thôn trên các tỉnh, thành Việt Nam.
Dự án sử dụng hình thức kể chuyện bằng hình ảnh (photovoice) để học sinh thể hiện bản thân mình và khám phá cuộc sống xung quanh. Việc lưu lại những câu chuyện bằng hình ảnh tạo nên một cách tiếp cận tự nhiên và thân thiện để học sinh dễ dàng tiếp cận những góc nhìn khác nhau về cuộc sống quanh mình, từ đó giúp các em tự tin cất tiếng nói, tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề của địa phương và trở thành những tác nhân thay đổi trong cộng đồng.
Bích Hồng chia sẻ, khi đó chỉ nghĩ rằng mình chưa có khả năng làm những điều lớn lao và tài chính hạn hẹp nên quyết định bắt đầu bằng những kinh nghiệm nhỏ của mình đó là truyền tải kỹ năng chụp ảnh và kể chuyện qua ảnh.
Trẻ em trong độ tuổi dự án (dưới 15 tuổi) có cái nhìn và câu chuyện rất chân thực và khác lạ, chất liệu rất gần gũi. Chụp ảnh là bộ môn các em có thể kể chuyện đời thường một cách xúc tích, dễ hiểu và tiếp nhận. Sự kết hợp giữa hai điều này có thể giúp tiếng nói của trẻ em trong cộng đồng được cất lên, giúp các em phát huy và tăng tính chủ động trong học tập và cuộc sống. Điều đó giúp các em hiểu về bản thân, có thêm niềm tin để từ đó làm điểm tựa cho các em dám thực hiện những ước mơ.
Hành trình bền bỉ đưa những câu chuyện chu du thế giới
Năm 2013 dự án lần đầu tiên thực hiện tại Thanh Hóa với 70 học sinh từ 8-15 tuổi, đã thu được gần 10.000 tấm hình, trong đó 200 tấm xuất sắc nhất được triển lãm, trưng bày gần 20 lần trong và ngoài nước.
Nhớ lại khi chương trình mới ra đời, Bích Hồng cho biết, việc từ thiện, trong đó có trao quà là hiện vật, những thứ hữu hình “cầm, nắm, chạm” được thì đã phổ biến và tiến hành không gặp nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, với những dự án giáo dục “phi vật thể”, mang tính chất khá khác biệt nên để tổ chức cũng sẽ cần thời gian để kết nối, thông qua nhiều bên, trong đó có chính quyền địa phương nơi mình tổ chức. Cùng với việc cộng đồng địa phương nơi làm dự án cũng cần thời gian tìm hiểu và thấy được lợi ích từ dự án mới triển khai nên những đề về thủ tục, giấy tờ, công tác di chuyển, tài chính…cũng xuất hiện.
Nhìn một cách tổng quan, Hồng lạc quan cho rằng, mặc dù cũng có không ít khó khăn, tuy nhiên đến thời điểm này, mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp.
Giáo sư Gebhard Schuler - Viện Phó Viện Nghiên cứu sinh thái và đại Học Trier từ Đức và là cố vấn Dự án My Day, chia sẻ: “Công việc của chúng tôi, hay là công việc của những người nghiên cứu về môi trường đều hướng tới việc chia sẻ, lan tỏa đến cộng đồng để nâng cao hiệu quả. Và ở đây, dự án My Day - Ngày của em đã mang đến một cách lan tỏa rất tuyệt vời, đó là thể hiện những ý tưởng về cuộc sống qua lăng kính của các em nhỏ”.
Với chuyên gia từ Đức này, góc nhìn từ trẻ em sẽ mang đến sự hồn nhiên, thẳng thắn và dễ hiểu nhất cho mọi người. Điều này cũng sẽ giúp cho những ý tưởng có thể được lan tỏa không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới mà không gặp phải nhiều rào cản.
Trải qua 10 năm ra đời và hoạt động, “My day - Ngày của em” đã sở hữu bộ sưu tập hàng chục nghìn tấm hình do các trẻ em chụp, miêu tả cuộc sống đời thường tại các vùng dự án đã đi qua và để lại những dấu ấn khó quên với người dân địa phương.
Đặc biệt, chương trình cũng đã có những ảnh hưởng khi tiếp tục được lựa chọn để tham dự các triển lãm quốc tế khi được lựa chọn để giới thiệu về văn hóa nông thôn Việt Nam tới cộng đồng. Thành quả sau dự án có thể sử dụng trên nhiều lĩnh vực như tư liệu địa phương, tài liệu phát triển du lịch bản địa và kể câu chuyện văn hóa vùng miền, con người và phong cảnh Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã thực hiện được nhiều cuộc triển triển lãm và trưng bày trong nước và quốc tế. Các triển lãm trải dài từ bắc tới nam, như tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Vũng Tàu, Thanh Hóa hay tại nhiều thành phố tại nước Đức, Phần Lan… Hàng nghìn tấm bưu thiếp về cảnh quan đời sống nông thôn việt nam thanh bình cũng đã được người sáng lập dự án - chị Bích Hồng trao gửi đến bạn bè khắp quốc tế trong những năm qua.
Trong suốt thời gian vận hành dự án, những câu chuyện về con người, văn hóa, phong cảnh vùng quê Việt Nam kèm theo những câu chuyện thật về con người muôn nơi được kể qua con mắt trẻ thơ đã thu hút được cảm tình của người xem. Hơn hết, trẻ em có thêm 1 sân chơi, tăng sự tự tin, biết cách làm việc đội nhóm và tự hào khi tấm ảnh của mình được chu du 4 phương. Đó sẽ là lời khích lệ và ghi nhận để các em mạnh dạn thể hiện mình trong cộng đồng và được cộng đồng trao quyền nhiều hơn.
Kết thúc cuộc trò chuyện, cô gái đầy nhiệt huyết muốn được nhắn nhủ tới cộng đồng, xã hội, tới những tấm lòng thiện rằng, công việc từ thiện là điều mình có thể làm mỗi ngày, có thể nhỏ, có thể lớn miễn sao mang đến sự tích cực cho những người xung quanh và truyền động lực cho cộng đồng để cùng nhau nhân lên, lan tỏa ra môi trường chung quanh.
“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp cùng sự đồng hành của ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize