Chú trọng vai trò tôn giáo trong xây dựng ấp, khu phố văn hóa

Tây Ninh hiện có các tôn giáo lớn như Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo với 834.848 tín đồ, 2.079 chức sắc, 8.698 chức việc (chiếm 70% dân số). Thời gian qua, việc xây dựng khu phố, ấp văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận với nhiều mô hình xuất phát từ các tôn giáo; góp phần thiết thực, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sản xuất nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh và các tôn giáo thăm, chúc mừng lễ Phật đản.
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh và các tôn giáo thăm, chúc mừng lễ Phật đản.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh Hồ Đức Hải cho biết: Công tác vận động và phát huy giá trị đạo đức tôn giáo trong xây dựng ấp, khu phố văn hóa được các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ hưởng ứng tích cực bởi các tôn giáo đều hướng đến “chân, thiện, mỹ”. Điều này góp phần tạo thành những điểm sáng trong bức tranh xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của tỉnh Tây Ninh, rõ nét nhất là tại các khu phố, ấp có đông đồng bào tôn giáo sinh sống.

Thời gian qua, việc khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức tôn giáo gắn với tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” là mục tiêu được Mặt trận cơ sở hướng tới. Tây Ninh hiện có hơn 400 cơ sở tôn giáo với nhiều hoạt động thường xuyên diễn ra tại các địa phương và các cơ sở tôn giáo vừa là điểm sáng tạo nên mỹ quan của đô thị, vừa là nơi thể hiện đức tin của cộng đồng tín đồ, là nơi để người dân sinh hoạt văn hóa, giải trí.

Nhiều người phương xa khi đến Tây Ninh, sẽ gặp ngay những nét đẹp tôn giáo như trong văn hóa Phật giáo, đã hình thành ẩm thực chay. Hay như lễ hội tôn giáo mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Cao Đài, như Đại lễ Đức Chí Tôn ca ngợi lòng yêu nước, tôn vinh các anh hùng dân tộc (Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực…); Lễ mừng Thiên Chúa Giáng sinh (đạo Công giáo và Tin Lành) ở các nhà thờ là điểm văn hóa thu hút nhiều người dân tham gia, ngoài các nội dung tôn giáo còn lồng ghép truyền tải thông điệp sống vị tha, bác ái.

Lễ Ramadan (đạo Hồi giáo Islam) tại các Thánh đường phát huy nhiều giá trị nhân văn trong thực hiện việc rèn luyện tinh thần nhẫn nhịn và bố thí… Đặc biệt, các cơ sở tôn giáo đều bảo đảm nơi thờ tự xanh-sạch-đẹp và thực hiện treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ trọng đại của đất nước.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh, các tổ chức, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo còn phát huy giá trị đạo đức “cứu khổ, cứu nạn” của tôn giáo phù hợp truyền thống văn hóa của người Việt Nam “lá lành, đùm lá rách”, tích cực tham gia các hoạt động chăm lo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Những năm vừa qua, các tôn giáo đã đóng góp xây tặng hàng trăm căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương ở các ấp, khu phố; trao tặng hàng trăm nghìn phần quà, tổ chức các bếp ăn từ thiện, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, bốc thuốc miễn phí… giúp người nghèo, người yếu thế ở các địa phương và ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội hơn 300 tỷ đồng (giai đoạn 2019-2024).

Trong việc xây dựng các ấp, khu phố văn hóa xanh-sạch-đẹp, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức tôn giáo vận động tín đồ tu bổ, sửa chữa 164,7 km đường giao thông nông thôn, phát quang dọn dẹp khoảng 220 tuyến đường giao thông nông thôn (tổng chiều dài hơn 330 km); lát gạch vỉa hè đường phố, lắp đặt bóng đèn chiếu sáng, camera an ninh trên 31 tuyến đường. Nhiều gương điển hình cá nhân tín đồ các tôn giáo đã hiến 2,2 ha đất để làm đường giao thông, làm nhà văn hóa ấp.

Thống kê từ năm 2019-2024, tỉnh Tây Ninh thông qua các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, tổ chức tôn giáo đã hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho 19.613 hộ (trong đó hỗ trợ 1.003 con trâu, bò sinh sản trị giá gần 24 tỷ đồng cho hộ dân tộc thiểu số); chuyển giao hơn 900 con trâu, bò 12 tháng tuổi (thế hệ F1) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản giai đoạn 2018-2020 cho các hộ người dân tộc Khmer với kinh phí 1,050 tỷ đồng; trợ vốn có hoàn lại cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với kinh phí 900 triệu đồng; giúp vốn phát triển sản xuất cho 364 hộ khác với số tiền 2,443 tỷ đồng.

Đến nay, về cơ bản tỉnh Tây Ninh đã xóa xong nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều từ 1,81% xuống còn 0,65% (năm 2023). Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong nhận xét:

Thời gian qua, việc xây dựng ấp, khu phố văn hóa gắn với xây dựng gia đình văn hóa là cơ sở vững chắc đề góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Để các giá trị tích cực trong đạo đức tôn giáo được phát huy và ngày càng gắn bó, làm động lực cho sự phát triển ở cơ sở, cần phải bảo đảm được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong vai trò là cầu nối và mái nhà đoàn kết của các tôn giáo.