Chuẩn bị hạ tầng đón vốn "FDI xanh"

Dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã và đang có nhiều dự án định hướng phát triển công nghệ xanh, công nghệ sạch của tương lai. Đây cũng chính là định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) hấp dẫn các nhà đầu tư FDI nhờ định hướng giảm phát thải carbon. (Ảnh: ANH THƯ)
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) hấp dẫn các nhà đầu tư FDI nhờ định hướng giảm phát thải carbon. (Ảnh: ANH THƯ)

Muốn đón các dự án FDI xanh, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần có sẵn hạ tầng sạch để nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Hiện cả nước có 425 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với quỹ đất công nghiệp hơn 89 nghìn ha, trong đó có 299 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút nguồn vốn rất lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Những năm gần đây, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký thêm của cả nước; nếu tính riêng vốn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thì con số này là 70-80%. Như vậy có thể thấy khu công nghiệp và khu kinh tế đã thật sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư cũng như các dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego..., đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu nền kinh tế.

Những năm gần đây, Việt Nam thí điểm chuyển đổi một số khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái thông qua thúc đẩy sản xuất sạch hơn và liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực. Các khu công nghiệp sinh thái xuất hiện sẽ tạo động lực mới để chuyển đổi khu công nghiệp của cả nước theo tiêu chuẩn mới.

Trong quá trình chuyển đổi, chi phí đầu tư có thể cao hơn nhưng nếu chuyển đổi chậm, chi phí sẽ còn cao hơn nữa, dẫn đến làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa. Chưa nói đến việc tích cực, chủ động hình thành khu công nghiệp sinh thái còn góp phần thu hút hiệu quả FDI xanh và truyền tải thông điệp quan trọng đến các nhà đầu tư quốc tế, nhất là đầu tư thế hệ mới về một môi trường thu hút đầu tư xanh, sạch, sinh thái và bền vững.

Để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, hướng đến mục tiêu thu hút được dòng đầu tư chất lượng cao, việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp sinh thái là con đường tất yếu. Hoạt động này bao gồm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái và xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới, có tính đến điều kiện, năng lực và tính khả thi của từng vùng miền, địa phương.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm hoàn chỉnh và đồng bộ về thể chế, chính sách, mô hình phát triển và phương thức quản lý các khu công nghiệp sinh thái, có chính sách hỗ trợ về thuế, về tài chính, đất đai cho các đối tượng thật sự có khó khăn trong quá trình chuyển đổi này.