Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết: Theo thống kê, tình trạng bạo lực đối với trẻ em năm 2022 gia tăng so với năm 2021, đặc biệt là bạo lực trong trường học và trong gia đình. Trong 4 tháng đầu năm nay, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực trong trường học đã tăng 11% so cùng kỳ năm ngoái.
Thông qua thống kê các vụ việc cơ quan Công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy: Xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so năm 2022, tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp.
Các hành vi, hậu quả của vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng đã và đang tác động trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ.
Để bảo vệ trước thực trạng này, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh đến trách nhiệm trước hết phải thuộc về gia đình, của cha mẹ và người chăm sóc trẻ em. “Không ai có thể tạo lập môi trường sống an toàn cho con em mình bằng chính cha mẹ. Người chăm sóc trực tiếp trẻ em không làm thì không ai bảo vệ trẻ em tốt hơn”.
Tại hội nghị, đại diện các đại biểu đến từ Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức ChildFund Việt Nam, Công ty Cổ phần an ninh mạng SCS chia sẻ và bàn các giải pháp để “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.
Về việc hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Đại tá Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng 7, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: Hiện nay, các hoạt động trong đời sống của người lớn cũng như trẻ em đang phụ thuộc vào không gian mạng rất nhiều.
Thực tế cho thấy, trẻ em của chúng ta sống trong môi trường này thì môi trường mạng cung cấp nhiều tiện ích để trẻ em phát triển cả về khía cạnh giải trí và cả học tập, rất nhiều môi trường tốt cho các em phát triển. “Tuy nhiên, trên thực tế công tác thì chúng tôi cũng thấy, môi trường mạng khá nguy hiểm đối với trẻ em” - ông Nguyễn Hồng Quân nói.
Từ nhận thức tình hình như vậy, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông và các tổ chức xã hội tích cực tham mưu Chính phủ xây dựng Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.
Trưởng phòng Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đinh Thị Như Hoa cho rằng: Hiện nay, vấn đề bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là cấp thiết. Bảo vệ trẻ em không phải là vấn đề mới, nhưng thực sự trong giai đoạn Covid-19 vừa qua vấn đề sử dụng mạng gia tăng, nên việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được quan tâm nhiều nhất.
Năm 2023, bà Đinh Thị Như Hoa cho biết, có hai sản phẩm là: Sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và sản phẩm các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ trẻ em tương tác trên môi trường mạng.
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là sản phẩm trực tiếp vào các hoạt động để trẻ không tiếp cận với các nội dung không hợp.
Theo thống kê của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, sau 19 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 5.398.105 cuộc gọi đến, trong đó, đã tư vấn 469.408 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em
Trong 9.601 ca hỗ trợ, can thiệp có 4.194 ca bạo lực trẻ em, chiếm 43.68%; 2.472 ca về xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 25.75%, 748 ca về trẻ em bị bóc lột, chiếm 7,79%…
Tháng hàng động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” với các hoạt động, chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội nhằm tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.
Thực hiện tốt Tháng hành động vì trẻ em nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em một cách quyết liệt.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 tập trung vào một số hoạt động trọng tâm, trong đó: Triển khai các giải pháp, mô hình hoạt động về xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em; Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực; thăm, tặng quà, trao học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi...; hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; xây dựng các công trình, trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em.