Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động của Việt Nam nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế chống sa mạc hóa và kỷ niệm 28 năm thành lập Công ước Chống sa mạc hóa (UNCCD).
Công ước UNCCD được thành lập từ năm 1994, hiện có 197 thành viên, Việt Nam gia nhập Công ước UNCCD từ năm 1998. Mục tiêu của Công ước là chống sa mạc hóa, suy thoái đất và giảm thiểu tác hại của hạn hán ở các vùng bị sa mạc hóa và suy thoái đất nghiêm trọng, áp dụng các biện pháp có hiệu quả và sự trợ giúp quốc tế để giúp các nước bị ảnh hưởng bởi thoái hóa, sa mạc và hạn hán phát triển bền vững.
Ngày 17/6 hằng năm được chọn là Ngày quốc tế chống sa mạc hóa. Đây là sự kiện quốc tế thường niên quan trọng được Việt Nam hưởng ứng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động về chống suy thoái đất, sa mạc hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Chủ đề Ngày quốc tế chống sa mạc hóa năm 2022 là: “Chung tay vượt qua hạn hán - Rising up from drought together”.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển đã nhấn mạnh, suy thoái đất và hạn hán không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề kinh tế mang tính địa phương và toàn cầu. Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc - UNCCD - nhằm hội tụ các nỗ lực quốc tế để giải quyết vấn đề này. Với tư duy đi trước từ rất sớm, với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường thể hiện tầm nhìn xa cùng với cam kết và hành động mạnh mẽ, Việt Nam được xem là điểm sáng khi thế giới nói về chủ đề này. Diễn đàn hôm nay là dịp tốt để chia sẻ thông tin, tiếp tục tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến và kiến nghị các giải pháp phòng, chống suy thoái đất và hạn hán.
Trong buổi sáng ngày 16/6, các đại biểu tổ chức phát động trồng cây; Tổng cục Lâm nghiệp đã công bố thông điệp của Tổng Thư ký Ban Thư ký Công ước về kỷ niệm Ngày quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2022, đồng thời kêu gọi các bộ, ngành cùng nhau thảo luận để tìm ra các giải pháp hữu hiệu để chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam gắn việc nỗ lực thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, từng bước đưa ngành lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững, trở thành ngành kinh tế, kỹ thuật và môi trường quan trọng có nhiều đóng góp cho đất nước trong giai đoạn tới.
Trong cuộc đối thoại, các nhà khoa học, các nhà quản lý từ cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương, các chuyên gia nghiên cứu, các tổ chức quốc tế… đã thống nhất các giải pháp ngăn chặn suy thoái đất, chống sa mạc hóa ở Việt Nam gắn liền với phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân vùng cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ổn định… Đồng thời chia sẻ, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp hạn chế suy thoái đất và chống sa mạc hóa tại Việt Nam gắn với việc thực hiện “Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững”, “Đề án trồng 1 tỷ cây xanh”, “Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp”…