Đời sống - Khoa học

Chuyển biến tích cực về bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 21-3-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về tăng cường quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành ở địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Toyota Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên).
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Toyota Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên).

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở tỉnh Hưng Yên đã được tăng cường. Để kiểm soát, giám sát chặt chẽ ô nhiễm môi trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định tăng cường giám sát tự động đối với các cơ sở sản xuất xả nước thải lớn (các cơ sở có phát sinh nước thải từ 100 m3/ngày đêm trở lên phải lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động); xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường của tỉnh đối với nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, yêu cầu các cơ sở xử lý nước thải đạt chất lượng cao hơn so với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đồng thời, thực hiện công tác ngăn ngừa ô nhiễm trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã từ chối tiếp nhận 38 dự án có phát sinh nước thải, khí thải lớn nằm ngoài khu công nghiệp; thẩm định chặt chẽ 261 báo cáo đánh giá tác động môi trường, yêu cầu xử lý nước thải đạt cột A của quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tỉnh cũng rà soát, lập danh sách các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt; đầu tư công trình bảo vệ môi trường, lập hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án; định kỳ đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường định kỳ, báo cáo kết quả giám sát về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên vận hành thử nghiệm Trung tâm truyền nhận dữ liệu quan trắc tự động chất thải, giám sát các nguồn xả thải, chất thải lớn trên địa bàn tỉnh; lắp đặt, vận hành 7 trạm quan trắc môi trường nước mặt và 4 trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục, cố định tại các khu vực chịu tác động của nước thải từ các hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp; lắp đặt 3 trạm quan trắc môi trường không khí chung quanh tự động, liên tục, cố định tại các khu vực chịu tác động từ khí thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp có lưu lượng khí thải lớn.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được tăng cường; đã phát hiện và xử phạt hàng trăm cơ sở sản xuất vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường... Qua đó, công tác bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực: 100% khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 90% chất thải nguy hại được xử lý, tiêu hủy, chôn lấp an toàn sau xử lý, tiêu hủy; ba khu công nghiệp đi vào hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung bảo đảm đủ công suất tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp; tỉnh đã cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cho 158 đơn vị...

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có nhiều dự án đơn lẻ nằm ngoài các khu công nghiệp, xả thải gây ô nhiễm môi trường; công tác quản lý kiểm tra, giám sát việc xả thải của các doanh nghiệp nằm ngoài các khu công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn... Do vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, tỉnh Hưng Yên sẽ thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường; rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; nhất là các dự án phát sinh chất thải lớn. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Thu hút đầu tư vào tỉnh những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, không tiếp nhận các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; hạn chế tiếp nhận dự án sản xuất công nghiệp rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiến tới không tiếp nhận dự án sản xuất công nghiệp rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Rà soát nâng cấp các cụm công nghiệp thành các khu công nghiệp; đề xuất đấu nối nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm ngoài khu công nghiệp vào công trình xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp liền kề.

Tiếp tục triển khai Đề án nâng cao năng lực quan trắc môi trường tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; vận hành có hiệu quả Trung tâm truyền nhận dữ liệu quan trắc tự động chất thải, giám sát các nguồn xả thải chất thải lớn trên địa bàn tỉnh; triển khai các đề án, chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu của tỉnh. Tăng cường lấy mẫu giám sát môi trường theo kế hoạch đối với các cơ sở phát sinh chất thải lớn; các cơ sở là điểm nóng về ô nhiễm môi trường; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 21-3-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các văn bản của UBND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhất là hành vi xả thải nước thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường vào nguồn nước; phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường của lực lượng cảnh sát môi trường. Thực hiện tốt công tác “hậu kiểm tra, thanh tra”, “hậu thẩm định”...