Chưa có người dân nào trong vùng dự án sân bay Long Thành đăng ký hỗ trợ học nghề

NDO - Chưa có người dân nào trong vùng dự án sân bay Long Thành nộp hồ sơ hỗ trợ học nghề sau hơn 6 năm kể từ khi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành.
Một góc khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn.
Một góc khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn.

Sáng 6/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tiến hành giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục việc làm, quản lý lao động và quỹ bảo hiểm xã hội từ năm 2020 đến 2023 tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai, ngày 4/7/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 2281 phê duyệt Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành). Tuy nhiên, tính đến nay, qua hơn 6 năm, chưa có người dân nào nộp hồ sơ hỗ trợ học nghề.

Chưa có người dân nào trong vùng dự án sân bay Long Thành đăng ký hỗ trợ học nghề ảnh 1

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền lý giải người dân khu tái định cư sân bay Long Thành không đăng ký hỗ trợ học nghề.

Lý giải về việc không có trường hợp nào học nghề theo đề án sân bay Long Thành, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, nguyên nhân chủ quan là do thời điểm trước năm 2017, trong quá trình lập đề án, cơ quan chức năng dự báo có khoảng 7.000 người có nhu cầu học nghề nhưng thực tế hiện nay không có người nào thuộc diện di dời thực hiện dự án sân bay Long Thành nộp hồ sơ hỗ trợ học nghề.

Việc dự báo không chính xác khiến nguồn kinh phí thực hiện đề án còn dư. Trong tổng số hơn 5.000 trường hợp thuộc diện tái định cư, thực tế hiện nay chỉ có hơn 1.600 người ở tại khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn. Qua khảo sát, người dân ở khu tái định cư này cũng không có nhu cầu học nghề mà chuyển đến sinh sống, tự chuyển đổi nghề nghiệp.

Theo bà Hiền, dự án sân bay Long Thành sắp đi vào hoạt động nhưng việc đào tạo nghề cho lao động tại địa phương vẫn chưa thực hiện được. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án sân bay Long Thành.

Chưa có người dân nào trong vùng dự án sân bay Long Thành đăng ký hỗ trợ học nghề ảnh 2

Quang cảnh buổi giám sát.

Về tình hình lao động, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 1,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Từ đầu năm 2024 đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp lớn nhưng không tuyển đủ, dẫn đến thiếu lao động để sản xuất, kinh doanh.

Đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đáng quan tâm, tình hình nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục kéo dài. Tính đến cuối năm 2023, số tiền nợ đóng bảo hiểm là hơn 441 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm hơn 50%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gần 30%. Dù nợ bảo hiểm xã hội phát sinh của Đồng Nai thấp hơn cả nước nhưng số nợ lại kéo dài rơi vào một số doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai Phạm Long Sơn cho rằng, thời gian qua, việc nợ bảo hiểm xã hội chưa xử lý được một phần nguyên nhân do quy định chưa phân định rõ đâu là chậm đóng, trốn đóng. Để khắc phục tình trạng này, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực quy định rõ các hành vi chậm đóng, trốn đóng nên cơ quan chức năng sẽ thuận lợi hơn trong xử lý thời gian tới.

Chưa có người dân nào trong vùng dự án sân bay Long Thành đăng ký hỗ trợ học nghề ảnh 3

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường phát biểu tại buổi giám sát.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá, việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục việc làm, quản lý lao động và quỹ bảo hiểm xã hội tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai khá tốt.

Trưởng đoàn giám sát cho rằng, lĩnh vực bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nổi lên một số vấn đề gây bức xúc, trong đó tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội diễn biến phức tạp. Do đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phối hợp các ngành chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

Đối với lĩnh vực giáo dục việc làm, quản lý lao động phải chuẩn bị cho phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần bám sát nhiệm vụ, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, thực hiện các chính sách sát với thực tế hơn. Bởi, đơn cử như sân bay Long Thành chuẩn bị đề án cho hơn 5.000 người học nghề nhưng đến nay không ai học.

Riêng những vấn đề còn bất cập trong quá trình áp dụng quy định, các đơn vị cần rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi phù hợp.