Có những giai đoạn, khó khăn chồng chất khó khăn; trong đó, đại dịch Covid-19 là một thử thách lớn đối với những người làm công tác Mặt trận. Nhưng khi toàn hệ thống chính trị nói chung, Mặt trận các cấp nói riêng cùng khơi đúng sức dân, tất cả những gian nan đều vượt qua; hàng nghìn phong trào, cách làm hay trong các tầng lớp nhân dân cũng nở rộ hằng năm để tạo nên một bức tranh nghĩa tình, đoàn kết ở đô thị đông dân nhất cả nước.
Đa dạng các mô hình hiệu quả
Ý thức việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn quận Bình Thạnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động để Bình Thạnh "sạch-xanh-thân thiện với môi trường".
Bà Nguyễn Thu Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Bình Thạnh cho biết: Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường được gắn với thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Cuộc vận động "Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước". Ðơn vị đã chủ động, sáng tạo nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả. Ðầu tiên là thực hiện công tác tuyên truyền để lan tỏa thông điệp đến các tầng lớp nhân dân. Tiếp đó, Mặt trận quận tổ chức ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp với Ủy ban nhân dân quận tổ chức Hội thi xây dựng công trình sạch-xanh-thân thiện môi trường. Ngoài ra, các hoạt động tổ chức hội nghị chuyên đề; thi ý tưởng, giải pháp, mô hình sáng tạo "Vì Bình Thạnh phát triển" đã giúp Mặt trận quận có thêm hàng trăm ý tưởng thiết thực để bảo vệ môi trường.
Với những hiệu ứng mang lại, đến nay quận đã có hơn 10.800 lượt người tham gia tổng vệ sinh, khơi thông kênh rạch, trồng hơn 1.300 cây xanh, giám sát, xử lý kịp thời các bãi rác sai quy định, các vấn đề phát sinh tại địa phương.
Với những nỗ lực đó, liên tiếp các năm từ 2022-2024, nhiều công trình xanh đã ra đời, góp phần thay đổi mỹ quan đô thị trên địa bàn quận. 20/20 phường của quận được công nhận "Phường sạch-xanh-thân thiện với môi trường", đạt tỷ lệ 100%; 76 khu dân cư sạch-xanh-thân thiện môi trường đạt 101,33% so với chỉ tiêu đăng ký.
Triển khai từ năm 2016 đến nay, mô hình "Sinh kế trao tay-Tương lai bền vững", do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị thực hiện trở thành điểm tựa vững chắc cho nhiều hộ dân nghèo trên địa bàn.
Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, ngụ Ấp 4, xã Quy Ðức vốn là hộ nghèo. Trước đây, tiền lương ít ỏi từ việc làm công nhân, thu nhập không ổn định, lại thêm có con nhỏ, cho nên nhiều lần gia đình rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Sau khi được Mặt trận huyện hỗ trợ mua máy may mới, chị Huệ nhận các đơn hàng bên ngoài để làm, cuộc sống của gia đình hiện đã khá hơn trước.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh cho biết: Qua rà soát, nắm bắt nhu cầu của một số hộ dân có ý chí vươn lên thoát nghèo nhưng thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, kinh doanh, đơn vị đã tập trung rà soát, phúc tra nhu cầu, xây dựng và triển khai thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo phù hợp từng địa bàn, từng đối tượng; trong đó, khuyến khích các hộ nghèo, cận nghèo tham gia các mô hình sản xuất, kinh doanh, trao "cần câu" nhằm tạo thu nhập căn cơ.
Tính từ năm 2019 đến nay, Mặt trận các cấp của huyện Bình Chánh đã trao gần 200 sinh kế tặng các hộ dân với kinh phí gần 1,7 tỷ đồng.
Hàng trăm mô hình, cách làm hiệu quả đã được Mặt trận các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thời gian qua. Nội dung, hình thức các cuộc vận động, phong trào được đổi mới phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đối tượng vận động; phát huy sự chủ động tham gia của người dân, doanh nghiệp. Sức dân, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được khơi gợi nhằm đóng góp chăm lo an sinh xã hội và nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.
Ðơn cử, từ sự đồng lòng của người dân, đến nay, thành phố có 41 loại mô hình tự quản về an ninh trật tự; 45 loại mô hình tự quản về môi trường, có 25.369 tổ tự quản với hơn 1,5 triệu gia đình tham gia.
Trong nhiệm kỳ, Mặt trận các cấp cũng đã xây dựng 1.722 khu dân cư sạch-đẹp, đạt tỷ lệ 172,2% (vượt chỉ tiêu đề ra). Ngoài ra, 100% địa phương xây dựng, triển khai, nâng cao chất lượng các mô hình, giải pháp, cách làm hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thu hút người dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức tôn giáo đồng hành thực hiện.
Trung tâm an sinh Thành phố Hồ Chí Minh trao sinh kế tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn. |
Khơi sức dân, gắn kết đồng bào
Nhấn mạnh về các hoạt động của Mặt trận nhiệm kỳ 2019-2024, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Trung cho biết: Các hoạt động của Mặt trận được thực hiện theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết, tập trung hướng mạnh hoạt động về cơ sở, sát với đời sống nhân dân. Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả trong các phong trào, cuộc vận động đã được biểu dương, phổ biến, nhân rộng ở cộng đồng dân cư như mô hình "ATM gạo", "Siêu thị 0 đồng", Mô hình "Camera giám sát tình hình an ninh trật tự"; "15 phút vì thành phố văn minh, sạch đẹp", "Góc phố ngày Tết"… Ðáng chú ý, trong nhiều giai đoạn khó khăn, nhất là trong đại dịch Covid-19, các tầng lớp nhân dân đã đồng hành cùng chính quyền thành phố vượt qua, sớm ổn định, phục hồi sau đại dịch. Cũng ấm lòng không kém, khi bão số 3 gây thiệt hại đối với nhiều tỉnh, thành phố miền bắc đầu tháng 9 vừa qua, người dân, doanh nghiệp thành phố và nhiều tỉnh, thành phố phía nam một lần nữa mang những tình cảm chân thành, thiết thực để đồng hành cùng đồng bào miền bắc sớm vượt qua khó khăn, mất mát.
Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền cũng được Mặt trận các cấp quan tâm, chú trọng. Trong nhiệm kỳ, hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ trì tổ chức giám sát 37 nội dung với 6.552 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất.
Qua đó, có 5.150/6.552 ý kiến, kiến nghị được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu và phản hồi, giải quyết, đạt tỷ lệ 78,6%. Mặt trận các cấp cũng chủ trì 371 hội nghị góp ý, phản biện xã hội, gửi 513 văn bản phản biện đối với các dự thảo Luật, chương trình, đề án, dự án quan trọng có tác động lớn trong xã hội và cộng đồng dân cư, nhất là các đề án, kế hoạch liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển và xây dựng chính quyền đô thị thành phố.
Nhiều ý kiến phản ánh được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, đánh giá cao đã và đang trở thành kênh thông tin quan trọng giúp chính quyền các cấp xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc cho biết: Trong giai đoạn tiếp theo (2024-2029), Mặt trận Tổ quốc thành phố xác định tập trung thực hiện ba mục tiêu quan trọng là tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, nghĩa tình. Mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội sẽ là trung tâm để tập hợp, đoàn kết, phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt trong việc phát huy quyền làm chủ, lấy nhân tố con người là trung tâm; chủ động tham gia vào quá trình bảo đảm, chăm lo đời sống nhân dân; lấy lợi ích chính đáng của người dân là trung tâm của mọi chủ trương, chính sách; xây dựng đội ngũ cán bộ mặt trận có đủ năng lực, phẩm chất, sáng tạo,... để thực hiện hiệu quả hơn nữa các mặt công tác.
Ðánh giá về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp thời gian qua, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nhiệm kỳ vừa qua đối với Thành phố Hồ Chí Minh có những thời điểm khó khăn, thử thách rất lớn đối với thành phố nói chung và công tác Mặt trận nói riêng, trong đó, có đại dịch Covid-19. Thế nhưng, trong hoàn cảnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã nỗ lực quyết tâm, trở thành địa chỉ kết nối các tầng lớp nhân dân để có nhiều hành động thiết thực và hiệu quả, khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và nghĩa tình để chăm lo an sinh xã hội. Ðó là giá trị nhân văn cần được phát huy và nhân rộng hơn nữa.
Thời gian tới, để công tác Mặt trận đạt được những kết quả tích cực hơn, đáp ứng với tình hình thực tiễn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng: Những người làm công tác Mặt trận cần thực hiện tốt hơn các công tác của mình để "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin"; công tác đổi mới nội dung hoạt động; nhiều cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước của đơn vị và các tổ chức chính trị-xã hội cần tiếp tục đổi mới, nâng tầm hơn nữa. Mặt trận thành phố cần tiếp tục triển khai hiệu quả các cuộc vận động liên quan đến đời sống và an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề cho các đối tượng khó khăn.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Ðại hội đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 12, nhiệm kỳ 2024-2029 mới đây, đồng chí Ðỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên của thành phố căn cứ trên các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thực hiện các cách làm, chương trình cụ thể, hiệu quả, đồng lòng, chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Mặt trận các cấp cần tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với xã hội số để thực hiện công tác tuyên truyền sát với thực tiễn ở cơ sở; nâng cao thực chất các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước với phương châm: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật và nhân dân được hưởng lợi thật. Trong quá trình đó, yếu tố con người là nhân tố quyết định. Do vậy, nhiệm kỳ tới, cần phải quyết tâm cao, cùng nhau đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống công tác dân vận nói chung, công tác Mặt trận nói riêng.