Cùng suy ngẫm

Chuỗi giá trị cho cây dược liệu

Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, hệ sinh thái đặc trưng, nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú, đa dạng. Nhiều khu vực là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm. Trong số các loài thực vật bậc cao đã được biết ở Việt Nam, có 5.117 loài và dưới loài sử dụng làm thuốc.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng bảo tồn giống cây dược liệu kim ngân tại Trung tâm Giống cây trồng Đạo Đức, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: KHÁNH TOÀN)
Trồng bảo tồn giống cây dược liệu kim ngân tại Trung tâm Giống cây trồng Đạo Đức, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: KHÁNH TOÀN)

Nhiều loài cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao sinh sống trong rừng tự nhiên, như: sâm Ngọc Linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, lan kim tuyến...

Trên thực tế, hiện nay việc trồng cây dược liệu đã và đang đem lại thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha. Điển hình như xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) với mô hình trồng cây thảo quả, diện tích hơn 80 ha cho thu nhập từ 50 đến 80 triệu đồng/ha/năm.

Tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, cây sơn tra và sa nhân cho thu nhập từ 40 đến 60 triệu đồng/ha/năm. Hay như Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp và dược liệu Yên Bái chế biến sâu cà gai leo thành cao, trà và bột mang lại giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, hợp tác xã liên kết với 60 hộ dân trồng cà gai leo tại bốn xã của huyện Văn Yên và huyện Yên Bình với diện tích hơn 10 ha, mỗi năm cho sản lượng khoảng 80 tấn, doanh thu khoảng 3,8 tỷ đồng…

Tuy nhiên, phát triển cây dược liệu còn những hạn chế do thiếu giống tốt có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu, bệnh gây hại; nguồn tài nguyên dược liệu ngoài tự nhiên bị suy giảm do khai thác không bền vững trong thời gian dài và do chất lượng rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng sản xuất suy giảm tại một số vùng.

Diện tích rừng có chất lượng tốt, phù hợp để phát triển dược liệu chủ yếu tập trung ở rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Hơn nữa, diện tích trồng dược liệu mặc dù đã tăng trong thời gian qua (trừ cây quế, hồi) nhưng việc phát triển, gây trồng còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ, chưa có quy hoạch dẫn đến năng suất, sản lượng và chất lượng thấp.

Bên cạnh đó, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào trồng, chế biến dược liệu. Phần lớn cây dược liệu dưới tán rừng được tiêu thụ dưới dạng nguyên liệu bán cho thương lái; phần lớn khu vực có tiềm năng phát triển trồng cây dược liệu hiện do các tổ chức quản lý rừng của Nhà nước quản lý nhưng các tổ chức này không có tiềm lực về tài chính để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng như cơ chế, chính sách để liên doanh, liên kết sản xuất vùng nguyên liệu; kết cấu hạ tầng giao thông ở vùng trồng chưa hoàn thiện… dẫn đến khó khăn trong tiếp cận, triển khai đầu tư các dự án trồng, phát triển cây dược liệu…

Hiện nay, cả nước có hơn 10,1 triệu ha rừng tự nhiên. Đây là một lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển trồng các loài dược liệu dưới tán rừng.

Theo thống kê, nhu cầu sử dụng dược liệu của các cơ sở sản xuất trong nước mỗi năm ước tính khoảng 60 đến 80 nghìn tấn, phần lớn được sử dụng cho sản xuất thuốc đông y, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm.

Vì vậy, để phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần quy hoạch vùng trồng, danh mục loài cây dược liệu phù hợp để gây trồng, phát triển; song lưu ý không dàn trải, ưu tiên cây đặc sản.

Cùng với đó, cần quy hoạch vùng bảo tồn những loài cây dược liệu quý hiếm trong tự nhiên, ưu tiên tại các khu rừng đặc dụng, bởi đây là nơi bảo tồn nguồn gen và cung cấp giống cho sản xuất.

Mặt khác, trên cơ sở định hướng về quy hoạch, các địa phương cần rà soát quỹ đất, vùng nguyên liệu, xác định loài cây trồng phù hợp... từ đó xây dựng các dự án vùng nguyên liệu gắn với sơ chế, chế biến sâu; xây dựng mã số các vùng trồng để quản lý nguồn gốc, xuất xứ; hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, khai thác một số loài cây dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế dưới tán rừng theo hướng phát triển bền vững; thực hiện việc trồng, chăm sóc, thu hái cây dược liệu theo tiêu chuẩn nhằm bảo đảm chất lượng nguyên liệu; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý; đa dạng hóa hình thức tổ chức sản xuất như liên kết người dân với doanh nghiệp; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển cây dược liệu…