Đây là chương trình tiếp nối thành công từ hai buổi hòa nhạc đã được tổ chức năm 2020 và 2021 nhằm tiếp tục hướng đến nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới; đồng thời hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 và Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Việc hoàn thiện khung pháp lý về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và thúc đẩy cộng đồng, xã hội tham gia vào hoạt động thực tiễn để tiến tới xóa bỏ bạo lực giới, bạo lực gia đình là nỗ lực chung của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế trong hàng chục năm qua.
“Tôi tin rằng với sức mạnh lan tỏa của nghệ thuật, đêm nhạc giao hưởng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội, về giá trị của trẻ em gái và về bình đẳng giới; hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người, là nơi phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chia sẻ.
Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận xét, bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện trong những thập kỷ qua, và thành tựu mới nhất là việc Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi vào tháng 11, với cách tiếp cận dựa trên quyền và lấy người bị bạo lực làm trung tâm trong các văn bản pháp luật của Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cặp vợ chồng có tâm lý ưa thích con trai hơn con gái nên Việt Nam có nhiều trẻ em trai hơn trẻ em gái. Tỷ lệ này cao thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, bạo lực gia đình cũng tiềm ẩn nhiều trong xã hội Việt Nam. Hơn 90% phụ nữ bị bạo lực chưa bao giờ tìm kiếm bất kỳ dịch vụ nào và hơn một nửa chưa bao giờ nói với bất kỳ ai về điều đó.
“Tình trạng này phải được thay đổi ngay lập tức và đó là một trong những thông điệp chính của buổi hòa nhạc. Tôi muốn kêu gọi mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam hãy giúp lan tỏa thông điệp của buổi hòa nhạc và là tác nhân tạo ra sự thay đổi. Hãy nói không với bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hãy nói không với tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Hãy để sức mạnh của âm nhạc gắn kết tất cả chúng ta lại với nhau, hướng tới sự phát triển toàn diện, công bằng và bền vững tại Việt Nam” - bà Pauline Tamesis nhấn mạnh.
Một tiết mục biểu diễn trong Chương trình hòa nhạc Tài năng trẻ “Là con gái để tỏa sáng”. |
Dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Honna Tetsuji, buổi hòa nhạc đưa khán giả đến với không gian âm nhạc giàu màu sắc và cảm xúc với nhiều tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc lừng danh thế giới như George Frideric Handel; Carl Maria von Weber; David Popper; Frédéric Chopin; Serge Koussevitzky…
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nữ tài năng như: Phùng Hoài Thu (Viola), Lưu Ly Ly (Cello), Vũ Cẩm Tú (Contrabass), Nguyễn Thái Hà (Piano), Nguyễn Thùy Dương(Harp), và các nghệ sĩ khác của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.