Chuẩn hóa công tác đào tạo biên-phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam

NDO - Ngày 24/5, tại Hà Nội, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp Quỹ Sejong (King Sejong Institute Foundation) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Chuẩn hóa công tác đào tạo biên-phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam”.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Lê Thị Thu Giang phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: VNU)
Tiến sĩ Lê Thị Thu Giang phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: VNU)

Hội thảo nhằm mục đích tìm hiểu thực trạng việc đào tạo biên-phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam. Đồng thời, đây là cơ hội giao lưu và trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị King Sejong Institute tại Việt Nam và các trường đại học của Việt Nam đang giảng dạy môn biên-phiên dịch tiếng Hàn; tìm kiếm phương án hiện thực hóa và đẩy mạnh việc triển khai đào tạo tiếng Hàn biên-phiên dịch tại các đơn vị King Sejong Institute tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Thị Thu Giang, Giám đốc Học viện King Sejong Hà Nội 1, Trưởng Khoa Đông Phương học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Trong thời gian gần đây, cùng với xu hướng hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc trên các lĩnh vực đa dạng, nhu cầu về số lượng và chất lượng của đội ngũ biên-phiên dịch ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, sự phát triển về khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0 cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới cho công việc dịch thuật cũng như ngành đào tạo biên-phiên dịch tiếng Hàn nói riêng và ngành biên-phiên dịch nói chung”.

Trong đó, trên cơ sở tổng hợp và phân tích các lý thuyết về đào tạo phiên dịch kết hợp việc so sánh các quá trình đào tạo biên-phiên dịch đang được tiến hành tại một số cơ sở đào tạo tiếng Hàn tại Việt Nam, quá trình đào tạo biên-phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể như:

Thứ nhất, hoạt động giảng dạy biên-phiên dịch của giáo viên còn thiên về dựa trên kinh nghiệm riêng hơn là theo mô hình sư phạm hay mô hình của một lý thuyết nào đó.

Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có các khóa đào tạo hoặc tập huấn về biên-phiên dịch nên phần lớn giáo viên đều chưa được đào tạo chuyên sâu về biên-phiên dịch. Điều này khiến cho đội ngũ giáo viên không có những kiến thức chuyên biệt cho giảng dạy biên-phiên dịch.

Chuẩn hóa công tác đào tạo biên-phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam ảnh 1
Các đại biểu, giảng viên, sinh viên tham dự hội thảo. (Ảnh: THU DUYÊN)

Thứ hai, hoạt động giảng dạy biên-phiên dịch hiện nay phần lớn tập trung vào việc rèn luyện đánh giá năng lực tạo bản dịch, hay nói cách khác là tập trung vào giai đoạn sản xuất, tái tạo sản phẩm ở ngôn ngữ đích mà ít chú trọng nhiều vào việc đào tạo các kỹ năng chuyên môn, tính quá trình của hoạt động biên-phiên dịch. Điều này vô hình chung làm cho hoạt động thực hành phiên dịch thiên về hoạt động nghe, hoạt động biên-phiên dịch về đánh giá sản phẩm dịch.

Tuy nhiên, cũng cần phải kể đến việc thiếu thốn các thiết bị phục vụ hoạt động biên-phiên dịch như phòng lab, cabin, tai nghe, máy chiếu… là một nhân tố có tác động lớn đến việc triển khai hoạt động giảng dạy.

Bên cạnh đó, xu hướng thu gọn quy mô và thời lượng của chương trình đào tạo cũng là một thách thức đối với quá trình đào tạo biên-phiên dịch tiếng Hàn khi phải tích hợp nhiều mục tiêu trong một học phần hay một chương trình đào tạo.

Trước những thực trạng trên, để nâng cao chất lượng và chuẩn hóa quá trình đào tạo biên-phiên dịch tiếng Hàn, Tiến sĩ Lê Thị Thu Giang đưa ra một số giải pháp.

Một là, xác định rõ mục tiêu đào tạo trong thời gian tới để hoàn thiện chương trình đào tạo biên-phiên dịch tiếng Hàn theo hướng chất lượng, hiệu quả và gắn với nhu cầu thực tiễn.

Chương trình đào tạo phải bảo đảm tính khoa học, tính chuyên biệt và tính thực dụng, được cấu thành từ những học phần có tính bổ trợ, liên kết chặt chẽ nhằm cung cấp được lượng kiến thức rộng và sâu nhất trong một giới hạn nhất định về thời lượng.

Hai là, xây dựng hệ thống giáo trình, bài giảng với nội dung đa dạng, toàn diện và có tính thực tiễn. Đặc biệt, bên cạnh những giáo trình, bài giảng phục vụ cho quá trình thực hành, luyện tập cần có hệ thống giáo trình mang tính định hướng, định hình khuôn khổ cho việc đào tạo biên-phiên dịch. Hệ thống giáo trình cần đa dạng về cấp độ và nội dung, có khả năng triển khai một cách hiệu quả chương trình đào tạo cũng như đáp ứng mục tiêu đào tạo. Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống các giáo trình bổ trợ các kiến thức nền cho hoạt động biên-phiên dịch.

Ba là, cần phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy biên-phiên dịch kể cả số lượng và cả chất lượng.

Cần triển khai sớm và rộng những khóa học đào tạo, tập huấn hoặc những tọa đàm về giảng dạy biên-phiên dịch dành cho giáo viên. Trước mắt, cần có những diễn đàn trao đổi giữa giáo viên các cơ sở đào tạo biên-phiên dịch tiếng Hàn để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và phương pháp giảng dạy. Để tạo nguồn cho lực lượng giáo viên biên-phiên dịch, cần khuyến khích, hỗ trợ các giảng viên trẻ, sinh viên tạo nguồn theo học các chuyên ngành về biên-phiên dịch hoặc giáo dục liên quan đến biên-phiên dịch.

Bốn là, cần kêu gọi và tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan tổ chức của Hàn Quốc ở các khía cạnh nhất định.

Trước tiên là về cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ cho việc đào tạo biên-phiên dịch.

Ngoài ra, để chuẩn hóa việc đào tạo biên-phiên dịch tiếng Hàn, vai trò của các tổ chức Hàn Quốc cũng cần được tận dụng trong việc xây dựng khung đánh giá năng lực cho biên-phiên dịch tiếng Hàn và hướng tới xây dựng hệ thống cấp chứng chỉ tiếng Hàn cho người học Việt Nam.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 24 và 25/5, với 11 chủ đề khác nhau nhằm đẩy mạnh giao lưu hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục có đào tạo tiếng Hàn tại Việt Nam về vấn đề đào tạo biên-phiên dịch tiếng Hàn Quốc.