Chương trình OCOP không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà nó còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân nông thôn thông qua các sản phẩm đặc trưng vùng miền.
OCOP Việt Nam - Những thành tựu cơ bản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), sau 5 năm thực hiện chương trình OCOP, tính đến tháng 11/2023, toàn quốc có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP với 10.881 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, cùng 5.610 chủ thể OCOP. Tại nhiều địa phương, OCOP đã trở thành tiêu chí bắt buộc đối với các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… nhằm tạo ra cú huých mạnh mẽ cho phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời, xây dựng đội ngũ chủ thể OCOP hùng hậu, cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025.
Ðể có được những con số ấn tượng nói trên, những cơ chế mới, chính sách mới đã được ra đời, triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, trong đó, nổi bật là Quyết định 919/QÐ-TTg (thay thế Quyết định 490/QÐ-TTg) hướng OCOP vào chiều sâu, nâng cao vai trò cấp xã, huyện trong triển khai chương trình, giao quyền đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao về cấp huyện; Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định 148/QÐ-TTg (thay thế Quyết định 1048/QÐ-TTg) có quy định bắt buộc đối với các hạng sao khi tham gia đánh giá phân hạng, đề cao chất lượng, giá trị thương hiệu, tính cộng đồng, nâng cao giá trị văn hóa truyền thống và thị trường hóa các sản phẩm OCOP.
Giai đoạn 2021-2025, OCOP mở rộng được một số sản phẩm mới như sinh vật cảnh, động vật cảnh, cụ thể hóa điểm du lịch nông thôn… Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP được ban hành bao gồm các chỉ tiêu cụ thể hóa định hướng, tiếp cận của Chương trình gắn với phát triển sản phẩm theo 3 trục: Phát triển cộng đồng, chất lượng sản phẩm và năng lực tiếp thị; trở thành định hướng giúp các địa phương chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ; có cơ sở xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện triển khai.
Bộ NN và PTNT cũng xây dựng các thông tư hướng dẫn thực hiện Thông tư 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, kết hợp với nhiều chương trình cụ thể về hợp tác xã, phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ, ngành nghề, làng nghề… với nhiều hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước như: Tư vấn, định vị, bảo hộ nhãn hiệu, bao bì, trang thiết bị sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thị trường…
Tính đến tháng 12/2023, hầu hết các huyện đã và đang tổ chức hội đồng đánh giá, chủ động phân bổ ngân sách hỗ trợ hiệu quả. Ở cấp Trung ương, nhiều mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP từ cộng đồng, mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025 được tổ chức triển khai cùng các chương trình xúc tiến quốc tế, chương trình chuyển đổi số với livestream sản phẩm OCOP, Festival, hội chợ OCOP vùng miền,…
Phát triển OCOP đường dài
Theo Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan, chương trình phát triển OCOP cần hướng tới sản phẩm kết tinh từ tài nguyên bản địa, công nghệ, tạo ý tưởng khởi nghiệp, tuyệt đối không được dễ dãi trong việc chấm thẩm định sản phẩm OCOP. Hơn nữa, chúng ta cần biết rằng tạo ra sản phẩm đã khó, nhưng đưa sản phẩm ra thị trường lại càng khó, phát triển bền vững khó hơn nữa.
Làm sao sản phẩm phải có giá tối ưu để cùng với hợp tác xã trở thành khu vực kinh tế nông thôn, “Hợp tác xã và sản phẩm OCOP là chim sẻ, cần ấp ủ đủ để lớn. Ðây cũng là cơ hội thu hút đầu tư từ nước ngoài vào khi có nền tảng là những con chim sẻ địa phương lớn mạnh”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai chương trình OCOP theo hướng thực chất, hiệu quả. Tình trạng “đếm số” đầu sản phẩm OCOP đã không còn phù hợp do thị trường đã có những đòi hỏi khắt khe hơn, đồng thời, yêu cầu của kinh tế hàng hóa đã và đang đặt ra những đòi hỏi cho các chủ thể OCOP phải luôn có sự cải tiến mẫu mã sản phẩm, để phù hợp với tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng.
Dù đã có những con số ấn tượng về sản phẩm OCOP, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, so với tiềm năng thì số lượng sản phẩm OCOP vẫn còn thấp. Nguyên nhân là do nhiều năm qua, các sản phẩm OCOP đều xuất phát từ các sản phẩm có sẵn, trên cơ sở nâng cấp theo phân khúc khách hàng, lựa chọn thị trường phù hợp.
Những sản phẩm đơn thuần từ một cộng đồng có thể được ứng dụng khoa học công nghệ, được cải tiến để hình thành các sản phẩm tiềm năng lớn trên thị trường giúp các chủ thể OCOP hoạt động hiệu quả, chứ chưa hình thành những ý tưởng phát triển OCOP hoàn toàn mới.
Có thể lấy thí dụ về một số món ăn truyền thống của Hưng Yên như canh cá rô, được chủ thể nâng cấp thành sản phẩm bao gói cao cấp, tích hợp gia vị phù hợp bảo quản lâu dài để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Món bún tươi Phú Ðô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nổi tiếng cũng được đóng gói, bảo quản lâu dài, thay vì dùng trong ngày như trước đó. Hay các bài thuốc quý của người dân tộc thiểu số, giờ đây cũng được “mịn hóa”, được bao gói tiện dụng cho mỗi lần sử dụng chỉ với một phút thay vì cồng kềnh và phải nấu theo cách truyền thống.
Tương tự, với Táo mèo Long Hẹ (huyện Thuận Châu, Sơn La) là dòng táo Sơn Tra nổi tiếng với hơn 800 ha diện tích gieo trồng nhưng chỉ được biết đến ở Yên Bái, Sơn La, mà chưa thể chiếm lĩnh được thị trường trong nước, quốc tế… Nhưng nếu xây dựng thành công chu trình OCOP và đưa táo này trở thành sản phẩm OCOP thì tương lai sẽ giúp hàng trăm hộ dân nơi đây vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều tỉnh, huyện đang gặp khó trong tìm sản phẩm có sẵn để xây dựng chu trình sản phẩm OCOP, chưa kể nhiều chủ thể OCOP cũng chưa hiểu tham gia OCOP sẽ được gì và cần gì… dẫn đến tình trạng không ít sản phẩm tham gia xong phải dừng hoạt động. Do đó, thông tin tuyên truyền về OCOP cần phải được thực hiện bài bản trên các phương tiện truyền thông cơ sở (đài phát thanh xã, tờ rơi, áp-phích cấp cơ sở…); đồng thời nâng cao nhận thức của cán bộ cấp xã về OCOP, đưa đội ngũ này trở thành tư vấn ban đầu giúp chủ thể hiểu biết hơn về OCOP trước khi sáng tạo ý tưởng, hình thành sản phẩm tham gia OCOP.
Hành trình OCOP xuyên suốt dòng đời sản phẩm, không chỉ dừng lại ở việc được cấp sao hạng. Sản phẩm cần liên tục được cải tiến, nâng cấp, đòi hỏi phải được đánh giá liên tục. Hiện nay, thời hạn duy trì sản phẩm đạt sao OCOP thường 3 năm, tuy nhiên, các hỗ trợ cho sản phẩm OCOP lại không áp dụng sau khi đánh giá. Ðiều này khiến chủ thể sau khi được đánh giá không biết nên tiếp tục như thế nào nếu không được tư vấn, hỗ trợ tiếp, trực tiếp làm giảm ý nghĩa của chương trình.
Như vậy, công tác tư vấn, hỗ trợ không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện hồ sơ mà phải bám sát chu trình sản xuất sản phẩm. Về phía hội đồng thẩm định đánh giá, phân hạng OCOP các cấp, cần tránh tư tưởng áp đặt khi thẩm định hồ sơ, phát sinh những hồ sơ “con” không mang ý nghĩa pháp lý. Cuối cùng là việc hỗ trợ xúc tiến, bán hàng đối với chủ thể, sản phẩm cũng là khâu quan trọng cần được các cấp chính quyền quan tâm, triển khai tích cực.
Hy vọng rằng, với những kết quả khả quan đã đạt được, cùng với những hành động cụ thể của các cấp chính quyền, nhất là người dân, chương trình OCOP sẽ phát triển bền vững và đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa cho người dân, tích cực góp phần xây dựng NTM hiệu quả.