Trên nền tảng tốt đẹp đó, chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Ấn Độ đã góp phần quan trọng đưa quan hệ hai nước bước vào thời kỳ mới, tin cậy, hiểu biết sâu sắc hơn, hiệu quả cao hơn, đáp ứng nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Tin cậy, gắn bó, hướng tới tương lai
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ kể từ khi Chính phủ nhiệm kỳ thứ 3 của Thủ tướng Narendra Modi tái cử. Chính phủ Ấn Độ hết sức coi trọng và tin tưởng, chuyến thăm sẽ mang đến xung lực mạnh mẽ cho quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong thời gian tới. Vì vậy, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam hết sức trọng thị, nồng ấm, thắm tình hữu nghị.
Nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam bày tỏ, đến Ấn Độ dịp này được chứng kiến và cảm nhận sâu sắc về những thành tựu vĩ đại của nền văn minh sông Hằng và sự phát triển vượt bậc của nước này; bày tỏ ấn tượng việc Thủ tướng Narendra Modi nhiều lần nhấn mạnh “lòng tin chính là nền tảng cho sự phát triển”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi đã có cuộc hội đàm hết sức thành công trên tinh thần thắm tình hữu nghị, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, đạt nhiều nhận thức chung và kết quả quan trọng; nỗ lực tìm ra điểm đột phá đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong giai đoạn chiến lược mới. Hai nước có chung tầm nhìn, mục tiêu lớn: đó là Ấn Độ đang nỗ lực thực hiện Tầm nhìn “Viksit Bharat 2047” nhằm hiện thực hóa mục tiêu 100 năm đưa
Ấn Độ trở thành nước phát triển vào năm 2047; Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, cùng nhau nâng cao tiếng nói, vai trò của các nước đang phát triển.
Hai Thủ tướng nhất trí rằng, Việt Nam và Ấn Độ có tin cậy chính trị cao; văn hóa-văn minh tương đồng, ý tưởng tương thông; kinh tế bổ trợ; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng và còn nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để phù hợp xu thế chung của thời đại, cũng như phục vụ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân và thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước; nhất trí củng cố hơn nữa các lĩnh vực hợp tác truyền thống và mở rộng sang các lĩnh vực mới tiềm năng. Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích các tập đoàn lớn, tỷ phú công nghệ của Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư, tạo ra những dự án lớn mang tính biểu tượng của hợp tác kinh tế hai nước, đón luồng dịch chuyển chuỗi cung ứng và giúp hai nước tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu...
Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: “Trở lại thăm đất nước của các bạn, tôi cảm thấy gần gũi, ấm áp như trở về nhà”. Những cử chỉ thân mật, thắm thiết mà hai nhà lãnh đạo Chính phủ dành cho nhau đã nói lên quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp hơn bao giờ hết. Thủ tướng đã hội kiến Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu; gặp Chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Jagdeep Dhankhar; Chủ tịch Hạ viện Om Birla... Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đều đánh giá rất cao chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng thời bày tỏ mong muốn và ủng hộ mạnh mẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi phát biểu chính sách quan trọng tại Hội đồng các Vấn đề Thế giới Ấn Độ (ICWA). Thủ tướng nêu rõ, là Đối tác chiến lược toàn diện của nhau, Việt Nam và Ấn Độ cần: Cùng chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển, đa cực, đa trung tâm, “thống nhất trong đa dạng”; ưu tiên đối thoại, hợp tác và các biện pháp hòa bình thay vì sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; cùng đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, tôn trọng luật pháp quốc tế, thay vì hành xử đơn phương và chủ nghĩa cường quyền, vị kỷ; cùng ủng hộ và nỗ lực cho một Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng và bao trùm, tự do và rộng mở; trong đó không một quốc gia nào, không một dân tộc nào, không một cộng đồng dân cư nào, không một ai bị bỏ lại phía sau... Bài phát biểu của Thủ tướng được giới học giả, chuyên gia Ấn Độ đánh giá rất cao, khái quát và đề ra các định hướng quan trọng cho quan hệ hai nước.
Chung một khát vọng phát triển
Việc đặt Việt Nam ở vị trí trọng tâm, cầu nối trong Chính sách “Hành động hướng Đông” đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Ấn Độ nói chung và quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư song phương nói riêng phát triển lên một tầm cao mới. Chính vì vậy, một trong những trọng tâm của chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là tập trung đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ phối hợp tổ chức đã thu hút đông đảo cộng đồng doanh nghiệp hai bên tham dự.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và đều có ý định mở rộng đầu tư quy mô lớn với trị giá nhiều tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng chiến lược, dược phẩm, công nghệ, dịch vụ, logistics... Các tập đoàn của Ấn Độ đều đánh giá cao triển vọng kinh tế cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, cứ điểm chiến lược cho các doanh nghiệp Ấn Độ.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra chỉ trong 48 tiếng nhưng dày đặc các hoạt động tiếp xúc cấp cao, gặp gỡ… đạt nhiều kết quả hết sức tích cực, thực chất và hiệu quả. Chuyến thăm đã thành công hết sức tốt đẹp, mở ra chương mới về hợp tác hai nước, góp phần tạo xung lực, đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ phát triển lên một tầm cao mới, đi vào chiều sâu và thực chất.