Xác định làm tốt công tác cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thời gian qua, quận Ðống Ða đã tập trung tạo chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực này.
Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo các phòng chuyên môn, các phường thực hiện đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo quy định; duy trì thực hiện việc niêm yết công khai, đầy đủ 339 thủ tục hành chính cấp quận và 176 thủ tục cấp phường để người dân, doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện thuận lợi.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức từ cấp quận đến cấp phường tăng cường nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm; xác định rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của tổ chức, công dân là mục tiêu phục vụ.
Lãnh đạo quận thường xuyên kiểm tra, làm việc với từng đơn vị, nhất là bộ phận "một cửa" ở các phường để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn ngay trong khâu tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Bộ phận "một cửa" tại các phường được kết nối hệ thống camera để lãnh đạo quận, lãnh đạo các phường giám sát công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Nhờ các giải pháp này, năm 2023, quận Ðống Ða và các phường đã tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính 92.747 hồ sơ, trong đó tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 100%, không có hồ sơ chậm, muộn.
Tại huyện Ba Vì, việc thực hiện quy chế dân chủ cũng được chú trọng. Từ ngày 1/1/2023 đến hết hết quý I/2024, huyện đã tiếp nhận, giải quyết 100% đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Các tổ hòa giải đã hòa giải thành 84,7% số vụ việc.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội của huyện luôn tích cực đổi mới hoạt động, phối hợp tốt với chính quyền, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, chính quyền; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Ban Thanh tra nhân dân các xã, thị trấn giám sát 174 cuộc, phát hiện và kiến nghị với chính quyền, cơ quan có thẩm quyền các cấp giải quyết. Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát 290 công trình, dự án, kịp thời kiến nghị trực tiếp với chủ đầu tư, đơn vị thi công điều chỉnh bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. "Những kết quả này đã giúp cho dân chủ ở cơ sở được thực hiện hiệu quả hơn", Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh khẳng định.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội, thời gian qua, thông qua công tác này đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ, góp phần đấu tranh chống suy thoái đạo đức, lối sống; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm 2023, các ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở đã giám sát 3.145 công trình, dự án, phát hiện kiến nghị xử lý 210 vụ vi phạm; 208 công trình, dự án đã được xử lý, khắc phục kịp thời. Giám sát đã giúp cho việc đầu tư phù hợp với quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và có hiệu quả cao.
Ngoài ra, Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng còn phối hợp giám sát trên các lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng 4.047 cuộc, quản lý đất đai 1.026 cuộc, thực hiện dân chủ cơ sở 1.574 cuộc, góp phần quan trọng ổn định từ cơ sở.
Từ những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 với mục tiêu quan trọng là hướng đến quyền lợi của người dân một cách thiết thực.
Ðồng chí yêu cầu các cấp, các ngành phải tránh "bệnh" hình thức trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cần phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân, bởi đây là cái gốc thành công khi triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ðồng chí Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, việc thực hiện dân chủ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực công tác, nhất là lĩnh vực thuế, quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai... nhằm tăng cường sự công khai, minh bạch trong các lĩnh vực này.